Thầy Liêm hiện là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam (TT.Rạch Gòi, H.Châu Thành A, Hậu Giang). Năm 2011, thầy về trường công tác, phụ trách giảng dạy vật lý và công nghệ. Thời điểm này, ngôi trường mới thành lập nên còn những hạn chế nhất định về cơ sở vật chất, trong đó thiếu thốn nhiều đồ dùng dạy học.
“Chỉ nói riêng 2 môn học tôi phụ trách, có rất nhiều vấn đề chỉ truyền đạt bằng lý thuyết thôi là chưa đủ, cần có những thiết bị dạy học minh họa cụ thể, trực quan thì học sinh mới dễ dàng hình dung.
Mặt khác, thực tế dạy học cho thấy rằng khó thể sử dụng mãi một ví dụ mẫu để minh chứng cho nhu cầu hiểu biết phong phú của học sinh. Vì vậy, nhiều năm qua, tôi đặc biệt chú ý đến việc sáng chế, cải tiến đồ dùng dạy học để theo kịp sự đổi mới của giáo dục hiện đại”, thầy Liêm nói.
Có kiến thức nền tảng tốt về vật lý - tin học, thầy Liêm ứng dụng thành công vào việc sáng chế một số đồ dùng dạy học theo công nghệ vi điều khiển: đầu vào là các thiết bị cảm biến; viết lập trình xử lý, phân tích dữ liệu; đầu ra là các thông số đo lường cụ thể.
Năm 2020, công trình “Ứng dụng công nghệ vi điều khiển vào cải tiến đồ dùng bộ môn vật lý” do thầy Liêm thực hiện đã trở thành 1 trong 3 sáng kiến tiêu biểu được Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn trao giải “Tri thức trẻ vì giáo dục”. Theo thầy Liêm, chính giải thưởng này đã mang lại cho mình rất nhiều cảm hứng, động lực để tiếp tục mở rộng ý tưởng.
Đến nay, thầy Liêm đã cho ra mắt hơn 20 đồ dùng dạy học phục vụ công tác giảng dạy. Các sản phẩm đều xuất phát từ niềm mong mỏi, sự trăn trở của cả học sinh và giáo viên.
Thầy Liêm chia sẻ: “Trước đây học sinh thường đo nhiệt độ bằng nhiệt kế thủy ngân, nếu bất cẩn làm rơi ống nghiệm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi đã nghiên cứu dụng cụ đo nhiệt độ nhưng bằng hệ thống cảm biến để đảm bảo an toàn cho các em.
Hay muốn đo áp suất khí quyển, học sinh không nhất thiết có mặt trực tiếp tại những môi trường khắc nghiệt, bởi đã có 1 thiết bị dạy học có thể cập nhật sự thay đổi thông số qua màn hình điện thoại hoặc máy tính”,
Theo thầy Liêm, quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm cần nhiều thời gian và công sức tìm hiểu. Thiết bị làm ra phải đáp ứng các tiêu chí cơ bản là tính chính xác, độ bền, mẫu mã tiện dụng. Có những thiết bị tháo ra, lắp vào hàng chục lần vẫn chưa tìm ra nguyên lý hoạt động hiệu quả, nếu không đủ đam mê rất dễ bỏ cuộc.
Dẫu khó khăn nhưng với tâm huyết đổi mới phương pháp dạy học từ cảm quan sang trực quan, những sản phẩm đã hoàn thiện mẫu thiết kế được thầy Liêm chia sẻ công khai trên mạng để giáo viên mọi nơi có thể xem tham khảo.
Được biết, thầy Liêm cũng là chủ nhiệm của CLB Khoa học – Kỹ thuật tại trường với khoảng 17 giáo viên tham gia. Đây không chỉ là nơi các thầy cô trao đổi kinh nghiệm sáng chế đồ dùng dạy học mà còn là môi trường rèn luyện, phát triển tư duy cho những em học sinh có đam mê nghiên cứu.
Nhiều năm qua, từ phong trào sáng chế đồ dùng dạy học, thầy Liêm đã gặt hái được nhiều thành tích nổi bật, như: giải thưởng Công chúa Thái Lan (giáo viên Đông Nam Á có đóng góp tích cực cho sự phát triển giáo dục), 1 giải nhất cuộc thi cấp quốc gia, 3 giải nhất cấp tỉnh.
Không những vậy, thầy Liêm còn là người truyền lửa nhiệt huyết, người hướng dẫn “mát tay” cho nhiều em học sinh tham dự cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, tin học trẻ, khoa học – kỹ thuật, với gần 40 giải thưởng khác nhau ở cấp huyện, tỉnh và quốc gia.
Ông Lư Xuân Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Him Lam, cho biết thầy Liêm là một giáo viên trẻ có năng lực, giỏi công tác chuyên môn, rất có khiếu trong sáng tạo khoa học - kỹ thuật mà đặc biệt là việc sáng chế đồ dùng dạy học.
Với việc ứng dụng đồ dùng dạy học trực quan trong quá trình truyền đạt kiến thức, nhà trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học sinh lẫn phụ huynh. Trong hội đồng sư phạm nhà trường, thầy Liêm xứng đáng là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo.