Tiệm bánh của chị Lưu (tên nhân vật đã được thay đổi) ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, là tiệm bánh ngon nức tiếng trong vùng nên lúc nào cũng đông khách. Cứ ngỡ việc buôn may bán đắt là điều tốt, thế nhưng sau khi nghe xong câu chuyện mới xảy ra với tiệm bánh của nhà chị Lưu, ai nấy cũng phải thừa nhận rằng những rắc rối sau đó quả thực đều từ đây mà phát sinh.

Theo đó, vào tháng 10 năm 2024, ông Vương, chủ mặt bằng, ghé thăm tiệm bánh của chị Lưu. Thấy tiệm bánh của người phụ nữ này rất đông khách, người này tỏ vẻ ghen tỵ. Người đàn ông này cho rằng vì nó nằm ở vị trí tốt nên việc kinh doanh mới được thuận lợi như vậy. Sau khi xem xét, ông Vương cảm thấy số tiền mà ông cho chị Lưu thuê mặt bằng quá thấp so với lợi ích mà chị nhận được nên đã yêu cầu tăng tiền thuê mặt bằng.

Nghe ông Vương nói vậy, chị Lưu ngạc nhiên hỏi: “Ông muốn tăng lên bao nhiêu?”

“Bắt đầu từ tháng sau, tiền thuê mặt bằng sẽ là 18.000 NDT/tháng (hơn 63 triệu đồng)”, ông Vương cho biết.

Chị Lưu nghe vậy thì hoảng hốt: "Trước đó không phải là 10.000 NDT/tháng (hơn 35 triệu đồng) sao? Sao đột nhiên ông lại tăng giá lên nhiều như vậy?"

Thấy chị Lưu tỏ vẻ không đồng ý, ông Vương nhếch môi đáp: “Việc kinh doanh của chị tốt quá, sao không trả thêm tiền thuê mặt bằng. Nếu chị không trả được thì tôi cho người khác thuê.”

Nói xong, ông Vương không nghe lời giải thích của chị Lưu mà vội vã bỏ đi. Ngày hôm sau, chị Lưu đến quán như thường nhật, tuy nhiên cảnh tượng trước mắt khiến chị vô cùng choáng váng. Theo đó, tiệm bánh của nhà chị hoàn toàn trống rỗng, tất cả đồ đạc trong cửa hàng đều đã biến mất. Qua thăm hỏi, hàng xóm gần đó cho biết đêm hôm trước, ông Vương đã dẫn một nhóm người mở khóa và chuyển toàn bộ đồ đạc ở trong tiệm lên xe rồi chở đi. 

Nhìn thấy tiệm bánh bao của mình bỗng tan hoang sau 1 đêm, chị Lưu không kìm nén được mà bật khóc: "Thật quá đáng!"

Thấy tiệm bánh buôn bán phát đạt, chủ mặt bằng tăng giá thuê từ 35 lên 63 triệu đồng/tháng: "Không trả được thì tôi cho người khác thuê" - Ảnh 1.

Ảnh: Sohu

Ngay sau đó, vụ việc này đã được đăng tải lên MXH và thu hút sự quan tâm của mọi người. Khi những video liên quan được lan truyền một cách rộng rãi, ông Vương bị dư luận chỉ trích nên bắt đầu hoảng sợ. Để xoa dịu dư luận, người đàn ông này đã chủ động nhờ người liên hệ với chị Lưu và bày tỏ sẵn sàng bồi thường cho chị 5.000 NDT (hơn 17 triệu đồng). Tuy nhiên, chị Lưu đã không nhận 5.000 NDT này vì nó không thể bù vào khoản lỗ mà tiệm bánh phải chịu. Thay vào đó, chị quyết định trình báo sự việc cho cảnh sát. Cảnh sát địa phương sau đó cũng đã vào cuộc điều tra tuy nhiên chưa có tuyên bố chính thức nào được đưa ra.

Vậy trong trường hợp của chị Lưu, việc chủ mặt bằng bất ngờ tăng tiền thuê mặt bằng là đúng hay sai?

Về vấn đề này, luật sư Lý Vân Yên từ Công ty Luật Quảng Đông đã phân tích và giải thích từ góc độ pháp lý. Theo luật sự này, có 2 vấn đề pháp lý chính liên quan đến vụ việc này. Cụ thể như sau:

1. Việc chủ đột ngột tăng tiền cho thuê mặt bằng có cấu thành hành vi vi phạm hợp đồng không?

Luật sư Lý Vân Yên cho biết, trường hợp thứ 1, nếu ông Vương đột ngột tăng tiền thuê mặt bằng trong thời gian hợp đồng thuê nhà còn hiệu lực thì đây là hành vi vi phạm hợp đồng. Theo Điều 7 và Điều 509 của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, chủ thể dân sự khi tham gia hoạt động dân sự phải tuân theo nguyên tắc thiện chí, trung thực và thực hiện đúng cam kết của mình. Các bên phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình như đã thoả thuận trong hợp động. Trong thời gian cho thuê, bên cho thuê phải giữ nguyên tắc thiện chí, thu tiền thuê mặt bằng theo đúng số tiền đã thỏa thuận trong hợp đồng. 

Theo quy định tại các điều 577, 582 và 583 của Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không đúng với thỏa thuận thì phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng. Trách nhiệm vi phạm hợp đồng sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên. 

Trường hợp thứ 2, nếu chủ mặt bằng đề nghị tăng tiền thuê khi đã hết hạn hợp đồng thì không cấu thành hành vi vi phạm hợp đồng. Lúc này, người thuê có quyền lựa chọn có gia hạn hợp đồng thuê hay không dựa trên tình hình thực tế của mình. Nếu cho rằng giá thuê quá cao, họ có thể lựa chọn không gia hạn hợp đồng và chuyển đi theo thời gian đã thỏa thuận. Nếu bên thuê không dọn đi trong thời gian đã thỏa thuận thì phải chịu trách nhiệm vi phạm hợp đồng.

Trong trường hợp thứ 3, thời hạn thuê giữa chủ nhà và người thuê là không xác định thời hạn. Theo quy định tại Điều 707 và 730 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, nếu thời hạn thuê trên 6 tháng thì phải lập thành văn bản. Nếu các bên không lập văn bản và không xác định được thời hạn thuê thì được coi là thuê không xác định thời hạn. Lúc này, nếu chủ nhà đề nghị chấm dứt hợp đồng ban đầu và đề xuất mức giá thuê mới cho hợp đồng thuê mới thì không cấu thành hành vi vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, bên thuê phải được thông báo trong khoảng thời gian hợp lý trước khi hợp đồng ban đầu bị chấm dứt.

Thấy tiệm bánh buôn bán phát đạt, chủ mặt bằng tăng giá thuê từ 35 lên 63 triệu đồng/tháng: "Không trả được thì tôi cho người khác thuê" - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: Internet

2. Chủ mặt bằng phải chịu trách nhiệm pháp lý gì nếu tự ý chuyển đồ đạc của người thuê mà không được cho phép?

Về vấn đề này, luật sư luật sư Lý Vân Yên cho biết, nếu rơi vào trường hợp thứ 1 nêu trên, chủ mặt bằng không có quyền đơn phương tăng tiền thuê và người thuê có quyền yêu cầu chủ mặt bằng tiếp tục thực hiện hợp đồng ban đầu. Nếu chủ mặt bằng tự ý chuyển đồ đạc của bên thuê mà chưa được sự đồng ý của họ thì đây là hành vi vi phạm hợp đồng. Chủ mặt bằng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại kinh tế cho người thuê.

Trường hợp thứ 2, hợp đồng thuê giữa hai bên đã chấm dứt và người thuê phải dọn đi trong thời hạn đã thỏa thuận: Lúc này, nếu người thuê không dọn đi, chủ mặt bằng có thể yêu cầu người thuê phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng. Nếu chủ mặt bằng tự ý dọn đồ đạc của người thuê trước thời gian đã thỏa thuận thì đó là hành vi vi phạm pháp luật và họ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên thuê.

Trong trường hợp thứ 3, chủ mặt bằng có thể chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo cho người thuê trong một khoảng thời gian hợp lý và cho người thuê thời gian hợp lý để dọn đi. Nếu chủ mặt bằng không đề nghị chấm dứt hợp đồng hoặc có ý định chấm dứt hợp đồng nhưng không cho người thuê một khoảng thời gian hợp lý để dọn đi thì họ đã không thực hiện nghĩa vụ thông báo và hỗ trợ, vi phạm Điều 730 của Bộ luật dân sự Trung Quốc. Nếu chủ mặt bằng tự ý chuyển đồ đạc của người thuê đi mà chưa được sự cho phép thì đây là hành vi vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất đã gây ra với người thuê.

Luật sự này cũng cho biết việc người cho thuê tự ý tăng tiền thuê trong thời gian thực hiện hợp đồng là một trong những tranh chấp thường gặp khi thực hiện hợp đồng thuê nhà, thuê mặt bằng. Khi rơi vào trường hợp này, bên cạnh việc nhờ sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, người thuê cũng cần nâng cao kiến thức của mình để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.