Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, tính từ 1h02 phút đến 3h17 phút sáng nay, 6 trận động đất liên tiếp xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Trong số này, 4 trận động đất có độ lớn dưới 3.0, không gây tác động trên bề mặt. Hai trận động đất có độ lớn từ 3.0 trở lên khiến khu vực gần tâm chấn có thể cảm nhận được rung chấn nhẹ.

Trong hơn 3 ngày qua, khoảng 55 trận động đất đã xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông, tần suất nhiều nhất từ khi khu vực này bắt đầu ghi nhận động đất kích thích do tác động của hồ chứa thuỷ điện tích nước.

Trong đó trận động đất trưa ngày 28/7 mạnh 5.0 độ đã gây rung chấn cho một khu vực rộng lớn gồm Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, nhiều ngôi nhà, công trình công cộng bị nứt nẻ tại khu vực gần tâm chấn.

Thêm 6 trận động đất ở Kon Tum chỉ trong hai tiếng - Ảnh 1.

Trận động đất trưa ngày 28/7 gây rung chấn mạnh cho khu vực tâm chấn với rủi ro thiên tai vào cấp 2.

Động đất kích thích bắt đầu xuất hiện tại khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum từ tháng 4/2021, ngay sau khi thuỷ điện Thượng Kon Tum tích nước. Từ đó đến nay, khu vực này đã ghi nhận hàng trăm trận động đất xảy ra. Có thời gian động đất xảy ra dồn dập, có thời gian tĩnh lặng hơn, liên quan đến chu kỳ tích nước của hồ chứa.

Các chuyến điều tra, khảo sát của đoàn chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đưa ra nhận định, động đất khu vực huyện Kon Plông, Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hoạt động tích nước hồ chứa gây áp lực lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới, khiến động đất phát sinh sớm hơn so với hoạt động tự nhiên.

Tuy nhiên, theo Viện Vật lý địa cầu, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất và có cơ sở để dự báo xu thế hoạt động động đất và cường độ của động đất trong tương lai cần có những khảo sát, quan trắc và nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận.

Các kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết để có thể đánh giá về nguyên nhân và mức độ nguy hiểm của động đất đối với các công trình dân sinh và thuỷ điện. Đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực.

Vì vậy, cần có nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành, địa phương và các đơn vị quản lý khai thác thuỷ điện trên địa bàn.

Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất ở khu vực này với 11 trạm. Đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực cũng đã được phê duyệt và đang triển khai. Đây sẽ là cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan động đất kích thích ở khu vực này trong thời gian tới.

Theo PGS Cao Đình Triều, các nghiên cứu trong nước và quốc tế nhận định, động đất tự nhiên cực đại ở khu vực này có thể từ 6-6.3 độ. Vì vậy, động đất kích thích cực đại trong khu vực ít có khả năng vượt quá 5.3 độ. Không loại trừ trường hợp trận động đất mạnh 5.0 độ vào trưa ngày 28/7 là trận động đất kích thích lớn nhất ở khu vực này.