Chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có IELTS luôn là tấm thẻ quyền năng mà nhiều người mong muốn có được. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay không hiếm người "thần thánh chứng chỉ ngoại ngữ" quá mức. Thậm chí, từng có bạn học sinh đưa ra ý kiến gây tranh luận gay gắt: "Việc đưa chứng chỉ ngoại ngữ vào xét tuyển đại học là rất thực tiễn, cần thiết cho công tác tuyển dụng sau này. Bởi ông chủ của bạn sẽ thích điều này hơn là điểm 10 Toán, Lý, Hóa, Sinh".
Theo thầy giáo Đỗ Cao Sang - một giáo viên tiếng Anh với 15 năm kinh nghiệm thì xét lợi ích lâu dài ngoài việc "ăn" điểm số, bài thi IELTS không thực sự bám sát các kỹ năng giảng đường ĐH nước ngoài. Nó là một tấm giấy chứng nhận năng lực sử dụng và hiểu biết tiếng Anh (skills and knowledge) của bạn ở ngưỡng nào mà thôi.
Thầy Sang chỉ ra một số "sự thật" về chứng chỉ đã và đang "gây sốt" này:
1. Thi IELTS không có đỗ và trượt. Nó là một tấm giấy chứng nhận năng lực sử dụng và hiểu biết tiếng Anh (skills and knowledge) của bạn ở ngưỡng nào. Đương nhiên chỉ là tương đối chính xác. Chính xác trong mức độ của một bài thi. Đo năng lực con người qua một bài thi thì dù chuẩn đến đâu cũng luôn chỉ là tương đối.
2. IELTS là chứng chỉ chứng minh năng lực ngoại ngữ phục vụ du học. Hẳn nhiều người biết vậy. Nhưng IELTS sốt cũng là do nhiều trường đại học đã tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS. Có trường còn đưa ra quy chế, hễ có điểm IELTS trên 6,5 thì coi như các điểm thi học kỳ môn tiếng Anh đã được 10 điểm từ năm thứ nhất đến năm cuối. Một số trường top 10 ở Việt Nam còn không chấp nhận khung điểm 6 bậc châu Âu (A2,B1,B2…), họ đòi hỏi phải có IELTS 6.0 mới cho học viên nhận bằng tốt nghiệp cuối khóa.
3. Xét lợi ích lâu dài ngoài việc "ăn" điểm số, bài thi IELTS không thực sự bám sát các kỹ năng giảng đường ĐH nước ngoài. Tuy bài Writing Task One khá hữu dụng cho cuộc sống học đường nhưng như thế là quá ít ỏi. Những kỹ năng quan trọng khác của sinh viên ưu tú như Summarizing, Synthesizing, Paraphrasing, Note-taking, Classifying đã không được chú trọng như bài thi khảo thí TOEFL iBT.
Sinh viên nước ta khá xa lạ với các kỹ năng của TOEFL iBT nên đã đổ xô sang IELTS vì chứng chỉ IELTS có thể kết được với hơn 3.000 trường ĐH trên thế giới. IELTS đã nhanh chân mở rộng biên độ tiếp cận của nó ngay trên nước sở tại và các trường quốc tế.
Bài thi Task Two trong Writing của IELTS chẳng có liên quan gì mấy đến đời sống giảng đường và việc nghiên cứu học thuật đường dài của người học. Vì đó là một bài thi ngắn tức thời, người thi không đủ thời gian để đưa ra số liệu thống kê, không có điều kiện để đưa dẫn chứng minh họa cho ý tưởng. Bài thi đó rõ ràng không đo được nhiều phẩm chất và năng lực của thí sinh so với bài viết của TOEFL.
4. Giống như người học võ, thời gian để anh ta luyện cơ, xương, gân chiếm quá 2/3 tổng thời gian tu học. Một môn sinh Thiếu Lâm Tự mất 3 đến 5 năm để gánh nước, bổ củi, quét sân để luyện sự dẻo dai và sức bền thể lực. Luyện IELTS hay TOEFL cũng thế, đi đúng hướng là phải tu luyện tiếng Anh cho chắc và vững chứ không phải nhảy bổ vào luyện chiêu thức.
Việc hứa hẹn "đầu ra" mấy chấm là không đủ tin tưởng, bởi đầu ra phụ thuộc đầu vào và phẩm chất của học viên. Học viên lười, tư duy chậm, không nghiêm túc thì không thể bì với học viên chăm và nhanh và nghiêm cẩn trong học tập. Thực sự việc học luôn phụ thuộc 70% vào nỗ lực của người học và chỉ 30% phụ thuộc điều kiện bên ngoài.
5. Luyện thi IELTS chẳng có bí mật gì to tát. Hoặc có, nhưng ít. Nếu tiếng Anh giỏi, bạn chỉ cần 4 hoặc 2 tuần để luyện là quá đủ. Làm nhiều tự khắc quen, khắc giỏi. Các trung tâm thường cường điệu lên để thu hút học viên mà thôi. Bạn chỉ nên xem và hỏi về các bí mật thi IELTS khi bạn đã sẵn sàng. Thế nào là đã sẵn sàng? Đó là có nhiều, thuộc nhiều cụm từ học thuật, cách diễn đạt hàn lâm, tiếng Anh tổng quát đã ở ngưỡng B2, B1.
6. Luyện IELTS có thể chia làm hai giai đoạn. Một là giai đoạn học bình thường, thủng thẳng. Hai là giai đoạn học nước rút. Thủng thẳng học thì nên là 2 năm. Nước rút thì nên là một hoặc hai tháng. Hai năm đó bạn phải học thật nhiều tài liệu hàn lâm (các bài báo khoa học, các bài giảng của giáo sư, các bài diễn văn). Hai năm đó, bạn đọc và nghe thật nhiều, chừng 70% thời gian học. Nói và viết chỉ nên 30% thời gian thôi.
Vì sao thế? Vì nghe nhiều thì khắc giỏi nói. Đọc nhiều thì khắc giỏi viết. Làm thế nào cũng được, miễn là có được nhiều cụm từ vựng hay cao cao cấp trong đầu. Và từ đó, bước vào giai đoạn nước rút. Đó là học cách viết bài thi IELTS, cách làm bài nói IELTS, cách xử lý bài đọc IELTS, làm trực tiếp bài thi mẫu, có tính giờ.
"Luyện thi IELTS, học thiền, học võ công cũng tương tự nhau về nguyên tắc tiếp cận. Nghĩa là bạn phải đi từ thấp lên cao. Nhiều "lò luyện" IELTS, TOEIC ngày nay chỉ lo về chiêu thức, bí quyết mà quên luyện nội công, gân cốt. Thành ra khi đi thi, trông thanh thế có vẻ mạnh mẽ, thực sự bên trong "thần khí" không có. Chỉ dăm ba câu đố mẹo trong đề Writing đã hạ gục hầu hết các thí sinh.
Bí quyết luyện gốc rễ của IELTS chính nằm ở các collocations (sự kết hợp các từ với nhau thành những cụm từ một cách tự nhiên theo thói quen của người bản xứ). Bạn biết càng nhiều Collocations thì việc thi nghe, nói, đọc, viết của bạn càng trở nên đơn giản. Collocations càng khó thì điểm thi của bạn càng cao", thầy Sang nói.