Vợ chồng tôi sống với nhau được 3 năm nay. Vợ tôi mở cửa hàng buôn bán quần áo trẻ em sẵn tiện chăm con nhỏ, tôi thì làm ở công ty nước ngoài nên mức sống ổn định, khá giả. Hàng tháng, vợ đều đưa tôi xem bảng chi tiêu của gia đình. Có khi tôi xem, có khi tôi chẳng cần xem vì tin tưởng vợ. Vợ tôi luôn biết cách chi tiêu hợp lý, tháng nào cũng dư dả gửi ngân hàng.
Thế nhưng sau một lần bị tai nạn gãy chân phải nhập viện cấp cứu, vợ tôi lại như thay đổi. Em ít nói, hay suy nghĩ bâng quơ hơn. Đặc biệt, chuyện tiền bạc em chi tiêu, quản lý cũng thất thường hẳn. Có tháng chúng tôi chỉ còn dư dả vài triệu đồng thay vì vài chục triệu như trước đó.
Em cũng không đưa tôi xem sổ sách nữa. Thỉnh thoảng tôi hỏi đến, em lại nói nhập lô hàng mới nên cần chi trả tiền nhiều. Tôi tin vợ nên chẳng hỏi nhiều. Cho đến khi nghe em gái nói thường xuyên thấy chị ra vào ngân hàng, tôi mới nảy sinh nghi ngờ.
Hàng tháng, vợ đều đưa tôi xem bảng chi tiêu của gia đình. (Ảnh minh họa)
Quả nhiên, tôi theo dõi thấy cứ cách vài ngày, vợ tôi lại vào ngân hàng chuyển tiền cho ai đó một lần. Trong khi tiền bạc em không rõ ràng, tiền dư ít đi thấy hẳn, tôi buộc phải theo dõi, kiểm tra vợ gắt gao hơn dù bị mang tiếng bản tính đàn bà.
Một hôm, tôi quyết định nghỉ làm buổi sáng để theo dõi vợ. Thấy vợ vừa từ ngân hàng về, tôi hùng hổ lao ra gặng hỏi. Em tỏ ra ngạc nhiên rồi bảo tôi vào nhà nói chuyện. Cứ nghĩ đến cảnh vợ chuyển tiền cho một người nào đó xa lạ, có thể là nhân tình, tôi chỉ muốn tát cho vợ tỉnh ngộ và hả giận. Nhưng tôi kiềm lại được.
Tôi lấy túi xách của vợ, đổ hết đồ đạc trong túi ra kiểm tra. Một xấp giấy chuyển tiền rơi ra. Tôi cầm lên đọc nhưng chẳng hiểu gì. Vợ tôi chuyển số tiền không nhiều, khi thì 200 nghìn, cao nhất là 500 nghìn nhưng chuyển rất nhiều số tài khoản. Gần như một giấy chuyển là một số tài khoản khác nhau.
Em nhân hậu như thế, tôi lại đi nghi ngờ em. (Ảnh minh họa)
Lúc này vợ tôi mới kể. Thì ra em giấu tôi tới ngân hàng chuyển tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn em đọc được trên mạng. Em nói sau lần vào cấp cứu ở bệnh viện, em như tỉnh ngộ. Tiền bạc làm ra nhiều, dành dụm nhiều cũng chỉ là tiền chết, nằm yên một chỗ.
Em muốn những đồng tiền đó có giá trị, có ý nghĩa hơn. Vì thế, em hay gửi cho những hoàn cảnh khó khăn đang cần tiền điều trị. Khi nào dư dả số tiền nhiều, em lại đem từ thiện ở chùa, ở làng SOS. Với em, đó là sống ý nghĩa, sống tích cực từng ngày một.
Nghe vợ nói, tôi thấy ân hận và thương em quá. Em nhân hậu như thế, tôi lại đi nghi ngờ em. Nhưng nếu em cứ cho mãi thế này, gia đình tôi sẽ chẳng còn khá giả nữa, con gái tôi cũng phải hạn chế các điều kiện để phát triển tốt nhất. Liệu tôi có ích kỉ quá không khi suy nghĩ như thế?