Thông tin này được phía lãnh đạo BV ĐHYD vui mừng thông báo trong ngày 28-9, cũng là ngày đầu tiên BV chính thức đưa vào hoạt động đơn vị này.
Đơn vị Chẩn đoán trước sinh, BV ĐHYD chính thức hoạt động ngày 28-9.
An toàn cho bé, Hạnh phúc cho mẹ
Với phương châm "An toàn cho bé – Hạnh phúc cho mẹ", nơi đây hứa hẹn sẽ là địa chỉ đáng tin cậy đối với thai phụ, giúp dự phòng sớm, chẩn đoán kịp thời và điều trị toàn diện các bất thường xảy ra ở mẹ lẫn con trong thai kỳ.
Được bố trí riêng biệt tại lầu 2, khu B của BV với 2 phòng khám, 1 phòng siêu âm, 1 phòng theo dõi tim thai, 1 phòng thực hiện thủ thuật và khu vực chờ riêng tư, Đơn vị chẩn đoán trước sinh được phụ trách bởi đội ngũ y bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM.
Phòng siêu âm của Đơn vị Chẩn đoán trước sinh.
Ngoài tư vấn và khám thai, nơi đây còn theo dõi siêu âm và làm thủ thuật được thực hiện với quy trình khép kín, giúp thai phụ rút ngắn thời gian chờ đợi, di chuyển. Yếu tố thuận lợi của Đơn vị Chẩn đoán trước sinh là nằm trong một bệnh viện đa khoa có đầy đủ trang thiết bị chẩn đoán và các chuyên khoa sâu nên có thể chăm sóc tối ưu, toàn diện cho thai phụ có nhiều bệnh lý kết hợp lẫn thai nhi với các bất thường bẩm sinh cần xử trí đặc biệt.
Đơn vị này ra đời giúp giảm thời gian chờ đợi và tăng chất lượng theo dõi trước sinh.
ThS.BS. Lê Thị Kiều Dung – Trưởng khoa Phụ Sản BV ĐHYD chia sẻ, sau hơn một năm hoạt động cùng sự hỗ trợ của các chuyên khoa sâu, khoa Phụ sản – cơ sở 1 của Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 3.000 trường hợp nhập viện, 1.800 thai phụ, công suất giường bệnh đạt từ 85 - 97%.
"Đơn vị chẩn đoán trước sinh ra đời nhằm nắm bắt xu thế chung trong Sản khoa hiện đại và nhu cầu của người dân về cơ sở y tế uy tín trong chẩn đoán, theo dõi trước sinh ở mức chất lượng dịch vụ cao cấp, giảm thời gian chờ đợi" - BS. Lê Thị Kiều Dung nói.
Tầm soát trước sinh giữ vai trò rất quan trọng với hạnh phúc gia đình.
Một nữ bệnh nhân bệnh nặng trong quá trình mang thai điều trị tại BV ĐHYD.
Hiện nay, các bệnh lý thai kỳ ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới (FIGO, 2015), tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 16% trên tổng số các bà mẹ mang thai, bên cạnh đó tiền sản giật chiếm 3 – 5%. Tuy nhiên, đa số các trường hợp được phát hiện khá muộn, thường là vào 3 tháng cuối thai kỳ, dẫn đến những hậu quả đáng buồn.
Chính vì vậy, TS BS. Trần Nhật Thăng, Trưởng đơn vị Chẩn đoán trước sinh khuyến cáo thai phụ không nên chờ đến khi xuất hiện những triệu chứng bất thường mới đi khám, mà nên bắt đầu chăm sóc tiền sản ngay từ 3 tháng đầu thai kì và duy trì việc thăm khám định kì cho đến ngày sinh nở.
Chẩn đoán trước sinh là nền tảng cho một gia đình hạnh phúc.
"Việc đưa vào hoạt động Đơn vị Chẩn đoán trước sinh còn vì mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản trước thụ thai. Đây chính là nền tảng cơ bản để mỗi gia đình đón nhận một thai kỳ an toàn, khỏe mạnh và hạnh phúc" – TS.BS Trần Nhật Thăng nói.