Cách đây ít giờ, trên một số hội nhóm, các mẹ lại "dậy sóng" tranh cãi về một bài toán lớp 1 khá đơn giản.
Cụ thể, bài toán đếm hình có nội dung như sau:
Bài toán khiến dân mạng tranh cãi "nảy lửa" trong nhiều giờ qua.
Bài toán đưa ra 4 đáp áp cho học sinh lựa chọn tương ứng với: 5 hình, 4 hình, 3 hình và 2 hình. Điều tạo nên "cơn sóng" tranh luận cho bài toán này là học sinh đã trả lời đáp án C (3 hình vuông) nhưng cô giáo chấm bài cho rằng đây là đáp án sai, đồng thời khoanh tròn vào đáp án B (4 hình vuông).
Hình ảnh về bài toán lớp 1 này đã được đăng đi đăng lại trong nhiều giờ và hiện tại, các mẹ vẫn không ngừng tranh luận. Quan điểm của đa số độc giả cho rằng cô giáo đã sai khi phủ nhận kết quả của học sinh và đưa ra đáp áp 4 hình vuông mới là kết quả đúng.
Có thể nói đây là một dạng bài tập toán khá phổ biến với học sinh lớp 1 và nó cũng thuộc dạng bài dễ. Tuy nhiên, điều khiến cư dân mạng xôn xao là "Chẳng lẽ cô giáo mà sai", trong khi học sinh đã trả lời đúng.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với cô Hoàng Thị Liên (một giáo viên tiểu học có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại Vĩnh Phúc) để hiểu rõ hơn về nội dung và đáp án của bài toán này. Cô Liên khẳng định em học sinh này đã làm đúng, còn cô giáo chấm bài đã có sự nhầm lẫn về kết quả.
Cô Liên cho biết, để làm được bài toán này, học sinh cần phải hiểu rõ khái niệm về hình vuông. Hình vuông là hình tứ giác đều có 4 góc vuông và 4 cạnh bằng nhau. Có thể coi hình vuông là một hình chữ nhật có các cạnh bằng nhau, hoặc là một hình thoi có hai đường chéo bằng nhau.
Với bài toán trên, nếu hình to nhất (ABCD) và bé nhất (AIFE) là hình vuông thì đáp án đúng là có 3 hình vuông, bao gồm các hình sau: ABCD, AIFE và FGCH. Nhìn vào hỉnh ảnh được chụp lại, nhiều người thường nhầm hình EGCD là một hình vuông nữa, dẫn đến kết luận có 4 hình vuông. Tuy nhiên, để nguyên hình to (ABCD) đã là hình vuông, nếu bỏ hình chữ nhật ở trên (ABGE) đi thì hình dưới (EGCD) chiều ngang giữ nguyên mà độ dài hai cạnh chiều dọc bị bớt đi, chứng tỏ 4 cạnh không thể bằng nhau.
Cô Liên cũng cho biết thêm, đây là giả thiết tạm thời và đáp án chỉ chuẩn xác khi học sinh đo các cạnh bằng thước. Với một bài toán lớp 1 như này, giáo viên sẽ không cho thông số về hình và yêu cầu học sinh phải đo bằng dụng dụ đo để tìm ra đáp án chính xác.
Đây không phải lần đầu tiên một bài toán đơn giản gây tranh cãi. Trước đó, một bài toán đếm hình tam giác của học sinh lớp 3, bài toán lớp 1 "oái oăm" hay bài toán lớp 2 "bá đạo"... từng "châm ngòi" cho những cuộc tranh cãi không hồi kết trên các diễn đàn mạng. Một lần nữa, các bậc phụ huynh lại thêm phần lo lắng về các kiến thức "chuẩn" mà con em mình đang được dạy và học hiện nay.