Hơn 6 tháng nay, hình ảnh một ông Tây to lớn, mặc quần tây, áo sơ mi trắng, đeo kính râm, đội nắng đứng giữa lòng đường vào mỗi buổi sáng để điều tiết giao thông đã trở nên quen thuộc với người dân nút giao lộ Võ Trường Toản – Xa lộ Hà Nội (quận 2, TP.HCM). Ông là Philip Rogers, người Úc, hiện đang làm hiệu trưởng tại một ngôi trường quốc tế trên đường Võ Trường Toản.

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 1.

Hình ảnh một ông Tây to lớn, ăn mặc lịch sự xuống đường điều tiết giao thông khiến nhiều người thích thú

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 2.

Ông Tây vui vẻ ra hiệu cho các xe ô tô ra vào trên đường Võ Trường Toản

Chứng kiến cảnh kẹt xe vào mỗi buổi sáng, dòng người chen chúc, vội vã lách qua nhau để giành quyền lưu thông khiến ông Philip phải xắn tay áo, xuống đường để điều tiết. Hơn nữa cũng vì sợ xe đưa rước học sinh vào trường bị kẹt, các em sẽ trễ học nên ông Philip luôn có mặt vào mỗi buổi sáng, làm xong việc điều tiết giao thông qua giờ cao điểm mới vào trường giảng dạy. Việc con đường hẹp, lại có quá nhiều phương tiện lưu thông, chủ yếu là xe ô tô khiến cảnh tượng kẹt xe kéo dài, phải rất vất vả người đi đường mới thoát được khỏi khu vực này.

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 3.

Cảnh kẹt xe ô tô kéo dài từ đường Võ Trường Toản ra Xa lộ Hà Nội vào mỗi buổi sáng

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 4.

Ông Tây bất lực nhìn cảnh xe ô tô, xe máy chen chúc nhau giành đường để di chuyển

Chị Nguyễn Thị Trâm Anh (ngụ P.Thảo Điền, Q.2) cho biết: "Lúc đầu thấy ông ấy xuống đường, tay chỉ trỏ, ra hiệu cho phương tiện qua lại mà thấy mắc cười, không hiểu cái ông Tây này làm gì ở đó. Giờ riết rồi thành quen, thấy ông dễ thương quá vì nhờ có ông mà đoạn đường này xe cộ chạy qua cũng dễ dàng hơn".

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 5.

Ông Tây liên tục có những cử chỉ, hành động để hướng dẫn người và xe di chuyển qua khu vực kẹt đường

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 6.

Việc đưa đón học sinh, rước trả khách tại khu vực phường Thảo Điền khiến cho việc kẹt xe xảy ra thường xuyên

Trò chuyện với ông Philip, ông chia sẻ do thường thấy cảnh kẹt xe diễn ra liên tục vào mỗi buổi sáng tại khu vực này. Một phần do các phương tiện chủ yếu là xe ô tô tại các khu dân cư ra vào, phần khác là do cảnh đưa rước khách, học sinh tại các điểm trường trong khu vực khiến cảnh kẹt xe kéo dài, rất khó để di chuyển. Ông ra ngã ba này điều tiết giao thông cũng có mong muốn học sinh của mình vào trường một cách nhanh chóng hơn.

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 7.

Ông Tây cùng một số bảo vệ dân phố xuống đường để giải cứu kẹt xe vào giờ cao điểm

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 8.

Các phương tiện ô tô cá nhân lưu thông qua khu vực này quá nhiều, trong khi đường chật khiến việc điều tiết gặp nhiều khó khăn

Ông chia sẻ: "Trường tôi có khá nhiều xe đưa rước học sinh vào buổi sáng nên cũng khiến cho việc kẹt xe ở đây xảy ra nghiêm trọng hơn. Nhiều người điều khiển phương tiện cứ chen lấn nhau để giành đường, tôi thấy việc này không đúng nên mới ra đường để giúp việc lưu thông dễ dàng hơn".

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 9.

Hình ảnh ông Tây ra hiệu giải cứu kẹt xe đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống tại khu vực này

Ông Philip cũng cho rằng do con đường Võ Trường Toản khá hẹp, trong khi đó lại có nhiều phương tiện cá nhân, đặc biệt là ô tô nên khi ra vào xa lộ Hà Nội dẫn đến kẹt xe. Ông mong muốn TP.HCM nên khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì cá nhân để giảm ùn tắc giao thông. Đặc biệt, ông nhấn mạnh về ý thức của người tham gia giao thông.

Thầy giáo Tây ở Sài Gòn mướt mồ hôi giải cứu kẹt xe vì sợ học sinh trễ giờ - Ảnh 10.

Ông Philip hiện đang là hiệu trưởng của một trường quốc tế trên đường Võ Trường Toản

"Tôi thấy ở Việt Nam ý thức của người dân khi tham gia còn kém, khi các phương tiện cố giành đường với nhau, luồn lách qua các khe hở để được di chuyển, như vậy vừa nguy hiểm, vừa mất mỹ quan đô thị. Nhiều hôm thấy xe vượt ẩu tôi chặn lại thì bị phản ứng rất khó chịu", ông Philip lắc đầu ngán ngẩm.

Hình ảnh một ông Tây xắn tay áo, ướt mồ hôi xuống đường giải cứu kẹt xe mỗi sáng trên xa lộ Hà Nội khiến nhiều người đang sinh sống ở Sài Gòn phải suy nghĩ về ý thức của mình.