Sau khi báo cáo về tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm lần đầu sau nhiều năm, đã có rất nhiều cuộc tranh luận nổ ra tại nước này. Theo đó, dù phải nhận khá nhiều áp lực từ phía gia đình, xã hội nhưng nhiều người trẻ Trung Quốc vẫn cho rằng họ sẽ chỉ có con khi thực sự vững vàng về tài chính cũng như trang bị đủ kiến thức làm cha mẹ.
Tỷ lệ sinh tại Trung Quốc lần đầu giảm trong 60 năm (Ảnh minh họa)
Theo cuộc khảo sát được The Paper thực hiện và đăng tải vào ngày 31/01 vừa qua, giới trẻ Trung Quốc tin rằng việc có một cuộc hôn nhân và một sự nghiệp ổn định là những điều kiện tiên quyết để có con. Bên cạnh đó "sự đau đớn khi sinh con" cũng là lý do khiến phái nữ e ngại việc sinh nở.
Ngoài ra, cuộc khảo sát được thực hiện bởi bốn tổ chức hàng đầu như Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc và Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô với những đối tượng là sinh viên đại học cũng cho rằng họ ưu tiên chọn sự nghiệp và muốn làm giàu trước khi lập gia đình.
Báo cáo cho biết tâm lý hôn nhân ở Trung Quốc, nơi mà đàn ông được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tài chính cho gia đình, cũng thay đổi khi nữ giới đang ngày càng độc lập và giỏi giang hơn.
Khác với thế hệ ông bà, cha mẹ, hầu hết những người được phỏng vấn cho biết họ không còn coi hôn nhân là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Thay vào đó, giới trẻ Trung Quốc giờ đây tin rằng mục tiêu chính của hôn nhân là tinh thần và mức sống cao hơn. Cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng nhóm nhân khẩu học này có thái độ cởi mở hơn đối với quan hệ tình dục trước hôn nhân và ly hôn.
Cũng từ đó, khái niệm về lối sống "DINK" viết tắt của "Double income no kid" (tạm dịch: Nhân đôi thu nhập, không có con) đã được ra đời và trở nên cực kỳ phổ biến trong giới trẻ nước này. Trong đó, dù nhiều cặp đôi kết hôn, sống chung nhưng vẫn quyết định không có con để có tài chính dư giả hơn, đặc biệt là khi chi phí sinh hoạt, giá nhà và chi phí học hành ngày càng tăng cao.
Nhiều cặp đôi lựa chọn lối sống "DINK"
Để giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ kết hôn và tỷ lệ sinh, trong những năm gần đây, chính quyền đất nước tỷ dân đã đưa ra một loạt kế hoạch bao gồm việc loại bỏ chính sách một con và xây dựng các trung tâm chăm sóc ban ngày cho trẻ em. Các chính quyền khu vực cũng đã bắt đầu cung cấp các khoản trợ cấp hoặc thay đổi các chính sách lâu đời .
Tuy nhiên, hơn 40% số người được hỏi cho biết họ sẽ không thay đổi suy nghĩ không sinh con của mình chỉ vì những thay đổi chính sách hỗ trợ sinh đẻ gần đây. Trong khi đó, chỉ 8,26% người trẻ cho biết họ sẵn sàng sinh con khi những chính sách này được công bố.
Dẫn lời Mao Zhuoyan, giáo sư tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Thủ đô, The Paper cho biết kết quả cho thấy tâm lý của sinh viên đại học khi kết hôn khác biệt đáng kể so với những người đã kết hôn.
Mao nói thêm rằng những thay đổi chính sách cần tính đến những thay đổi trong nhận thức của thế hệ hiện tại về hôn nhân và sinh con, và cần đặc biệt chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của phụ nữ.
Nguồn: Sixth Tone