Báo động tình trạng lao động trẻ em gia tăng
Thế giới lần đầu tiên ghi nhận sự gia tăng của lao động trẻ em trong 2 thập kỷ qua và dịch COVID-19 có thể đẩy thêm hàng triệu trẻ ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" này lao vào mưu sinh. Đây là kết luận được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đưa ra trong báo cáo chung được công bố 4 năm một lần vào tháng 6 năm ngoái.
Một bản báo cáo được công bố tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Nam Phi từ ngày 15 đến 20/5 nêu rõ, số lao động trẻ em vào đầu năm 2020 là 160 triệu trẻ, tăng vọt so với con số 8,4 triệu trẻ trong 4 năm trước đó. Con số này bắt đầu tăng từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, đánh dấu sự đảo ngược đáng kể của xu hướng giảm của giai đoạn 2000-2016.
Thống kê cho thấy khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, gần 1/10 số trẻ em trên thế giới trở thành lao động kiếm sống. Các em phải chịu các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, như làm việc trong môi trường độc hại, lao động cưỡng bức, các hoạt động bất hợp pháp như ma túy và mại dâm, hay tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang.
Những trẻ em phải làm việc tại các mỏ khai thác vàng ở Burkina Faso. Ảnh Reuters.
Tính theo khu vực, gần một nửa số lao động trẻ em ở châu Phi (72 triệu trẻ), tiếp theo là châu Á và Thái Bình Dương (62 triệu trẻ). Lao động trẻ em cũng không giới hạn ở các nước nghèo. Có khoảng 84 triệu lao động trẻ em sống ở các nước có thu nhập trung bình, và 2 triệu lao động trẻ em ở các nước thu nhập cao. Báo cáo chỉ ra sự gia tăng đáng kể lao động trẻ em trong độ tuổi từ 5-11.
Một thông tin đáng quan ngại nữa là trẻ em nam bị ảnh hưởng nhiều hơn, chiếm tới 97% trong tổng số 160 triệu lao động trẻ em vào đầu năm 2020. Số trẻ em trong độ tuổi từ 5-17 phải làm những công việc được cho là nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, giáo dục và sức khỏe tăng mạnh như khai mỏ hoặc làm trong những ngành với máy móc, công cụ nặng. Nhiều trẻ làm hơn 43 giờ/tuần, đồng nghĩa với việc không thể tham gia học tập.
Hầu hết lao động trẻ em tập trung ở khu vực nông nghiệp, chiếm tỷ lệ đến 70%. Khoảng 20% lao động trẻ em làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và 10% số lao động trẻ em làm việc trong các ngành công nghiệp.
Lao động trẻ em làm hạn chế quyền và cơ hội trong tương lai của các em, đồng thời dẫn đến các chu kỳ đói nghèo và lao động trẻ em luẩn quẩn giữa các thế hệ. Vào thời kỳ cao điểm dịch năm 2020, các trường học đóng cửa đã ảnh hưởng đến hơn 1,6 tỷ trẻ em tại hơn 130 quốc gia, và một năm sau vẫn có khoảng 800 triệu em chưa thể đến trường. Ngay cả khi trường học đã mở lại, nhiều gia đình nghèo đã không còn khả năng chi trả học phí và một số em có thể phải bỏ học vĩnh viễn.
Sống trong cảnh nghèo đói, các bậc phụ huynh không được tiếp cận với công việc có thu nhập ổn định, an sinh xã hội yếu kém, những truyền thống và phong tục cổ hủ là những lý do chính khiến trẻ em phải làm việc, song chính lao động trẻ em lại tạo ra một vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Trẻ em phải làm việc để tồn tại và giúp đỡ gia đình sẽ không có thời gian học hành, trong khi giáo dục lại là chìa khóa để thoát nghèo. Điều này không chỉ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong dài hạn với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn có nguy cơ đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.
Những thanh chocolate nhân đắng
Những đứa trẻ khuân các bao quả cacao nặng gần bằng trọng lượng cơ thể. Ảnh AP.
Chocolate là một món quà hoàn hảo, một món ăn nhẹ ngon miệng và thậm chí là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa. Có tin đồn rằng nó thậm chí có thể hoạt động như một loại thuốc kích thích hoóc-môn sinh sản. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp chocolate thu về hàng tỷ đô la mỗi năm.
Tuy nhiên, chocolate không phải lúc nào cũng ngọt.
Những sản phẩm chocolate của thương hiệu Cadbury rất cháy hàng mỗi dịp lễ tết. Ảnh Cadbury.com.
Vào đầu thế kỷ 19, các trang trại trồng cacao ở châu Phi chủ yếu là quy mô nhỏ với những chủ sở hữu nghèo. Thu hoạch và chế biến cacao đòi hỏi nhiều lao và để tiết kiệm chi phí, họ thuê trẻ em - thường là từ 10 đến 12 tuổi, nhưng cũng có những bé chỉ mới 5 tuổi. Để cắt một trái cacao thì buộc phải dùng dao rựa nên công việc này khá nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em.
Phần lớn trẻ em làm việc ở các trang trại cacao đều là nạn nhân của buôn bán người, nhiều em đến từ Mali, đặc biệt là từ các làng quê rất nghèo. Các phóng viên của tờ Conversation đã phát hiện ra rằng nhiều trẻ em được những kẻ buôn người tiếp cận và nói rằng chúng sẽ kiếm được nhiều tiền tại các trang trại cacao. Lũ trẻ vì thế đã đồng ý làm việc để giúp đỡ gia đình về tài chính, quần quật từ 14 đến 16 giờ mỗi ngày. Những lao động nhí này thậm chí còn phải mang vác các bao quả cacao nặng và bị đánh nếu vấp ngã.
Những đứa trẻ không được tới trường như các bạn bè đồng trang lứa. Ảnh The Guardian.
ILO ước tính 1,56 triệu trẻ đang bị bóc lột sức lao động tại các trang trại cacao, tính riêng ở Cote d'Ivoire và Ghana. Nhưng thật khó để có được số liệu chính xác trên thực tế.
Mới gần đây thôi, tờ The Guardian đã có bài phân tích dựa trên một bộ phim tài liệu, cáo buộc gã khổng lồ thực phẩm sở hữu thương hiệu Cadbury sử dụng lao động trẻ em tại các trang trại cacao trong chuỗi cung ứng của họ.
Những đứa trẻ dưới 10 tuổi được cho là đang làm việc ở Ghana để thu hoạch quả ca cao, cung cấp cho Mondelēz International, công ty sở hữu Cadbury. Các nhà vận động cho biết những đứa trẻ này đang được trả lương dưới 2 bảng một ngày. Với số tiền đó thì dĩ nhiên không đủ để thuê những người lao động trưởng thành. Theo luật Ghana, trẻ em dưới 13 tuổi làm việc trong các trang trại cacao là bất hợp pháp. Ngoài ra còn có lệnh cấm bất cứ ai dưới 18 tuổi tham gia vào các công việc lao động độc hại.
Cuộc điều tra của kênh truyền hình Anh Channel 4 Dispatches diễn ra hơn hai thập kỷ sau khi ngành công nghiệp chocolate cam kết không sử dụng lao động trẻ em.
Và sự thật đắng ngắt là những đứa trẻ đang thu hoạch cacao dưới nắng gió kia lại chưa từng được nếm hương vị thơm ngon của những thanh chocolate.
Thế giới thúc đẩy hành động
Thực trạng lao động trẻ em thực sự là một lời cảnh tỉnh. Không thể khoanh tay đứng nhìn một thế hệ trẻ rơi vào cảnh rủi ro đe dọa tương lai, Liên hợp quốc đã đề ra mục tiêu phát triển bền vững về chấm dứt tình trạng lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2021, năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em, được xem là thời điểm mang tính bản lề và hạn chót đạt mục tiêu này là năm 2025.
Tập đoàn Nestle (Thụy Sĩ) cho biết sẽ triển khai chương trình hỗ trợ tiền mặt cho nông dân trồng cacao nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra nhằm loại bỏ tình trạng sử dụng lao động trẻ em. Ảnh UNICEF.
Hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt tình trạng lao động trẻ em, trong năm 2021, Liên hợp quốc đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xóa bỏ lao động trẻ em và chia sẻ những dự án thành công, bao gồm sáng kiến giảm đói nghèo, giáo dục, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và thực thi những yêu cầu về độ tuổi lao động tối thiểu cùng nhiều biện pháp khác.
Cậu bé Mustakin, 10 tuổi, sống tại Dhaka, Bangladesh, làm việc tại xưởng giặt tẩy để lấy thù lao 1 USD/ ngày. Ảnh Financial Times.
Để đảo ngược xu hướng gia tăng lao động trẻ em do đại dịch, ILO và UNICEF kêu gọi thực hiện bảo trợ xã hội đầy đủ, bao gồm các phúc lợi phổ cập cho trẻ em, tăng cường chi tiêu cho giáo dục chất lượng và đưa tất cả trẻ em quay trở lại trường học, bao gồm cả những em bị buộc nghỉ học trước đại dịch, đầu tư vào hệ thống bảo vệ trẻ em, các dịch vụ công nông thôn và sinh kế. Tuy vậy, đại dịch COVID-19 vẫn khiến thế giới chứng kiến những bước thụt lùi trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng gia tăng lao động trẻ em và giờ là lúc đưa ra những cam kết và động lực mới nhằm phá vỡ vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lao động trẻ em.
UNICEF kêu gọi các quốc gia chung tay chống lại lao động trẻ em. Ảnh UNICEF.
Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder nhấn mạnh lao động trẻ em là công việc "tước đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm giá của trẻ em và có hại cho sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ".
Còn theo bà Jacqueline Mugo, Phó Chủ tịch khu vực của Tổ chức Người sử dụng lao động Quốc tế, trách nhiệm quốc tế là làm tất cả những gì có thể để đảo ngược xu hướng gia tăng lao động trẻ em. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi tiếp tục vật lộn với tác động của COVID-19, đối mặt với căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng.
Thế giới chỉ còn 3 năm để đạt được mục tiêu xóa bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2025 của Liên hợp quốc và Hội nghị toàn cầu về xóa bỏ lao động trẻ em là hành động tập thể toàn diện cần thiết để đảm bảo không có trẻ em nào bị cướp đi tuổi thơ, để các em có cơ hội bước ra khỏi vòng luẩn quẩn của đói nghèo và có một tương lai phát triển bền vững.