Năm 2012, khi đứng trước ngưỡng cửa chọn trường đại học, nam sinh Lê Công Sự (sinh năm 1994, TP Hồ Chí Minh) vẫn loay hoay giữa hai con đường: Nên chọn theo học Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh hay Sư phạm Ngữ Văn (trường ĐHSP)? Trong mục tiêu và mơ ước của Sự lúc đó, 4 chữ "thầy giáo mầm non" thật sự xa vời, thậm chí chưa một lần mảy may xuất hiện.

Nhưng như Sự nói sau này, mọi thứ đến với mình là một chữ "Duyên". Năm đó, khi cân nhắc kinh tế gia đình không cho phép theo đuổi con đường nghệ thuật, Sự bỗng được thầy cô, bạn bè gợi ý nên đăng ký ngành giáo dục mầm non. Nguyên nhân thì đơn giản lắm: vì thấy Sự khéo tay, năng động, hoạt bát, nhiều sáng tạo, ý tưởng. Và đặc biệt, Sự rất yêu trẻ con. 

Sau nhiều đêm suy xét, Sự nghĩ "cứ thử, có khi lại hợp". Tất nhiên, quyết định "lấn sân" sang lĩnh vực vốn được mặc định dành cho phụ nữ không thể nào không vấp phải những chướng ngại. 

Đầu tiên là từ phía gia đình. Ba của Sự khi đó không phản đối hẳn, nhưng ông rõ ràng không hài lòng. Con người ta ra đời làm luật sư, bác sĩ, kỹ sư... con mình lại chọn cái nghề nuôi dạy trẻ không có gì đáng tự hào. Một thời gian dài ai hỏi con học gì, ông im lặng, không trả lời.

hhhh - Ảnh 1.

Thầy Sự từng nhiều lần đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận và mới đây vinh dự là giáo viên đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Thứ hai, năm Sự nhập học khoa Giáo dục Mầm non của Trường Đại học Sài Gòn, cả khóa chỉ có mỗi Sự là con trai. Như "gươm lạc giữa rừng hoa", không muốn mà Sự bỗng trở nên... nổi tiếng. Xì xào, chỉ trỏ, thôi thì đi đâu cũng thành tâm điểm. Năm học đầu Sự kể, mình mắc cỡ đỏ mặt tía tai mỗi khi được thầy cô gọi phát biểu. Nhưng, thời gian rồi cũng khiến mọi thứ trở nên dần bình thường và cũng.... bình yên.

Chớp mắt đã 11 năm. Anh sinh viên "độc nhất vô nhị" trong khoa ngày đó giờ chính thức là thầy giáo mầm non của Trường Mầm non Hoa Đào, Quận 12. Thời gian đầu vào nghề, thầy Sự cũng từng có những luống cuống bởi kiến thức học trong nhà trường và thực tế bên ngoài muôn hình vạn trạng không phải luôn như nhau và lúc nào cũng có thể áp dụng như sách vở được.

Về sau thầy giáo trẻ quen dần rồi học cách chăm sóc và đưa các con vào nề nếp. Không chỉ dạy dỗ bao nhiêu thế hệ học sinh măng non, thầy Sự còn được ghi nhận tài năng và tâm huyết bằng những giải thưởng. Thầy từng nhiều lần đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận và mới đây vinh dự là giáo viên đạt giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Nhiều năm nhìn nhận sự cố gắng và đam mê nghề của con, ba của Sự cũng dần hiểu và tự hào về con trai mình. Khi ai hỏi, ông không né tránh mà thẳng thắn trả lời: Nó làm thầy giáo mầm non.

Thầy giáo mầm non - những điều chưa kể hết

Trò chuyện với thầy Sự, người đối diện sẽ dễ dàng nhận thấy một điều: Ở thầy luôn toát ra năng lượng lạc quan, tích cực. Tính cách này là một phần khiến thầy Sự nhận được nhiều sự yêu mến từ học sinh và phụ huynh. 

Có điều, chắc hẳn cũng như 645 thầy giáo mầm non (trong tổng số gần 370.000 giáo viên mầm non) trên cả nước, thầy Sự cũng đã từng đối diện với những định kiến và dị nghị vì đã theo một nghề được cho là không hợp với... đàn ông.

Thực tế tại TP Hồ Chí Minh, giáo viên nam ngành giáo dục mầm non trong ngành rất ít, riêng Quận 12 cũng chỉ thầy Sự theo đuổi nghề. Khi mới về công tác, ban đầu phụ huynh cũng ngạc nhiên và không thích một giáo viên nam dạy con mình. Họ sợ chuyện thầy chăm các bé ăn uống không khéo bằng cô, thiếu sự kiên nhẫn, dịu dàng. Rồi đến chuyện vệ sinh, ngủ ngáy... Có quá nhiều thứ cần bàn tay cô giáo mà một thầy giáo sức dài vai rộng e rằng khó thay thế được.

Trong quá trình dạy học, thầy Sự luôn tìm tòi những phương pháp, cách tiếp cận mới mẻ để tạo sự hứng thú và phát huy được khả năng sáng tạo của trẻ.

Hai tháng sau khi thầy Sự đứng lớp, phụ huynh trở nên niềm nở, không còn e dè, đề phòng như trước. Không phải thầy Sự tiếp cận phụ huynh để lấy lòng tin, mà họ yên tâm vì cách thầy giáo đối xử, chăm lo con cái mình. Nếu con đường đi đến tình yêu thông qua bao tử, thì con đường thầy Sự gầy dựng niềm tin của phụ huynh thông qua những đứa trẻ. 35 học sinh lớp Lá hiện tại quấn quýt thầy cô, thích đến lớp mỗi ngày.

Thầy giáo trẻ tâm sự: "Trong lớp, ngoài Sự luôn có thêm 1 cô giáo. Với những công việc có phần tế nhị, thông thường giáo viên nữ sẽ đảm nhận. Hằng ngày, Sự vẫn làm những công việc từ buộc tóc, dỗ trẻ và dạy học, chăm sóc, lo từng bữa ăn đến giấc ngủ cho các bé. Sự nghĩ khi chúng ta dạy dỗ trẻ xuất phát từ tâm huyết và tình yêu thương thì bố mẹ sẽ có cái nhìn tích cực hơn về bản thân mình".

Một "thầy nuôi dạy trẻ" sáng tạo và nhiệt huyết

Trong quá trình dạy học, thầy Sự luôn tìm tòi những phương pháp, cách tiếp cận mới mẻ để tạo sự hứng thú và phát huy được khả năng sáng tạo của trẻ. Học sinh của lớp thầy Sự luôn háo hức vì thường xuyên được chơi nhiều trò chơi tư duy, vận động.

"Ngoài việc bám vào chương trình giáo dục mầm non do Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hồ Chí Minh đưa ra, Sự vẫn lồng ghép các tiết dạy về kỹ năng, khám phá khoa học cũng như những câu chuyện mới mẻ để trẻ hứng thú, giáo viên cũng đỡ nhàm chán. 

Chẳng hạn với tiết học "Khám phá khoa học vui" qua hoạt động cho học sinh làm thí nghiệm "Hạt tiêu chạy trốn" Sự tham khảo trên internet. Bình thường theo cách dạy cũ, các giáo viên sẽ là người thực hiện thí nghiệm đó, trẻ quan sát thầy cô làm xong rồi thực hành. Nhưng Sự vận dụng hình thức lấy trẻ làm trung tâm, đưa ra các nguyên vật liệu trong "túi càn khôn", sau đó biến hóa ra trước mặt trẻ. Các con rất bất ngờ và thích thú, chờ đón xem điều gì xảy ra tiếp theo", thầy giáo chia sẻ.

Bên cạnh đó, thầy Sự cũng cho trẻ tự suy nghĩ, với các nguyên vật liệu này trẻ sẽ chơi những trò gì hay khám phá thêm những kiến thức gì. Các con được chia sẻ ý tưởng của mình, được khám phá, được thực hành… và giáo viên chốt kiến thức bằng cách dễ hiểu nhất, giúp học sinh nhớ lâu kiến thức…

hhhh - Ảnh 3.

Để kích thích trẻ ham thích đến lớp, thầy Sự đã tạo môi trường lớp học với những màu sắc sinh động và hình ảnh ngộ nghĩnh.

Thầy Sự cũng được hiệu trưởng nhà trường nơi đang công tác đánh giá luôn biết vận dụng các phần mềm, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào giảng dạy. Để kích thích trẻ ham thích đến lớp, thầy đã tạo môi trường lớp học với những màu sắc sinh động và hình ảnh ngộ nghĩnh; đồ dùng đồ chơi được sắp xếp, trưng bày sinh động.

Nghề giáo viên mầm non vất vả, hy sinh nhiều thời gian, công sức cũng như khó chu toàn chuyện nhà, chuyện lớp. Tuy nhiên thầy Sự cho rằng, ngành nghề nào cũng có những khó khăn riêng và nếu mình đến với nghề bằng cái tâm, bằng sự đam mê thì chướng ngại nào cũng từ to hóa nhỏ, từ nhỏ hóa không:

"Nếu các bạn nam có nguyện vọng theo nghề giáo viên mầm non, Sự khuyên cứ mạnh dạn, tự tin theo đuổi. Nghề nào cũng cao quý, cấp học nào cũng cần thiết. Quan trọng hơn, nghề là thứ theo mình cả đời, nên trước tiên phải tính tới sự yêu thích. Ý kiến của gia đình và người ngoài có thể tham khảo, cân nhắc nhưng quyết định cuối cùng vẫn là ở chính bạn", thầy Sự nói.

Theo thầy giáo, nam giới làm giáo viên mầm non ngoài một số bất tiện hay định kiến thì khi bạn học trong trường, đi làm hầu hết đều sẽ nhận được sự giúp đỡ, yêu thương từ thầy cô hay đồng nghiệp. Miễn các bạn yêu trẻ bằng cả trái tim, làm nghề một cách nghiêm túc thì nghề sẽ không bao giờ phụ bạc mình.