Kể sao cho hết những tác phẩm tấu hài của lũ trẻ khi được giao nhiệm vụ làm văn tả người này người kia hay kể một câu chuyện nhỏ. Chắc hẳn bạn đã từng cười ngất lên ngất xuống khi đọc những dòng tả người thân như thế này: "Bố em có dáng người thấp đậm, với cái bụng to khác bố người ta bụng thon 6 múi", hay "Mẹ không xinh lắm nhưng bác bán thịt lợn đầu ngõ vẫn phải ngước nhìn". Những thước văn "chân thực" đến phũ phàng quả thực khiến các "nạn nhân" cạn lời.
Nhưng có lẽ dù bá đạo đến đâu thì cũng chào thua "nhân vật số 1" sau đây. Được cô giáo ra yêu cầu "Hãy tả về một người bạn mà em yêu quý", học sinh này có màn giới thiệu độc nhất vô nhị, cô bạn đọc xong chắc xỉu 3 ngày chưa tỉnh còn hội răng khểnh hẳn thấy "tổn thương sâu sắc".
"Em có bạn gái ngồi kế bên bàn học, cũng không thân mấy. Nhưng em cũng hơi thích nó. Bạn có một mái tóc, hai con mắt, một cái mũi nhưng có hai lỗ mũi, cái miệng nó răng nanh chìa ra, người ta bảo đó là răng khểnh". Tả chi tiết đến thế là cùng.
Có biết bao nhiêu mỹ từ khi người ta nói về răng khểnh, nào là nụ cười tươi tắn, duyên dáng hút hồn, nhưng qua ngòi bút của học sinh tiểu học, răng khểnh đơn giản chỉ là... răng nanh không hơn không kém. Dù vẫn thấy "răng khểnh hơi đẹp" nhưng "em hơi sợ". Câu sau đá câu trước quả thực khiến người đọc cũng hoang mang không kém. May thay câu chốt cuối còn có chút tình cảm bạn bè: Em rất yêu bạn em, nếu không chắc ngày sau vào lớp làm sao mà nhìn mặt bạn "ngồi kế bên bàn học".
Không biết cô bạn gái có cảm thấy... đắng lòng khi đọc được bài văn "có một không hai" của bạn mình không nhưng dân tình thì đều bật cười trước suy nghĩ đơn giản, thật thà và đặc biệt là mang yếu tố "thấy gì viết nấy" của em học sinh này. Quả thực dù ngây ngô, không văn hoa mượt mà, thế nhưng thay vì tìm văn mẫu và dựa vào đó để viết, học sinh này đã tự ghi suy nghĩ và tạo nên tác phẩm của riêng mình.
Quả thật, với trẻ lớp 2, lớp 3 vẫn đang trong giai đoạn tập làm văn, vốn từ của các bé chưa phong phú, nhận thức về cuộc sống chưa nhiều... nên lời lẽ còn rất ngô nghê. Cha mẹ không nên sốt ruột khi thấy con viết văn chưa hay, chưa tốt. Thay vì thế, phụ huynh có thể đưa ra những gợi ý theo phương pháp sơ đồ tư duy để con viết văn tốt hơn.
Sơ đồ tư duy không phải phương pháp xa lạ và đã được nhiều giáo viên, phụ huynh áp dụng. Bằng cách này, trẻ em được tập khả năng phân tích, tổng hợp và giúp ghi nhớ dễ dàng hơn. Ví dụ đối với bài văn tả người thân, cô giáo sẽ hướng dẫn học sinh lập sơ đồ tư duy gồm những thông tin rất cơ bản: Họ tên, tuổi, nghề, sở thích, thói quen, tình cảm của học sinh với người thân.
Dựa vào sơ đồ tư duy, các bé sẽ được viết 1 đoạn văn ngắn khoảng 5 - 7 câu, mỗi câu là 1 nhánh của sơ đồ. Ở các bước này, giáo viên và phụ huynh chỉ hướng dẫn, gợi ý còn lại để cho bé tự tư duy và tự viết. Sau khi học sinh đã quen dần, giáo viên, phụ huynh có thể nâng dần yêu cầu lập sơ đồ và viết văn. Bố mẹ có thể đọc lại từng câu với con, gợi ý con cách đổi vị trí các từ, hay cách diễn đạt khác để nghe trau chuốt hơn.