Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, một cột mốc quan trọng trong quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025. Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có quy định đối với bậc Tiểu học không dạy thêm văn hóa mà chỉ được dạy thể thao, nghệ thuật và kỹ năng sống. Đối với bậc trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) trong nhà trường chỉ được tổ chức dạy thêm cho học sinh (HS) yếu, học sinh giỏi, học sinh lớp cuối cấp nhưng không được thu tiền.

Ngoài nhà trường, giáo viên (GV) muốn dạy thêm phải đăng ký dạy ở trung tâm được cấp phép và phải được hiệu trưởng đồng ý, đồng thời không được dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa đang theo học giáo viên tại trường.

Là một giáo viên Toán có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy cho nhiều nhóm đối tượng học sinh các khối Tiểu học, THCS, THPT với các mục tiêu khác nhau như: Thi HSG trong nước, Thi HSG Quốc tế, Thi THPT Chuyên, Thi tuyển sinh Đại học,… thầy giáo Trần Phương (Hà Nội) đã chia sẻ một số phân tích và đề xuất giải pháp:

Thầy giáo kinh nghiệm 30 năm nói: “Ở Hà Nội có nhiều giáo viên giảng dạy ở trung tâm với thu nhập từ 100 - 600 triệu đồng/tháng” - Ảnh 1.

Thầy giáo Trần Phương

Bức tranh “Dạy thêm học thêm” ở trường công lập trước Thông tư 29

Có thể phân chia học sinh phổ thông với lát cắt thời gian hiện tại theo 6 nhóm chính với các đặc trưng năng lực và định hướng cơ bản sau đây:

Nhóm các học sinh năng lực yếu không tiếp thu được kiến thức cơ bản.

Nhóm các học sinh trung bình & khá muốn nâng cao trình độ là học sinh khá, giỏi.

Nhóm các học sinh ôn luyện thi chuyển cấp THPT hoặc thi tuyển sinh đại học.

Nhóm các học sinh có định hướng thi vào THPT chuyên hoặc đại học top đầu.

Nhóm các học sinh có định hướng thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Nhóm các học sinh có định hướng du học.

Bốn nhóm (1, 2, 3, 4) trong 6 nhóm trên luôn có ranh giới mong manh giữa 2 hình thái “Tự nguyện học thêm do nhu cầu” và “Học thêm để làm vui lòng thầy cô”. Đây cũng là 4 nhóm có tỷ lệ học thêm các thầy cô dạy trên lớp là cao nhất.

Với nhóm 1 xét các học sinh yếu khối Tiểu học: Bậc học Tiểu học là nền móng để hình thành kiến thức, tư duy, kỹ năng và nhân cách. Nếu được phép dạy thêm cho học sinh yếu thì tối ưu nhất là tổ chức cho GV dạy luôn tại lớp 30 phút/1 buổi. Bởi mỗi tuần GV Tiểu học đã dạy chính khóa 5 ngày × 6 giờ/ngày = 30 giờ nên nắm bắt rất rõ điểm yếu của học sinh. Hơn nữa so với học thêm bên ngoài (nếu có) học thêm tại trường 30 phút sẽ không làm xáo trộn việc cha mẹ đưa đón học sinh.

Với nhóm (2, 3, 4) bên cạnh việc thu nạp kiến thức học sinh vẫn cần có “học bạ đẹp” để được cộng điểm khi thi chuyển cấp hoặc thi tuyển sinh đại học. Đây cũng là điều tăng thêm “quyền lực” cho GV mà cả HS và PHHS đều không thể vô tâm bỏ qua.

Nhìn chung kiến thức cơ bản trong SGK với thời lượng học ở trên lớp không thể đáp ứng yêu cầu cao trong nội dung các đề thi chuyển cấp vào hệ THPT thường, THPT Chuyên hay thi tuyển sinh đại học có tính chất cạnh tranh gắt gao. Như thế với những trường, lớp mà trình độ GV chỉ đủ để dạy kiến thức cơ bản trong SGK mà không đáp ứng được yêu cầu cao của kỳ thi chuyển cấp hệ THPT hay tuyển sinh đại học thì nhiều HS vừa phải học thêm thầy cô dạy trên lớp để có “học bạ đẹp” vừa phải học tại các trung tâm tư nhân để tối ưu kết quả thi. Đây cũng là đối tượng mà Thông tư 29 hướng đến.

Với nhóm (5, 6) học sinh phải học thêm ở các mô hình tư nhân đặc biệt là ngoại ngữ bởi trình độ GV trường công chưa đáp ứng được yêu cầu luyện thi SAT, IELTS. Các học sinh có đặc điểm giao thoa trong các nhóm (3 & 6) hoặc (4 & 5 & 6) luôn có áp lực rất lớn, nhiều em có thể học tập kín hết cả tuần và từ sáng đến tối. Tuy nhiên với các học sinh giỏi có năng khiếu đã định hướng thi Olympic và du học thì học tập với cường độ cao chính là hun đúc ý chí và kỹ năng để trở thành nhà khoa học.

Thông tư 29: Ranh giới mong manh biến giáo viên tâm huyết thành người "mang tội"

Thông tư 29 ra đời với mục tiêu cơ bản là triệt tiêu vấn nạn học thêm có tính chất “ép buộc” dưới mọi hình thức. Tuy nhiên việc áp dụng đồng bộ Thông tư 29 cho cả 3 cấp học với 6 nhóm học sinh nêu trên sẽ bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể là:

Điều 4: Cấm tổ chức dạy thêm văn hóa đối với học sinh khối Tiểu học.

Nếu như các GV bộ môn khối THPT, THCS chỉ phải dạy 1 môn từ 15 đến 18 tiết mỗi tuần thì GV Tiểu học mỗi tuần dạy 5 ngày từ 8h00 sáng đến 16h00 chiều với rất nhiều nội dung khác nhau. Bậc Tiểu học rất quan trọng vì nó là nền móng để hình thành kiến thức, tư duy, kỹ năng và nhân cách cho trẻ. Do ý thức, nhận thức và kỹ năng của các em có sự khác nhau khá lớn nên việc truyền thụ kiến thức “vừa dạy vừa dỗ” khó khăn hơn rất nhiều so với bậc THCS, THPT nhất là các học sinh yếu kém.

Nếu cuối mỗi ngày thầy cô không kịp thời ôn luyện bổ sung kiến thức, kỹ năng tại lớp cho thì con sẽ ngày càng tụt hậu so với các bạn. Vậy nếu cấm GV Tiểu học dạy thêm văn hóa cho những em yếu kém thì ai sẽ dạy cho con tăng khả năng nhận thức và thu hẹp khoảng cách với các bạn trong lớp? Và nếu thầy cô nào nhiệt huyết dạy miễn phí thì theo Thông tư 29 họ đã phạm tội hay sao?

Điều 5: Cấm Nhà Trường và GV thu tiền khi tổ chức dạy thêm tại trường.

Trường công lập trong giáo dục cũng giống như bệnh viện công trong Y tế nhưng với bệnh viện công có chế độ khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức giá tương tự như bệnh viện tư còn trường nếu tổ chức dạy thêm cho học sinh lại phải giảng dạy miễn phí?

Với điều 5 này sẽ biến việc dạy thêm tại trường mang tính hình thức mất thời gian. Khi đó nhà trường và giáo viên có thể giới thiệu học sinh đến các trung tâm tư nhân vận hành theo cơ chế thị trường với thu nhập giáo viên gấp từ 10 đến 20 lần so với thù lao dạy chính khóa! Lòng tốt từ thiện miễn phí chỉ nên là một trạng thái nhất thời còn một Thông tư để thực thi dạy học liên tục phổ quát thì cần phải gắn với yếu tố thực tiễn.

Giải pháp kiểm định dạy chính khóa - Xóa tiêu cực học thêm

Thông điệp cơ bản của Thông tư 29 là triệt tiêu vấn nạn “Dạy thêm, học thêm” có các tính chất “ép buộc”. Có thể thực thi vấn đề này bởi giải pháp rất đơn giản:  Thành lập các Trung tâm khảo thí đánh giá khách quan kết quả dạy & học.

Truyền thụ kiến thức và kiểm tra đánh giá là 2 nội dung cơ bản của “dạy và học”. Nếu để “GV giảng dạy trên lớp” ra đề kiểm tra đánh giá năng lực học sinh thì rất dễ xảy ra khả năng “Tự đá bóng, tự thổi còi”: Các GV sẽ tìm cách ra đề thi sao cho “Học sinh đi học thêm được điểm cao còn không đi học thêm bị điểm thấp!”.

Ngăn chặn nguy cơ này phải tách độc lập quá trình “dạy học” với “kiểm tra đánh giá”. Nếu thực thi Bộ GD&ĐT cần lập hệ thống khảo thí kiểm định đánh giá khách quan giống như tổ chức thi tốt nghiêp THPT Quốc gia hoặc cách tổ chức thi SAT, IELTS.

Có thể triển khai các Trung tâm khảo thí tại 3 Miền Bắc - Trung – Nam như ĐHSP Hà Nội; ĐHSP Huế; ĐHSP TP. HCM hoặc là sự phối kết hợp các đại học này với ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP.HCM. Khi đó Sở GD&ĐT các Tỉnh, Thành phố có thể đặt hàng lấy dữ liệu đề thi từ các Trung tâm khảo thí.

Có thể tổ chức khảo thí theo từng tháng nhưng tối thiểu là tổ chức thi cuối mỗi học kỳ. Khi đã kiểm tra trên cùng một hệ quy chiếu ắt có đánh giá đúng chất lượng giảng dạy của GV cũng như phân loại trình độ học sinh giữa các khối lớp, giữa các trường trong cùng Tỉnh - Thành phố. Kết quả điểm khảo thí với hệ số cao nhất trong học bạ sẽ đánh giá đúng năng lực học sinh và cũng là cơ sở gốc trong việc xét danh hiệu khen thưởng hoặc tuyển dụng biên chế giáo viên. Khâu cơ bản của Trung tâm khảo thí là tạo lập ngân hàng đề thi luôn có thể thực hiện nhanh gọn nhẹ.

Hiện tượng dạy thêm, học thêm như một căn bệnh mà ngành giáo dục cần phải tìm ra “công thức đặc trị” nhưng không làm ảnh hưởng đến các nhân tố tích cực khác. Bộ GD&ĐT cần phải tạo cơ chế, chính sách để các trường công lập không muốn và không thể ép buộc học sinh phải học thêm nhưng vẫn phải đảm bảo quyền của các GV được “dạy thêm” bình đẳng như mọi GV ngoài công lập.

Thông tư 29 bộc lộ những hạn chế trong điều 4, điều 5 chính là động lực để nhiều GV từ bỏ hệ công lập có trách nhiệm cao nhưng thu nhập thấp để chuyển sang mô hình giáo dục tư nhân có thu nhập cao. Tôi được biết ở Hà Nội có nhiều GV tự do giảng dạy ở các trung tâm với thu nhập từ 100 - 600 triệu đồng mỗi tháng.

Thông tư 29 cũng giống như nhiều thông tư khác cần phải qua trải nghiệm thực tế để hoàn thiện bổ sung. Thông tư dù có nhiều điểm mới tích cực nhưng không thể áp dụng chung một công thức cho toàn bộ các GV và học sinh ở các cấp học mà cần phải vận dụng linh hoạt theo các nhóm đối tượng có năng lực và nhu cầu khác nhau. Chỉ khi đó thông tư 29 mới đáp ứng được tính đa dạng “Cung- Cầu” trong giáo dục.