Tờ Economist cho biết hội chợ việc làm hàng năm được tổ chức tại trường đại học California thường ngập tràn những nhà tuyển dụng công nghệ cỡ lớn, hay còn gọi tắt là FAANG- đại diện cho Facebook (Meta), Apple, Amazon, Netflix và Google (Alphabet).
Năm nay, sinh viên Ayara (đã đổi tên) cũng hăm hở đến hội chợ với cả sấp hồ sơ trên tay khi người bạn thân của cô từng xin được một chân thực tập tại FAANG thông qua sự kiện này. Thế nhưng lần này tình hình có vẻ khác khi vẫn đông nhà tuyển dụng nhưng chẳng có tập đoàn công nghệ lớn nào xuất hiện.
Từ Microsoft, Spotify, Uber cho đến Salesforce đều không thấy. Trước đó Araya đã gửi hồ sơ đến gần 50 công ty công nghệ nhưng đều bị từ chối, và đó là trước khi cuộc đại sa thải toàn ngành diễn ra.
Trong tháng 1-2/2023, khoảng 120.000 lao động ngành công nghệ đã bị mất việc. Những cái tên lớn như Google chiếm đến 10% trong tổng số này, trong khi đó Meta (Facebook) thì nhanh chóng sa thải 10.000 lao động nữa sau khi hội chợ việc làm ở trường đại học California diễn ra.
Khi hội chợ việc làm bắt đầu đến giai đoạn cuối vào tháng 3/2023, cô Araya đã cảm thấy thất vọng và buộc phải hạ thấp kỳ vọng của bản thân.
“Giờ thì bất kỳ công ty nào chịu thuê tôi cũng được”, cô Araya nói với Economist.
Không hợp thời
Theo Economist, đây là thời điểm không hề thích hợp cho những sinh viên mới ra trường tham gia thị trường lao động công nghệ. Trong suốt nhiều năm, ngành công nghệ tăng trưởng với vô số công ty khởi nghiệp cần tuyển dụng lao động, các tập đoàn lớn thì luôn tăng trưởng với lợi nhuận khủng và mở rộng thêm nhân sự.
Ảo tưởng với thành công rực rỡ trong đại dịch Covid-19, vô số công ty quyết định mở rộng mạnh mẽ để bắt sóng tăng trưởng hậu dịch, ví dụ Meta đã tăng gấp đôi số nhân viên của mình trong thời gian cực ngắn.
Thế rồi khi ảo tưởng tan vỡ với lợi nhuận sụt giảm và doanh thu giảm tốc trước các đối thủ như Tiktok, nền kinh tế khó khăn hơn, chuỗi cung ứng đứt gãy và lãi suất tăng cao đã buộc vô số những tập đoàn công nghệ như Meta phải liên tục cắt giảm nhân sự.
Đặc biệt đầu năm 2023 khi phải báo cáo kết quả kinh doanh cho các cổ đông, nhiều CEO muốn nhấn mạnh khả năng tiết kiệm chi phí, hướng đến tăng trưởng dài hạn và thể hiện công ty đang có hành động bằng việc sa thải hơn 300.000 lao động toàn ngành trong 1 năm rưỡi qua, mức nhiều nhất suốt 2 thập niên kể từ vụ khủng hoảng bong bóng dotcom.
Ngay lập tức, những hội chợ việc làm trở nên “có giá” khi các sinh viên xếp hàng dài từ sáng sớm khi chưa mở cửa. Nhiều bạn còn mặc cả âu phục đến phỏng vấn, một điều khá lạ lẫm khi thông thường sinh viên chỉ mặc áo phông và có những cuộc chuyện trò thoải mái.
Với cô Araya, dù mong muốn thực tập ở FAANG nhưng cuối cùng cô vẫn chen lấn để phỏng vấn với hãng ít tên tuổi hơn là Juniper Networks chỉ bởi vì công ty này đang cần người. Ngay cả như vậy, cô Araya cũng chẳng nhận được lời mời việc làm khi doanh nghiệp có quá nhiều sự lựa chọn tốt hơn.
Theo giám đốc trung tâm việc làm của trường đại học California, bà Sue Harbour, kể cả nhiều sinh viên nhận được lời mời thực tập cũng lo lắng khi vô số bạn cùng ngành đang thực tập bị chấm dứt đột ngột. Ngay cả những người đã có lời mời làm việc cũng bị lùi thời hạn ký hợp đồng.
Đây còn là những trường hợp may mắn nhất, nhiều sinh viên nói với Economist rằng họ đã gửi hồ sơ đến cả trăm công ty mà chẳng nhận lại được lấy một lời mời.
“Báo Economist có đang tuyển người không?”, một sinh viên của trường đại học California đùa khi được hỏi.
Tìm việc vì tên tuổi
Quay trở lại hội chợ việc làm của trường California, hơn 60 gian tuyển dụng bao gồm vô số doanh nghiệp từ mọi ngành nghề, nhưng năm nay lại có sự thay đổi khá lớn. Ngay cả những trung tâm Spa làm đẹp cũng mở gian hàng tại đây được, cho thấy sự khan hiếm việc làm. Doanh nghiệp tiếng tăm nhất đến hội chợ lần này là SAP, một hãng công nghệ phần mềm của Châu Âu.
Trước đây, việc các sinh viên muốn vào làm những tập đoàn lớn có tên tuổi không chỉ vì mức lương mà còn muốn làm đẹp hồ sơ của mình, bởi khi chuyển sang công việc mới, họ sẽ dễ dàng đàm phán được hợp đồng việc làm có lợi hơn.
“Tên tuổi công ty rất quan trọng bởi đó là sự nhận diện cho kỹ năng của chúng tôi khi đi xin việc. Mọi người sẽ kiểu: ‘Ồ bạn này đã từng làm việc ở công ty này’”, cô Araya nói.
Tuy nhiên những tập đoàn lớn giờ đây lại không còn có sức hút như vậy nữa sau khi họ sa thải hàng loạt lao động, kể cả những người cống hiến lâu năm cho doanh nghiệp chỉ bằng một dòng thư điện tử. Nhiều người chỉ biết mình sa thải khi không vào được cửa công ty, hoặc nhận email lúc nửa đêm.
Sự “lật mặt” này khiến các sinh viên Mỹ ngày nay có tư duy thay đổi khi coi trọng những doanh nghiệp nhỏ nhưng đoàn kết và trân trọng nhân viên hơn là các tập đoàn lớn có phúc lợi tốt nhưng sẵn sàng đuổi việc bất cứ lúc nào.
Cô Vicky Li, một sinh viên tốt nghiệp tại Berkeley cho biết bản thân giờ đây có tư tưởng “bài xích” các tập đoàn công nghệ lớn khi họ không coi trọng nhân viên. Dù tên tuổi thương hiệu lớn và có chế độ đãi ngộ phúc lợi tốt, nhưng với tình hình khó khăn hiện nay thì vô số tập đoàn như Google cũng đã phải cắt giảm ngân sách, tính toán chi li đến từng cái dập ghim hay chỗ ngồi làm việc.
Theo cô LI, bản thân hiện nay hướng đến những công ty công nghệ nhỏ hoặc startup để thực sự làm việc và trải nghiệm hơn là theo đuổi những tập đoàn lớn chỉ vì tên tuổi.
Đồng quan điểm, anh Arthur Kang tại hội chợ việc làm của trường đại học California đã nhận lời mời làm việc của Juniper dù đã từng nhận được lời đề nghị từ một số tập đoàn có tên tuổi hơn trước đó.
“Sự ổn định và nhất là không bị đuổi việc bất cứ lúc nào là điều khiến tôi đưa ra quyết định này”, anh Kang giải thích.
*Nguồn: Economist