Không ít học sinh có suy nghĩ rằng Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục... là những môn phụ trong chương trình học. Chính vì thế, các em thường hay lơ là hoặc không chăm chú nghe giảng trong những tiết học đó.
Thế nhưng, nếu một lần tham gia giờ học của thầy Lê Đức Hùng thì có lẽ mọi người đều sẽ có cái nhìn khác. Mỹ thuật không chỉ là học vẽ mà còn là kỹ năng sống, kiến thức Địa lý, hay thậm chí được giáo dục cả về tình yêu quê hương, đất nước.
Thầy Lê Đức Hùng sinh năm 1988, hiện đang giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường THCS – THPT Thống Nhất (Yên Định, Thanh Hóa).
Trong những tiết dạy, chỉ với phấn trắng, thầy giáo trẻ đã vẽ nên các bức tranh ấn tượng, truyền tải thông điệp ý nghĩa một cách sáng tạo, giúp học sinh có cách nhìn nhận đúng về môn học và tránh những thói hư tật xấu.
Bộ tranh bảng phòng chống các tệ nạn xã hội, thói hư tật xấu của thầy Hùng sau khi chia sẻ lên MXH đã khiến nhiều người thích thú. Không chỉ khen ngợi cách giảng dạy sáng tạo, nhiều người còn ngạc nhiên bởi sự khéo léo, vẽ nhanh, đẹp của thầy giáo trẻ.
Liên hệ với thầy Hùng, anh cho biết, từ khi bắt đầu đi dạy, anh chưa từng có suy nghĩ đây là môn phụ, kia là môn chính: "Quan trọng hơn cả là mình có làm đúng, làm phù hợp và sáng tạo để cuốn hút học sinh hay không? Bản thân mình thì luôn suy nghĩ, trăn trở và học hỏi từ nhiều hướng. Trong mỗi tiết học, mình cố gắng lồng ghép nhiều phương pháp để mỗi giờ học là mỗi giờ vui, khiến các em học sinh yêu thích môn Mỹ thuật, đồng thời kỹ năng vẽ tốt lên".
Và thầy Lê Đức Hùng tâm niệm học Mỹ thuật không đơn thuần là học vẽ, mà qua đó sẽ truyền tải đến cho các em ngoài cả những sự hiểu biết, kỹ năng sống. "Mình luôn hướng tiết học Mỹ thuật có nội dung gần gũi, giản dị, dễ hiểu và thực tế!" - thầy Hùng cho biết.
Và để cho trực quan hơn, thầy Hùng sử dụng luôn phấn trắng - bảng đen để thị phạm trực tiếp cho các em mỗi giờ học. "Phấn - bảng là công cụ giáo viên sử dụng hàng ngày nên rất gần gũi. Chính vì thế, mình đã tìm hiểu cách vẽ bằng phấn, chắt lọc cách vẽ cùng với kỹ năng của mình để thực hiện bài vẽ bằng phấn, giúp cho học sinh có thể nhận biết và hiểu được những nội dung tranh vẽ của mình để hướng học sinh đến những điều tốt", thầy Hùng nói.
Tuy nhiên, để có được những bức tranh phấn ấn tượng, ngoài giờ lên lớp, thầy giáo 8X phải dành nhiều thời gian lên mạng tìm hiểu các cách vẽ khác nhau, làm sao để học sinh dễ hiểu và dễ hình dung nhất. Với mỗi bức tranh, thầy Hùng thường mất khoảng 5 - 10 phút để vẽ minh họa cho học sinh.
Sau khi vẽ xong một tác phẩm, thầy giáo trẻ thường hỏi học sinh của mình: Ý nghĩa của bức tranh? Việc làm đó đúng hay sai? Nếu đặt mình vào tình huống đó, các em sẽ giải quyết như thế nào…?
Từ hình ảnh sinh động, các em sẽ trả lời chủ đề của tranh vẽ và thảo luận sôi nổi vấn đề thầy đang hướng học sinh đến. Và tiết Mỹ thuật không đơn giản chỉ là ngồi tô vẽ hay buồn chán...
Trước đó, thầy Hùng từng được nhiều người biết đến qua những bức tranh phong cảnh thị phạm cho học sinh.
Những bức tranh phong cảnh thầy Hùng thị phạm cho học sinh từng gây sốt MXH.