Du học trở thành một lựa chọn đông đảo của các bạn trẻ ngày nay và việc đi du học không còn là điều quá xa vời so với trước kia. Bên cạnh các quốc gia nổi tiếng được nhiều bạn chọn lựa học tập như: Anh, Úc, Mỹ, Canada, Pháp,… thì việc đi du học ở châu Á cũng phát triển không kém. Việc chọn các nước châu Á sẽ giúp sinh viên tiết kiệm chi phí, được sinh sống và học tập tại môi trường có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Trong các quốc gia đó, không thể không nhắc đến đất nước cạnh Việt Nam, đó là Trung Quốc.
Những năm gần đây, vị thế Trung Quốc ngày càng được nâng cao, thu hút nhiều bạn trẻ sang quốc gia này học tập. Tuy nhiên, thông tin du học Trung Quốc có rất nhiều trên Internet dẫn đến loạn thông tin, gây khó khăn cho các bạn trẻ khi "apply" xin học bổng.
Vì thế, chúng tôi đã có buổi trao đổi với anh Đoàn Bá Toại, 27 tuổi, sinh sống tại Hải Dương.
Hiện anh Bá Toại đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Nông lâm Phúc Kiến (Trung Quốc); Viện phó viện Khoa học giáo dục và phát triển; Giảng viên khoa Ngôn ngữ Trung Quốc trường Đại học Thành Đông. Về lĩnh vực tư vấn du học, anh là Cố vấn cao cấp của Công ty CP Giáo dục quốc tế T&T Việt Nam; Cán bộ Trung tâm ngoại ngữ I-EDU trực thuộc trường Đại học Thành Đông.
Với 8 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ học sinh sang Trung Quốc, Đài Loan học tập, anh Bá Toại sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích đến đông đảo các bạn học sinh/sinh viên và phụ huynh đang trăn trở trước vấn đề này.
CÁC BƯỚC "APPLY" HỌC BỔNG QUAN TRỌNG THEO GIAI ĐOẠN
- Thưa anh, cơ hội nhận được học bổng tại Trung Quốc, Đài Loan so với các quốc gia khác có cao không? Học sinh cần chuẩn bị hồ sơ gồm những gì để xin học bổng?
Có nhiều gói học bổng khác nhau như: Học bổng Chính phủ, học bổng Khổng Tử, học bổng của các tỉnh và thành phố, học bổng các trường. Còn đối với Đài Loan thì cũng có các loại học bổng của Chính phủ, học bổng trường với mức tài trợ khác nhau, mở ra cơ hội cho sinh viên quốc tế đến học tập.
Trong đó, học bổng Chính phủ của 2 khu vực trên là khó xin nhất bởi Ban tuyển sinh yêu cầu khắt khe, đưa ra nhiều tiêu chí đánh giá. Số lượng học bổng đang hạn chế dần, hiện ở Trung Quốc chỉ có gần 300 trường cấp học bổng Chính phủ; còn đối với Đài Loan có hơn 20 trường.
Việc đầu tiên khi muốn đi du học là xác định khu vực muốn sinh sống và học tập. Sau đó, dựa vào điểm số để chọn trường và học bổng phù hợp. Cuối cùng là khâu xử lý hồ sơ, giấy tờ liên quan. Khâu này các bạn có thể tự làm hoặc nhờ sự hỗ trợ của trung tâm tư vấn du học.
Thư giới thiệu: Thông thường, thư giới thiệu do giáo viên cấp 3 viết hoặc có thể là những người có địa vị trong xã hội. Nếu học Thạc sĩ thì người viết thư phải học từ bậc Tiến sĩ trở lên; học Tiến sĩ thì bắt buộc người viết thư học hàm Phó giáo sư trở lên.
Thành tích học thuật: Tùy từng học bổng, Ban tuyển sinh sẽ đưa ra yêu cầu khác nhau về điểm số trong 3 năm học THPT. Đối với học bổng Chính phủ, ở cả Đài Loan và Trung Quốc đều yêu cầu GPA trên 8.0; còn gói học bổng khác GPA chỉ cần từ 7.0 trở lên.
Kế hoạch học tập: Khi xin học bổng hệ Đại học, bạn phải có kế hoạch trong vòng 4 năm học gồm: Hoạt động, mục tiêu, thành tích, điểm số, xếp loại, thay đổi nhận thức, dự định tương lai,… Kế hoạch mang tính khái quát nhưng phải cụ thể theo từng năm và chú ý trình bày một cách súc tích, dễ hiểu. Trong kế hoạch học tập, phần đầu tiên cần giới thiệu bản thân và nêu lý do chọn trường, ngành học, khu vực.
Hoạt động ngoại khóa: Trong 2 năm gần đây, hoạt động ngoại khóa khá quan trọng. Tuy nhiên, nó không phải điểm mấu chốt để xét học bổng. Điểm mấu chốt là thư giới thiệu, thành tích học tập và kế hoạch học tập. Tuy nhiên, nếu học sinh thể hiện được năng lực bản thân qua các hoạt động ngoại khóa thì vẫn là một điểm cực kỳ ấn tượng trong mắt hội đồng tuyển dụng.
Chứng chỉ Ngoại ngữ: Khi đi Trung Quốc, Đài Loan sẽ có 2 loại chứng chỉ là HSK (HSK từ 1 – 6) và TOCFL (Ban A, B, C). Tùy từng trường và loại học bổng sẽ yêu cầu du học sinh phải có chứng chỉ Ngoại ngữ theo mức độ khác nhau. Thông thường số lượng học bổng bên Trung Quốc sẽ nhiều hơn Đài Loan. Một số trung tâm ôn luyện HSK chất lượng: Thanh Mai HSK, Hoài Phương HSK (Hà Nội); Tiếng Trung Hương Hương (Bắc Giang); HK School (Bắc Ninh), Hán ngữ T&T (Hải Dương) Hán ngữ Trác Việt (Hải Phòng),…
- Các bạn học sinh nên chọn trường dựa theo những tiêu chí gì và giai đoạn "apply" học bổng chi tiết như thế nào?
Cách chọn trường dựa theo rất nhiều tiêu chí và yếu tố như: Trình độ học thuật, tài chính, ngành học mong muốn, vị trí địa lý,… Chẳng hạn như 1 bạn học sinh có điểm số ở mức trung bình khá thì nên chọn khu vực cấp nhiều học bổng, không nhất thiết phải ở thành phố lớn. Như vậy cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Còn ở thành phố lớn có mức độ cạnh tranh rất cao, nếu điểm số ổn, bạn có thể nộp hồ sơ.
Khi "apply" học bổng, chúng ta lần lượt chọn lựa theo các tiêu chí: Chuyên ngành – Trường – Khu vực. Đầu tiên, học sinh cần hiểu rõ bản thân muốn học chuyên ngành gì, cơ hội nghề nghiệp tương lai ra sao. Trên các kênh thông tin sẽ có list (danh sách) về các trường để bạn dễ dàng chọn lựa. Cuối cùng mới là chọn khu vực mà mình muốn được sinh sống và học tập.
Giai đoạn "apply" học bổng nên chia theo các mốc thời gian như sau:
Từ lớp 10 đến hết kỳ 2 năm lớp 11: Các bạn phải cố gắng thi HSK 4 hoặc 5. Các bạn hãy cố gắng thi HSK sớm. Chứng chỉ này có hạn mức trong 2 năm. Ngoài thời gian học ngoại ngữ, học sinh nên tìm hiểu các gói học bổng của từng trường. Số lượng học bổng của trường luôn thay đổi, không cố định, phụ thuộc vào quy chế của Bộ Giáo dục Trung Quốc.
Kỳ 1 năm lớp 12: Chuẩn bị hồ sơ bao gồm hộ chiếu, kế hoạch học tập, thư giới thiệu. Thông thường những trường top đầu như: Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Đại,… sẽ mở đơn đăng ký học bổng rất sớm bằng hình thức online. Học sinh cần sát sao theo dõi các thông tin (kể cả thông tin bên lề) để "apply" thành công.
Kỳ 2 năm lớp 12: "Apply" các học bổng bên Trung Quốc hoặc Đài Loan.
LỖI NGỚ NGẨN HỌC SINH THƯỜNG GẶP VÀ NHỮNG LƯU Ý TRONG QUÁ TRÌNH HỌC TẬP
- Trong quá trình hỗ trợ các bạn làm hồ sơ du học, đâu là vấn đề nan giải anh thường gặp?
Đa số học sinh Việt Nam chưa hiểu rõ về các trường Đại học bên Trung Quốc cũng như Đài Loan. Các bạn cứ tưởng có tiền là vào học được. Ngoài ra, nhiều bạn điểm không đủ để "apply" vào trường top đầu nhưng vẫn cố chấp. Bên cạnh đó, thông tin du học Trung Quốc và Đài Loan khá nhiều gây nhiễu thông tin, khiến các bạn mơ hồ về mọi thứ.
Các bạn thường không biết rõ về các trường, chỉ nắm thông tin bằng cách đọc báo, đọc bài viết trên website, nghe review, ngắm những bức ảnh đẹp rồi nghĩ rằng đây là lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, các bạn không check kỹ lưỡng về ngành học, rank trường, mức độ phù hợp với bản thân. Đây là những lỗi ngớ ngẩn nhiều bạn trẻ mắc phải.
Một điều nhức nhối là ngày nay xuất hiện rất nhiều công ty "ma" khiến học sinh mất tiền oan, lỡ dở việc học tập hoặc phải học những ngôi trường kém chất lượng, trường bản thân không mong muốn. Để giảm thiểu rủi ro, các bạn nên liên hệ với công ty tư vấn du học lâu năm, uy tín.
Ngoài ra, học sinh cần lưu ý rằng, không phải ai chia sẻ nhiều cũng là đúng. Có những người tư vấn cho học sinh rất nhiệt tình, nói rất hay nhưng họ chưa hề sang Trung Quốc hay Đài Loan bao giờ, chưa biết các trường Đại học ở đâu, thông tin tuyển sinh thế nào.
- Theo anh, đâu là mẹo giúp học sinh đạt được học bổng giá trị cao nhất?
Hầu như các trường Đại học bên Trung Quốc và Đài Loan đều trao học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế. Các trường thực hiện miễn học phí, miễn chi phí ở ký túc và trợ cấp một khoản tiền vào mỗi tháng. Để đạt được học bổng toàn phần thì trước hết, học sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng ngành học bản thân yêu thích. Sau đó, tìm hiểu tiếp những trường có đào tạo ngành học đó rồi tiến hành "apply".
Cùng với đó, học sinh phải hiểu rõ từng loại học bổng được phép "apply" bao nhiêu trường. Ví dụ như chúng ta tách nhỏ ra: Với học bổng Chính phủ, nếu đã "apply" 3 trường rồi thì sẽ tiến tới "apply" học bổng của tỉnh, của trường. "Apply" càng nhiều thì tỷ lệ đỗ càng cao. Quan trọng nhất là các bạn cần bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu.
- Đến Trung Quốc và Đài Loan du học cần lưu ý những điều gì?
Điều tối kỵ hàng đầu là du học sinh không được đi làm thêm bên ngoài trong quá trình học tập. Nếu muốn đi thực tập cần xin giấy xác nhận của nhà trường. Sinh viên có thể đăng ký làm thêm ở trong trường nếu trường có những vị trí công việc phù hợp. Công việc của sinh viên quốc tế thường là hỗ trợ thầy cô quản lý học sinh. Nhiều trường hợp du học sinh đi làm "chui" đã bị kỷ luật. Thậm chí, trường hợp vi phạm nặng sẽ bị trục xuất. Còn ở Đài Loan thì cho phép du học sinh làm thêm từ 20 - 40 giờ/tuần.
Điều thứ hai, sinh viên cần tuân thủ quy định của nhà trường. Nhiều bạn trước đó sống trong môi trường tự do đã quen nên khi sang Trung Quốc không quen với những quy định, quy tắc nghiêm khắc. Điều này dẫn đến tâm lý chán nản, có hành vi chống đối. Thậm chí nhiều bạn còn đánh nhau, gây gổ, có hành vi vi phạm pháp luật.
Năm 2019, một du học sinh người Ai Cập xảy ra xô xát với cảnh sát giao thông và với sinh viên Trung Quốc tại quán bar. Sau đó, sinh viên này bị trục xuất về nước. Chỉ một hành vi ngoài tầm kiểm soát có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chính bản thân của chúng ta.
Điều thứ ba, sinh viên cần nghiêm túc chấp hành nội quy nhà trường như: Đi học đúng giờ, làm bài tập đầy đủ,… Các trường bên Trung Quốc và Đài Loan đa số đều trao học bổng gần như tuyệt đối nên họ đặt ra yêu cầu: Sinh viên quốc tế phải nghiêm túc học tập.
- Người ta nói rằng: "Học như người Trung Quốc". Từng là cựu du học sinh, anh đánh giá tinh thần học tập của học sinh đất nước này như thế nào?
Mình thấy câu nói này rất chuẩn. Đại đa số học sinh Trung Quốc đều có một áp lực học tập kinh khủng. Lên Đại học, họ vẫn hăng say học. Cuộc thi Đại học (Cao Khảo) thể hiện rõ nhất điều này.
Tuy nhiên, đối với du học sinh sẽ chia thành 2 môi trường học khác nhau. Những bạn học chương trình Giáo dục Hán ngữ quốc tế hay học ngành ngôn ngữ Trung Quốc sẽ "nhẹ nhàng" hơn. Bởi các bạn ấy được học cùng với sinh viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Còn nếu học với sinh viên Trung Quốc thì áp lực lớn hơn. Tuy nhiên, nếu được học trong môi trường này thì sinh viên quốc tế sẽ cải thiện khả năng ngôn ngữ rõ rệt do được tiếp xúc, trao đổi với người Trung nhiều.
- Trong 8 năm tư vấn cho học sinh đi du học, đâu là kỷ niệm đáng nhớ của anh?
Năm 2018, có 1 bạn nữ chủ động liên hệ qua facebook với mình và trình bày hoàn cảnh bản thân. Điểm số bạn nữ rất xuất sắc, năng động tham gia nhiều hoạt động và có những khát vọng lớn lao nhưng điều kiện gia đình quá khó khăn, không thể đầu tư đi du học. Trước hoàn cảnh như vậy, công ty ứng tiền hỗ trợ làm hồ sơ. Đến khi có giấy báo nhập học, bạn nữ lại chia sẻ không có tiền mua vé sang Trung Quốc. Lúc ấy công ty đứng ra trả tiền vé, tổng chi phí lên đến 50 triệu đồng.
Bạn ấy rất xúc động và nói rằng: "Khi nào em tốt nghiệp Đại học, em nhất định hoàn trả số tiền trên cho công ty". Đến nay, bạn ấy đã thực hiện được lời hứa năm xưa. Hiện bạn nữ đang tiếp tục học lên Thạc sĩ tại Trung Quốc. Trong quá trình tư vấn du học, mình có dịp đến tận nhà để chia sẻ những khó khăn với bạn ấy.
50 triệu đồng không phải là số tiền quá lớn nhưng thật sự đã làm thay đổi cuộc đời của một con người. Mỗi khi nhớ về kỷ niệm này, mình thấy phần nào câu chuyện của bản thân năm xưa. Khi quyết định đi du học Trung Quốc, mình cũng bắt đầu từ con số 0 – không kiến thức, không biết ngoại ngữ, không có tiền. May mắn là bên mình luôn có thầy cô, người thân và bạn bè hỗ trợ.
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!