Vào một đêm muộn nọ, rời khỏi nhà hàng, hình ảnh những người vô gia cư, đói khổ đang bới thùng rác để tìm bữa ăn cho mình khiến Minu Pauline - chủ nhà hàng Pappadavada tại Kochi, Ấn Độ - mãi chẳng thể nào quên. Pauline chia sẻ với Upworthy: "Tôi nhìn thấy nhiều, nhiều người lắm, họ đang lấy thức ăn từ thùng rác, và tôi thực sự sốc".
Điều này đã khiến Pauline rất trăn trở và nghĩ đến lượng thực phẩm mà cô đã vứt đi, không chỉ tại nhà hàng mà ngay cả trong cuộc sống của mình. "Rất nhiều người trong chúng ta đã lãng phí thức ăn và người đói nghèo lại phải tìm thức ăn từ thùng rác", Pauline phát biểu đầy cảm xúc.
Ba năm sau, Pauline mở chi nhánh thứ hai của nhà hàng với điểm nhấn đặc biệt: một tủ lạnh đầy ắp thức ăn ngay trước của nhà hàng. Cô đặt tên cho tủ lạnh này là "nanma maram", có nghĩa là "cây của sự tốt lành" hay "cây đức hạnh". Tủ lạnh phục vụ 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần.
Theo Pauline, cô, thực khách cùng những người khác trong cộng đồng để lại thức ăn thừa của họ trong tủ lạnh này, ghi rõ ngày tháng. Tủ lạnh này sẽ không bị khóa lại để những người đói nghèo có thể lấy thức ăn vào bất kì lúc nào trong ngày mà không cần phải cầu xin, đào bới trong thùng rác.
Đặc biệt, Pauline yêu cầu mọi người không được mua thức ăn bỏ vào đây mà chỉ được bỏ vào những gì họ có ý định lãng phí. Theo Pauline, đến nay, tủ lạnh này đã tạo được tiếng vang rất lớn, nhiều người dân địa phương đã đến và bỏ thức ăn còn dư trong ngày của họ vào đây.
Pauline cho biết, mỗi ngày, mọi người bỏ vào đó khoảng 200 đến 300 túi thực phẩm, và đến sáng hôm sau, mọi thứ đã sạch veo.
Pauline biết rõ rằng chiếc tủ lạnh bé nhỏ của mình chẳng thể nào cung cấp đủ hết cho những người nghèo đói trên khắp thế giới, nhưng cô tin rằng, điều này có thể làm thay đổi nhận thức của mọi người về nhu cầu, sự lãng phí. Pauline kêu gọi: "Tôi chỉ muốn nói rằng, nếu bạn có dư thực phẩm ở nhà hay bạn dùng không hết, hãy đến và đặt chúng vào tủ lạnh này".
Theo chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, khoảng 33% thực phẩm sản xuất phục vụ cho con người trên thế giới đã bị lãng phí. Một điều đáng kinh ngạc là 40% thực phẩm ở Ấn Độ đã bị hỏng trước khi được tiêu thụ. |
(Nguồn: Upworthy)