Cho con học chữ trước khi vào lớp 1 hay không là vấn đề gây đau đầu cho không ít phụ huynh và cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người muốn con được phát triển tự nhiên, không muốn con bước vào con đường học hành sớm mà đánh mất tuổi thơ đầy ý nghĩa, một số phụ huynh lại lo lắng rằng sĩ số lớp 1 nhiều trường lên tới 40 - 60 học sinh, nếu không học chữ sớm, làm sao con có thể nhanh chóng thành thạo.

Giữa những luồng ý kiến tranh luận trái chiều, chị Lê Mai Hương, giáo viên Montessori, người từng có nhiều quan điểm nuôi dạy trẻ được các phụ huynh chú ý, cho rằng việc cho con học trước hay sau không quan trọng, quan trọng là đứa trẻ đó phải được trải nghiệm tiếng Việt trong suốt thời thơ ấu của mình. Chị cũng khẳng định việc học chữ 1 tháng trước khi vào lớp 1 "chẳng khác gì dấm cho chín ép".

Thay vì ép con học chữ sớm, bố mẹ cần làm việc này để con quen với chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh 1.

Một đứa trẻ học tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay không đâu phải là quan trọng. Quan trọng là 5 năm trước đó đứa trẻ có được trải nghiệm tiếng Việt để yêu tiếng Việt không (Ảnh minh họa).

Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi xin trích đăng lại ý kiến của chị Mai Hương về vấn đề cho con học chữ sớm - nên hay không?

Một đứa trẻ học tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay không đâu phải là quan trọng. Quan trọng là 5 năm trước đó đứa trẻ có được trải nghiệm tiếng Việt để yêu tiếng Việt không. Một em bé được hỗ trợ thể chất, tâm hồn, ngôn ngữ thì học tiếng Việt, viết tiếng Việt, đọc tiếng Việt khi 6 tuổi có gì là khó. Các bố mẹ chẳng làm gì sao lại bảo giáo viên lớp 1 múa may quay cuồng giúp con bắt kịp nhịp của 6 năm về trước. Bạn thử đứng trước cái cây mới trồng và hô lên "Ra quả, ra quả, nhanh lên." Cái cây nó có ra quả không? Bạn đã làm gì giúp con mình chưa mà ngay lập tức muốn gặt hái?

Cho con đi học chữ một tháng trước khi đi học lớp một chẳng khác gì dấm cho chín ép. Chín mà không chín. Ngày xưa, chẳng ai dạy trước, trẻ đi học vẫn "ngon lành" vì mỗi đứa trẻ có cả làng làm giáo viên dạy tiếng Việt.

Ti vi, điện thoại, tablet không có, sách mượn thư viện là một mơ ước, tối nào chẳng được ông, bà, bố, mẹ đọc cho. Lúc không được ai đọc thì giở ra ngắm nghía đọc thuộc lòng không cần biết chữ rồi dần dần thuộc các chữ lúc nào không hay. Tối tối những hôm mất điện cả nhà nằm đất mẹ quạt cho ngủ lúc nào chẳng nghe vô số chuyện hay ho trên đời.

Thay vì ép con học chữ sớm, bố mẹ cần làm việc này để con quen với chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh 2.

Trải nghiệm tiếng Việt suốt 5 năm đầu đời giúp trẻ yêu và thành thạo tiếng Việt trước khi đến trường (Ảnh minh họa).

Đôi tay ngày xưa không có đồ chơi hiện đại mà chơi đồ hàng, cắt, thái, tết, đục, khắc, nấu nướng... toàn chơi các trò dùng cả 10 ngón, dùng cả bàn tay, dùng cả cổ tay, cánh tay nên chuyện 6 tuổi lên lớp 1 cầm bút viết có gì đâu, không có cảnh khóc lóc sướt mướt đánh vật như một số trẻ thời nay.

Vậy nên, gốc rễ của vấn đề không phải là nên đi học chữ trước hay để 6 tuổi vào lớp một mới học mà là các gia đình cần thay đổi để có lối sống thân thiện với trẻ con hơn:

1. Để con tự bốc ăn, xúc ăn từ 6 tháng tuổi để cái đầu thực hành điều khiển đôi tay từ bé thay vì sau này ngồi bên cạnh con ép viết từng chữ mà tay yếu quá không viết được, cả nhà lại xông vào nhau học trong nước mắt.

2. Sắm cho con cái giá vẽ, ngay khi con biết ngồi là ngồi vẽ được rồi. Không có giá vẽ thì vẽ trên tường, trên đất, trên vỉa hè, trên cát. Một em bé được vẽ từ nhỏ thì sau mới viết dễ dàng được.

3. 1 tuổi bắt đầu tập cho con ăn thô, nhai nhiều để nói sõi. Tiếng Việt khó hơn nhiều so với các ngôn ngữ khác vì có 6 thanh. Cứ ăn cháo, cơ miệng ít vận động thì làm sao phát âm chuẩn các thanh tiếng Việt nói gì đến đọc chính tả, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phát biểu trước công chúng.


Thay vì ép con học chữ sớm, bố mẹ cần làm việc này để con quen với chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh 3.

Nên dành thời gian đọc sách cùng con từ bé (Ảnh minh họa).

4. Giao việc nhà cho con để con làm cho đôi tay, cánh tay khéo léo mai sau dùng tay nào viết cũng được. Lớp 1 còn học đánh máy 10 ngón rồi dần dần học lập trình cho kịp tiểu học trên thế giới.

5. Cho con đi học mầm non thay vì giao con cho ô sin. Đi học không phải là đi đày mà bảo thương con để con ở nhà với bác giúp việc. Ở Hà Lan, mẹ được nghỉ một tháng sau sinh, thế nên nhà trẻ có những em bé 2 tháng tuổi. Trẻ 6 tháng tuổi đi học ở Việt Nam có là gì.

6. Bỏ hết đồ chơi điện tử trong độ tuổi 0-6 nếu không đứa trẻ sẽ chẳng còn hứng thú gì với cuộc sống thực để mà học viết, học đọc.

7. Giảm tải công việc để đến khi về nhà vẫn còn năng lượng nói chuyện với con thay vì mệt quá đưa cho cái ipad để bố mẹ còn phải thở đã. Bố mẹ nên nói tiếng Việt hay để trang bị vốn từ chủ động cho con từ bé.

8. Từ khi em bé chào đời, mỗi tối đọc sách 30 phút cho con trước khi đi ngủ.

Nếu bạn làm được 8 điều đơn giản trên từ khi con chào đời, không cần dạy con bạn cũng biết tiếng Việt.

Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội (29/07) và Hồ Chí Minh (05/08).

Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu mà còn được sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích khi được làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.

Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị ngay bây giờ nhé!

Thay vì ép con học chữ sớm, bố mẹ cần làm việc này để con quen với chữ trước khi vào lớp 1 - Ảnh 4.