Tiếp nối cuộc "hành trình vô định" (An Unexpected Journey) đã làm nên một cuộc "cách mạng phòng vé" vào cuối năm ngoái, năm nay, đạo diễn Peter Jackson đã đưa những chàng lùn Hobbit dũng cảm tái ngộ khán giả, bằng một cuộc phiêu lưu mới ngày một khó khăn, nguy hiểm và cũng tăm tối hơn trong The Hobbit: The Desolation of Smaug.
Và The Hobbit, cùng những cuộc phiêu lưu nghẹt thở, đặt trong bối cảnh hùng vĩ và bi tráng của tiểu thuyết Tolkien, vẫn tiếp tục chinh phục khán giả toàn cầu, thể hiện qua mức doanh thu ấn tượng cùng ngôi vị quán quân nhiều tuần liền trên BXH Phim ăn khách Bắc Mỹ.
Trong phần 2 mang tên The Hobbit: The Desolation of Smaug này, chàng lùn Bilbo Baggins (Martin Freeman) sẽ tiếp tục cuộc phiêu lưu của mình bên cạnh những người bạn Hobbit khác, dưới sự dẫn dắt của thủ lĩnh Thorin Oakenshield, cùng sự giúp đỡ của pháp sư Gandalf đi giành lại vương quốc Erebor đã mất.
Sau khi thoát khỏi những hiểm nguy ập xuống ở chặng đầu của cuộc hành trình, nhóm bạn tiếp tục tiến về phía đông, và phải trải qua hàng loạt các gian nan thách thức khác trước khi đặt chân được tới Lonely Mountain (Núi Cô Đơn). Tại đây, họ phải đương đầu với kẻ thù nguy hiểm nhất, đáng sợ hơn tất cả những gì họ đã phải từng trải qua trước đây - Rồng khổng lồ Smaug.
Có một điều mà khán giả nên lưu ý trước khi tới rạp xem The Hobbit: The Desolation of Smaug, đó là vấn đề thời lượng phim. Cũng giống như phần 1, phần 2 của phim khá dài - với thời lượng 161 phút. Đây cũng là điều khiến một bộ phận khán giả phàn nàn. Tuy nhiên, khi bạn đã cùng trải qua cuộc hành trình kỳ vĩ với những người Hobbit xuyên suốt 161 phút, bạn sẽ thấy rằng đó là 161 phút không hề uổng phí, là 161 phút đắm chìm trong đại tiệc hình ảnh, âm thanh vô cùng sống động và chân thực. Thế giới kỳ vĩ từ những trang sách Tolkien sẽ được hiện thực hóa và phơi bày trước mắt khán giả màn ảnh rộng.
Giống như phần 1, phần 2 của The Hobbit tiếp tục được quay với công nghệ 3D bằng máy quay kỹ thuật số Red Epic tân tiến với tốc độ lên tới 48 khung hình/giây (HFR – High Frame Rate). Định dạng mới hoàn toàn này được coi là đỉnh cao công nghệ điện ảnh vì hiện tại chuẩn phổ biến đang được áp dụng là 24 khung hình/giây. HFR 3D sẽ giúp hình ảnh trở nên chân thực và sống động như chính những gì đôi mắt của con người có thể quan sát được. Trước đó, phần 1 của The Hobbit là bộ phim đầu tiên trên thế giới được trình chiếu với công nghệ này.
Với những gì được tiết lộ, có lẽ chưa cần đến rạp chiếu khán giả đã phần nào mường tượng ra một thế giới The Hobbit sống động và ấn tượng như thế nào. Nếu như phần 1 của phim mất khá nhiều thời gian để giới thiệu nhân vật và bối cảnh thì phần 2 ngay lập tức dẫn dụ khán giả bước vào cuộc phiêu lưu hấp dẫn của những người lùn, với thử thách khu rừng ảo giác, nhện khổng lồ, ma sói, người thay da, bị giam giữ bởi tiên tộc, bị săn lùng bởi quỷ khổng lồ, trước khi đặt chân lên Núi Cô đơn và đối diện Rồng Smaug.
Cao trào của bộ phim được đẩy theo thứ tự tăng dần, và điểm nhấn chính là cuộc chạm trán của Bilbo và nhóm người lùn với Rồng Smaug - con quái vật không chỉ có kích thước đáng sợ mà còn biết nói chuyện và vô cùng xảo quyệt.
Hình ảnh Rồng Smaug trên màn ảnh sẽ không khiến các tín đồ của tiểu thuyết The Hobbit thất vọng. Smaug không chỉ chân thực và sống động y như thật mà còn toát lên vẻ nham hiểm, đáng sợ, bên cạnh giọng nói đặc biệt do tài tử Benedict Cumberbatch thể hiện. Để có được một hình ảnh chân thực tuyệt vời như vậy, đội ngũ sản xuất The Hobbit đã phải mất đến 2 năm rưỡi để hoàn thành nhân vật này.
Cuộc đối thoại của Bilbo và Smaug là một trường đoạn "đáng đồng tiền bát gạo" nhất của The Hobbit: The Desolation of Smaug. Nó vừa khiến cho khán giả phải nghẹt thở theo dõi, lại vừa khiến họ phải cười trước những câu thoại hay tình huống vô cùng thú vị.
Cũng giống như thế giới trong tiểu thuyết, dễ dàng nhận thấy cuộc phiêu lưu của The Hobbit phần 2 căng thẳng, tăm tối và u ám hơn hẳn phần 1. Không còn màu xanh thăm thẳm và những cánh đồng ngút tầm mắt của xứ Shire, cũng giảm đi những gam màu rực rỡ bắt mắt, thế giới của Hobbit 2 đắm chìm trong sự âm u với những gam màu xám lạnh lẽo, màu đen tăm tối. Thế nhưng đạo diễn Peter Jackson vẫn khéo léo đan cài trong cái không gian u tối ấy những điều tươi sáng giản dị và chớp nhoáng.
Đó là khoảnh khắc Bilbo Balggins trèo lên đỉnh ngọn cây trong khu rừng ảo giác. Khi cái đầu của chàng lùn ngoi lên từ những tán lá, cả một thế giới rực rỡ và bừng sáng dưới ánh Mặt Trời hiện ra, lấp lánh và huyền ảo, với hàng ngàn cánh bướm chao lượn. Dẫu biết rằng sau khoảnh khắc ấy là hiểm nguy, thách thức và cả cái chết tiếp tục rình rập, nhưng có lẽ chỉ giây phút ngắn ngủi đó thôi cũng đủ tiếp thêm cho Bilbo sức mạnh. Sức mạnh được gợi lên từ nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ quê hương đã mất, nỗi nhớ những cánh đồng bạt ngàn đẫm sương sớm của xứ Shire... tất cả những điều đó khiến cuộc hành trình của người Hobbit trở nên ý nghĩa và đáng giá hơn bao giờ hết.
Bên cạnh phần nhìn cực "đã mắt", phần âm nhạc tuyệt vời cũng góp phần tạo nên một The Hobbit: The Desolation of Smaug đầy chất bi tráng, giàu cảm xúc và ấn tượng sâu sắc. Không gian âm nhạc hào hùng và đậm chất sử thi khiến cho The Hobbit "không lẫn vào đâu được" mà đích thực là một thế giới của tiểu thuyết Tolkien.
Công bằng mà nói, so với phần 1, phần 2 của The Hobbit hấp dẫn hơn, nhưng cá tính nhân vật thì chưa thực sự nổi trội bằng, bên cạnh đó, một vài nhân vật trở nên thừa hoặc chưa phát huy hết khả năng. Đơn cử như nhân vật Tauriel của tiên tộc - là nhân vật nữ duy nhất trong "cuộc chiến của những người đàn ông". Có lẽ Peter Jackson muốn thêm vào nhân vật này để làm "mềm hóa" câu chuyện của Tolkien, tuy nhiên vai trò của Tauriel trong phần 2 chưa thực sự rõ nét và khán giả hy vọng rằng "nàng bạch tuyết" duy nhất trong cuộc phiêu lưu của 13 chú lùn này sẽ phát huy tác dụng cần thiết trong phần cuối phim như phía sản xuất The Hobbit đã hứa hẹn.
The Hobbit: The Desolation of Smaug (tựa Việt: Người Hobbit: Đại chiến Rồng Smaug) đã được khởi chiếu ở VN từ ngày 3/1.