Năm 2012, màn ảnh Hàn Quốc xôn xao với một bộ phim về chốn hậu cung của đạo diễn tài năng Kim Dae Seung - The Concubine. Mọi lời bàn tán hầu như tập trung chủ yếu vào những cảnh quay nhạy cảm và trần trụi được thể hiện trong phim. Để tới được rạp chiếu, The Concubine cũng vấp phải ngưỡng cửa kiểm duyệt khắt khe và phải cắt gọt, chỉnh sửa lại rất nhiều cảnh quay nóng bỏng, mà ngay cả khi như vậy vẫn sẽ khiến khán giả phải đỏ mặt khi xem trên màn ảnh rộng.
"The Concubine" (2012) trailer
Lấy bối cảnh thời đại Joseon, câu chuyện của The Concubine là một mê cung xoay quanh những âm mưu và sự phản bội, ham muốn, dục vọng và lòng đố kỵ, tranh chấp xảy ra đằng sau nơi xa hoa vương giả là chốn hoàng cung.
Phim kể về cô con gái nhà quyền quý Hwa Yeon (Jo Yeo Jeong đóng), phải lòng một chàng trai thường dân là Kwon Yoo (Kim Min Joon). Trong khi đó, hoàng tử Sung Won (Kim Dong Wook) cũng đem lòng yêu Hwa Yeon từ cái nhìn đầu tiên. Để chia rẽ hai người, vị Thái hậu nhẫn tâm và thủ đoạn đã chọn Hwa Yeon làm vương phi của nhà vua - vốn là anh trai của Sung Won.
Để cứu mạng sống của người mình yêu - Kwon Yoo, Hwa Yeon đã chấp nhận vào cung để trở thành vương phi của Hoàng đế. Nhiều năm sau đó, cô sinh thế tử và trở thành Hoàng hậu, nhưng cũng là lúc nhà vua đột ngột qua đời một cách bí ẩn. Cục diện xoay chiều, Thái hậu và phe cánh của bà lên nắm đại cuộc, đồng thời đưa Hoàng tử Sung Won lên làm vua.
Tuy nhiên, Sung Won, lúc này vẫn tiếp tục yêu người chị dâu góa bụa của mình trong vô vọng, đã lựa chọn cách giải tỏa những dục vọng của bản thân bị dồn nén vào những người đàn bà khác. Bên cạnh đó, tuy Sung Won trở thành Hoàng đế nhưng anh vẫn chỉ giống như bù nhìn bị giật dây bởi Thái hậu.
Mọi chuyện trở nên rối ren hơn khi nhân vật Kwon Yoo năm xưa bất ngờ xuất hiện tại hoàng cung trong vai trò một thái giám, âm thầm trả thù cho những đau khổ mà mình đã phải chịu đựng bấy lâu. Hwa Yeon lúc này đứng trước một tương lai đen tối với nhiều ngã rẽ buộc cô phải lựa chọn: bỏ trốn với tình cũ Kwon Yoo, ở lại cung cấm và chịu sự chèn ép của Thái hậu hay chấp nhận tình yêu của Sung Won? Dường như mọi con đường đều chỉ dẫn đến duy nhất cửa tử, và người phụ nữ can trường quyết tâm tự vẽ thêm một con đường khác cho riêng mình...
Mặc dù cốt truyện của The Concubine không hề mới khi tiếp tục lấy đề tài hậu cung rối ren cùng những âm mưu đen tối - vốn đã quá quen thuộc trong các bộ phim cổ trang, thế nhưng nó vẫn có khả năng tạo nên nét riêng và hấp dẫn khán giả chủ yếu nhờ vào cách dẫn dắt thông minh, tinh tế và một câu chuyện có đủ chiều sâu cần thiết, dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn họ Kim.
Ban đầu, The Concubine khiến khán giả nghĩ về một bộ phim cổ trang tình cảm khá điển hình xoay quanh tình yêu bị ngăn cấm, nhưng sau đó, nó nhanh chóng trở nên đen tối hơn khi dần vẽ nên một mê cung của sự mê đắm, trả thù và tự hủy diệt.
Với một khối lượng nhân vật phụ khá lớn, phim cũng xuất hiện rất nhiều tình tiết đan cài rối rắm, tuy nhiên cũng lại rất tinh tế và hợp lý. Đạo diễn Kim Dae Seung đã luôn chắc tay trong việc giữ vững sự căng thẳng và không thể đoán trước suốt từ lúc bắt đầu cho tới khi bộ phim kết thúc.
Với nhiều nhân vật xuất hiện, các phe phái không ngừng đấu đá, khán giả sẽ có một cảm nhận rõ rằng về tính liên tục của những cuộc xung đột xảy ra đằng sau mỗi gương mặt lịch thiệp, sang trọng của những nhân vật quyền quý. Đồng thời, những nút thắt mở đáng ngạc nhiên cũng như cái chết bất ngờ của nhiều nhân vật chóp bu giống như một nút báo động không ngừng nhắc nhở người xem rằng không ai trong số các nhân vật của bộ phim này được an toàn, dù cho vị trí của họ có cao đến thế nào đi chăng nữa.
Điều thú vị là ở đây, mặc dù lấy bối cảnh một thời đại mà quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn lấn lướt trong xã hội, nhưng The Concubine lại xây dựng hình ảnh những người đàn ông trong phim, từ Hoàng đế, Thế tử cho đến những thường dân đều thường xuyên ở thế yếu hơn so với phái nữ. Họ thậm chí được tạo ra như những con tốt di chuyển xung quanh những phụ nữ mạnh mẽ và bản lĩnh, người không chỉ nắm trong tay điểm yếu của phái mạnh chính là ham muốn nhục dục mà còn có khả năng tìm ra điểm mấu chốt để xoay vần thời cuộc.
Có thể thấy 2 người phụ nữ như vậy xuất hiện trong phim - cũng là hai cực đối lập, đấu đá nhau mạnh mẽ nhất trong chốn hậu cung khốc liệt. Một bên là Thái hậu dã tâm, tham vọng, sẵn sàng xuống tay không từ một ai, dám hy sinh tất cả vì đại cuộc, kể cả việc phải ra tay đầu độc chính con trai mình. Còn một bên là Hwa Yeon, người phụ nữ ban đầu được xây dựng với vẻ đẹp mong manh, yếu đuối, lụy tình, nhưng càng ngày càng trở nên mạnh mẽ sau mỗi đau khổ, tàn độc của kiếp người. Để rồi cuối cùng, chính Hwa Yeon mới là nhân vật quyết định tất cả số phận của The Concubine trong sự ngỡ ngàng của khán giả.
Ban đầu, The Concubine có lẽ thu hút sự chú ý nhiều nhất bởi những tranh cãi xoay quanh các cảnh nóng quá mức trần trụi và táo bạo trong phim, tuy nhiên, chắc chắn người xem tinh tế sẽ phải đánh giá lại điều này khi thưởng thức trọn vẹn tác phẩm của Kim Dae Seung. Rõ ràng yếu tố tình dục cũng chính là một phần quan trọng của cốt truyện, một yếu tố tâm lý nền tảng để diễn tả dụng ý của đạo diễn chứ không hề hướng tới tham vọng kích động rẻ tiền. Những cảnh tình dục táo bạo gây tranh cãi thực tế rất đẹp và trang nhã, ở những góc quay tinh tế đậm chất điện ảnh.
Một cảnh quay nóng bỏng trong The Concubine
Sở dĩ nói yếu tố tình dục là không thể thiếu trong bộ phim này bởi ngay từ đầu, tư tưởng chủ đạo của The Concubine chính là sự ham muốn. Từ ý tưởng xương sống ấy, một loạt các câu chuyện khác mới bắt đầu được hình thành, bắt rễ và gợi mở. Ham muốn dục vọng ở con người có thể khiến họ thăng hoa nhưng cũng chính là vũ khí chống lại họ. Người khôn biết dừng lại ham muốn đúng lúc, kẻ dại là kẻ để cho người khác dùng chính ham muốn của mình để chống lại mình.
Để ý hơn một chút nữa, khán giả cũng có thể nhận ra là mặc dù các cảnh quay yêu đương trong phim rất táo tạo, trần trụi, nhưng cảm xúc của nhân vật thì luôn bị ẩn đi, không ai biết họ suy nghĩ gì, và khán giả phải là người đi khám phá những bí mật đó.
Một điểm đáng khen nữa dành cho The Concubine chính là màu sắc và trang phục. Lấy bối cảnh cung cấm xa hoa, lộng lẫy nhưng có thể thấy đạo diễn Kim có một sự tiết chế vừa đủ. Trang phục hay tạo hình của diễn viên vừa đủ đẹp, trang nhã, không quá xa hoa hoặc lộng lẫy, tránh làm khán giả phân tâm khỏi câu chuyện và các nhân vật.
Chỉ có một lưu ý nho nhỏ cuối cùng, đó là bạn chỉ nên xem The Concubine khi đã đủ 18 tuổi.