Bức ảnh tập hợp những diễn viên ấn tượng của VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam) trong năm qua đang được cư dân mạng lan truyền mạnh mẽ. Họ gọi đó là "gia tộc VFC", như một cách nói đối trọng "gia tộc TVB" của điện ảnh Hồng Kông. Tất nhiên, VFC không phải TVB, không có "gà nhà", không o bế hay lăng xê tên tuổi bất kì gương mặt nào như lời khẳng định của giám đốc/ đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Nhưng nhìn vào lực lượng diễn viên hùng hậu đang đầu quân cho các dự án của VFC với toàn những gương mặt hot nhất nhì thị trường phim ảnh hiện nay, khán giả nói về một "gia tộc" hay "đế chế" cũng có cái lý của họ.
16 nhân vật "ấn tượng VFC" xuất hiện chung trong một khung hình. Và như đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ, nếu anh được lựa chọn thì chắc chắn có không dưới 10 cái tên nữa. Điều thú vị là, hai "hoàng tử" chiếm lĩnh giờ Vàng VTV - Hồng Đăng và Mạnh Trường - không còn ngồi ở vị trí trung tâm. Dù có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên của concept.
Kể từ đầu thập niên 2010, khán giả truyền hình đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của một thế hệ diễn viên mới khi dòng phim về đề tài tình yêu hôn nhân của người trẻ nở rộ. Những Lời thú nhận của Eva, Lập trình cho trái tim, Bà nội không ăn pizza, Xin thề anh nói thật, Cầu vồng tình yêu, Ba đám cưới một đời chồng… đã xác quyết vị trí Vương - Hậu cho nhiều cái tên xuất thân nghiệp dư. Trong đó, không thể không nhắc tới Việt Anh và Hồng Đăng.
Việt Anh, Hồng Đăng và sau này cùng với Mạnh Trường, trở thành những "hoàng tử không ngai" của phim Việt giờ Vàng trong nhiều năm liên tiếp trước khi ngấp nghé thoái vị bởi những ngôi sao thần tượng mới.
Việt Anh, sinh năm 1981, nổi lên như một hiện tượng vào năm 2006, khi bộ phim Chạy án phát sóng phần 1. Vai chính đầu tiên của Việt Anh sau 3 năm tốt nghiệp lớp đào tạo diễn viên ngắn hạn của VFC này ấn tượng đến mức hễ cứ nói về các cậu ấm nhà quan lớn thì người ta liên tưởng tới gương mặt của nhân vật Cao Thanh Lâm: Điển trai, hào nhoáng, phong lưu, bất cần và ánh nhìn láo lếu.
Sau Cao Thanh Lâm, Việt Anh "Nam tiến" và không khó khăn để có một chỗ đứng trong thị trường phía Nam với loạt vai diễn trong các phim: Gió nghịch mùa, Gia tài bác sĩ, Ranh giới mong manh, Chỉ còn lại tình yêu…
Thế nhưng, 5 năm "Nam tiến" ấy cũng lấy đi của anh nhiều cơ hội được đóng những bộ phim có sự đầu tư kĩ càng, chuyên nghiệp và chỉn chu. Khi quay trở lại Hà Nội vào năm 2012, với tài năng của mình, Việt Anh vẫn đắt show, song anh đã không còn là một "hoàng tử" nữa. Cỗ xe bạch mã của anh giờ dành cho một người khác, đó là Hồng Đăng.
Cũng phải nói thêm rằng, ở tuổi 37 và mất danh xưng "hoàng tử", Việt Anh vẫn là một ngôi sao thực thụ. Vai diễn Phan Hải trong Người phán xử đã đưa tên tuổi Việt Anh lên một nấc thang mới trong sự nghiệp vào năm 2017. Không quá khi nói rằng, các diễn viên khác sẽ bị áp lực nặng nề nếu phải vào dạng vai tương tự như Phan Hải, bởi diễn xuất của Việt Anh đã trở thành mẫu mực khó vượt qua.
So với Việt Anh, Hồng Đăng không đa sắc. Nhưng anh là một "ngôi sao thần tượng" đúng nghĩa, một sự thay thế hoàn hảo cho Việt Anh trên màn ảnh nhỏ VTV.
Suốt 7 năm qua, kể từ Cầu vồng tình yêu, Hồng Đăng chưa từng làm gì khác ngoài làm… "soái ca". Chỉ có điều, sự hâm mộ mà khán giả dành cho anh không hề suy giảm. Gương mặt ăn hình, vẻ lãng tử hào hoa, lối diễn nhẹ nhàng, tinh tế, ánh mắt biểu cảm, Hồng Đăng chinh phục khán giả tin vào những cảm xúc chân thật của Phong trong Cả một đời ân oán, của Lê Thành trong Người phán xử, của Huy trong Zippo, mù tạt và em, của Khánh trong Tuổi thanh xuân, của Minh trong Matxcơva - Mùa thay lá. Phong cách "nam chính ngôn tình" của Hồng Đăng không quá đặc biệt, nhưng lại là thứ gia vị dịu ngọt dễ mua chuộc fan nữ ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Khác Việt Anh và những nghệ sĩ thế hệ cũ, Hồng Đăng nằm trong những người trẻ tiên phong thực thi sự chuyên nghiệp bài bản trong cả phim ảnh lẫn đời thực. Anh duy trì một hình ảnh cá nhân sạch sẽ, không thị phi. Sự lựa chọn cẩn trọng và chừng mực của Hồng Đăng trong việc "bán" tên cho các thương hiệu giữ cho danh tiếng của nam diễn viên "sang trọng" đúng với ngôi vị mà anh đang có trên giờ Vàng VTV.
Có chung xuất phát điểm với Hồng Đăng nhưng nổi tiếng muộn màng là Mạnh Trường. Xem nhau như "bạn nối khố", cùng xuất thân là người mẫu trước khi "chuyển ngạch" sang điện ảnh, cùng kết hôn ở tuổi 23, thường xuyên cùng chung một người tình trên màn ảnh, Mạnh Trường và Hồng Đăng đang share nhau chiếc ngai hoàng tử danh giá.
Con đường nghệ thuật của Mạnh Trường gồ ghề hơn Hồng Đăng. Anh tham gia vào nhiều vai thứ chính với các dạng tính cách khác nhau trong các bộ phim được chú ý như: Những cánh hoa bay, Nơi ẩn nấp bình yên, Đường lên Điện Biên, Bí mật tam giác vàng, Hoa nở trái mùa… nhưng cứ mờ nhạt mãi cho tới Zippo, mù tạt và em. Nhờ bộ phim này, cái tên Mạnh Trường mới thực sự thành điểm nóng.
Thành công liên tiếp sau đó của Tuổi thanh xuân 2 và Cả một đời ân oán giúp Mạnh Trường kéo khán giả về phía mình. Lối diễn tâm lý chắc chắn, ngoại hình siêu mẫu, nụ cười tin cậy và hình ảnh người chồng mẫu mực của gia đình cũng cộng hưởng cho các vai diễn của Mạnh Trường thêm phần thu hút.
Tuy vậy, Mạnh Trường có lẽ còn thiếu một chút duyên. Anh vẫn chưa có một giải thưởng nào đáng kể về diễn xuất. Xét ở góc độ tích cực, đó lại là yếu tố mang tính động lực giúp Mạnh Trường có cơ hội "trụ hạng hoàng tử" lâu dài hơn trong khi Hồng Đăng dường như đang lúng túng trong việc tìm kiếm một đỉnh cao mới trong sự nghiệp.
Điều đáng nói là, cả ba gã trai Vàng dù không quan tâm tới việc phải cạnh tranh nhau nhưng không thể không dao động trước sức bật mạnh mẽ của các nữ đồng nghiệp trong cuộc đua thành ngôi sao giờ Vàng.
Đã từng có một thời gian dài người ta lo lắng không có ai thay thế được Mạnh Cường, Quốc Tuấn, Hoàng Hải, Chiều Xuân, Lan Hương… trên màn ảnh nhỏ. Nhưng một thế hệ mới đã được xác lập và trở nên hùng hậu trong một thập kỉ qua. Câu hỏi này may mắn không bị lặp lại trong một thập kỉ tiếp theo. Một lứa diễn viên với những cái tên sáng giá, sáng cả màn hình đã dần lộ diện sắc nét qua những bộ phim gần đây. Trong đó, mỗi người mang một cá tính diễn xuất rõ ràng, không đụng hàng, không mờ nhạt, không trộn lẫn.
Đó là một Huỳnh Anh mạnh mẽ phóng túng, một Thanh Sơn tắc kè hoa, một Đình Tú soái ca ngôn tình, một Bình An chuẩn "trai đẹp ai cũng mua cơm cho"… Rồi những Anh Tuấn, Trọng Lân, Mạnh Quân cùng các cô gái Minh Trang, Phương Anh, Thùy Anh, Quỳnh Kool… Và không thể không đề cập đến hai gương mặt cũ nhưng đầy khả năng bùng nổ là Doãn Quốc Đam và Huyền Lizzie.
Lợi thế ngoại hình vượi trội so với thế hệ liền kề là điều có thể nhìn thấy ở họ. Bên cạnh đó là sự chuyên nghiệp, học hành bài bản cùng kinh nghiệm diễn xuất đủ vốn cho một sự đột phá mạnh mẽ.
Với công nghệ làm phim truyền hình ngày càng tiến gần hơn với chuẩn quốc tế, tức làm phim truyền hình với chất lượng của phim điện ảnh, như ở VFC hiện nay, những diễn viên trẻ đều khao khát một cơ hội được hợp tác với các dự án chất lượng, thay vì mải mết chạy show một ngày 2 - 3 phim trường và chờ sự trưởng thành lê từng bước chậm chạp. Bởi thế, "gia tộc VFC" sẽ còn duy trì được sự hùng hậu này lâu dài. Và bức tranh gia tộc sẽ còn đông đúc, chật chội hơn nhiều con số 16 của ngày hôm nay.