Hiện các trường chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội đã công bố lịch thi, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025. Nguyễn Hương Mai (Tân Triều, Hà Nội) thở phào vì 3 trường THPT chuyên dự định đăng ký thi năm nay không bị trùng lịch như một số năm trước.
Trước đó, Mai như "ngồi trên đống lửa" vì lo các trường tổ chức thi cùng ngày. Nữ sinh này luôn trong tâm trạng bất an bởi chỉ cần 2 trường trùng lịch thi thì sẽ mất đi một cơ hội chạm tay vào giấc mộng trường chuyên.
Yêu thích môn Ngữ văn nên năm nay, Mai đặt mục tiêu phải trở thành học sinh lớp chuyên Văn. "Chỉ cần trở thành học sinh chuyên, với em trường nào cũng được", Mai nói.
Hơn 2 tháng nữa, Mai sẽ thi lớp chuyên Văn, trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 2/6. Sau đó 3 ngày (5/6), nữ sinh này tiếp tục dự thi THPT chuyên Đại học Sư phạm. Từ ngày 8/6 đến 10/6, Mai tiếp tục dự thi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
Ngoài ra, nữ sinh cũng đang phân vân thử sức đăng ký thi thêm vào THPT chuyên Ngoại ngữ vì trường này tổ chức thi ngày 1/6, không trùng với các trường khác. " Em nghĩ đây là cơ hội tốt, biết đâu trượt 3 nguyện vọng chuyên Văn, em lại ăn may trúng tuyển trường này" , Mai nói.
Về lý do nhất định phải vào trường chuyên, Mai tiết lộ suốt 4 năm học cấp 2 đều được thầy cô, bạn bè đánh giá cao, nếu học trường THPT thường sẽ thấy "xấu hổ với mọi người".
Ở giai đoạn nước rút, nữ sinh Hà Nội học thêm tất cả các buổi tối trong tuần cả 3 môn Văn, Toán và tiếng Anh. Riêng môn Văn dùng để "chọi" vào chuyên, Mai học thêm 2 lớp để vừa ôn luyện cơ bản, vừa bồi dưỡng nâng cao. Ngày nào cũng như ngày nào, sau khi trở về từ các lớp học thêm, Mai tiếp tục vào bàn học thêm 2-3 tiếng. Có những ngày nữ sinh này kiệt sức vì thức giải đề đến tờ mờ sáng.
Vào trường chuyên bằng mọi giá
Thi vào lớp 10 chuyên ở nhiều trường cùng lúc là chuyện không hiếm gặp. Không chỉ chi mạnh tay cho con học thêm, nhiều gia đình còn sẵn sàng tìm đủ cách để con có trong tay tấm vé vào trường chuyên. Gia đình chị Phùng Thị Hằng ở Ba Đình, Hà Nội cũng không ngoại lệ.
Từ sau Tết, chị Hằng tạm gác lại công việc kinh doanh, ở nhà để chăm con trai đang ôn thi vào lớp 10. Hằng ngày, công việc chính của chị Hằng lo từng bữa ăn và đưa đón con đi học thêm.
Theo kế hoạch từ năm lớp 8, con trai chị Hằng chỉ định thi chuyên Toán trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, nhưng vì năm nay trường THPT chuyên Đại học Sư phạm tăng chỉ tiêu tuyển sinh môn Hoá nên chị động viên con đăng ký thi thêm nguyện vọng để nâng cao cơ hội.
Từ cuối tháng 3, ngoài học thêm ba môn Toán, Văn và tiếng Anh, chị Hằng đăng ký cho con học thêm lớp bồi dưỡng Hoá nâng cao 2 buổi/ tuần.
Có những ngày vừa kết thúc lớp học thêm này, chị Hằng đã phải vội vã chở con tới lớp học thêm khác để kịp giờ học. Các khung giờ học thêm trong tuần thường sát nhau, 17h đến 19h, 19h30 đến 21h30. Mẹ con chị Hằng chỉ có khoảng 30 phút để vừa ăn uống vừa di chuyển đến lớp học tiếp theo.
"Nhiều hôm, để tiết kiệm thời gian, tôi nấu cơm để trong hộp mang đến chờ sẵn ở cửa lớp học thêm để con ra ăn ngay trước khi đi học ca tiếp" , chị Hằng chia sẻ.
Kết thúc các giờ học thêm, mẹ con chị Hằng về nhà và tiếp tục học đến 1-2h sáng. Ngày nào cũng thức cùng con, tuy không thể giải đề hay hướng dẫn con học nhưng với chị Hằng, đó là điều mà người mẹ có thể làm để tiếp sức trong chặng nước rút ôn thi.
Theo phụ huynh này, cấp 3 là giai đoạn quan trọng nhất. Sau này đại học không học trường này thì học trường khác, vô vàn lựa chọn nhưng vào lớp 10 chỉ có 1-2 cơ hội nên cần tính toán kỹ lưỡng.
"Nhiều khi cũng mệt mỏi, kiệt sức nhưng mẹ con tôi vẫn cố gắng để con có cơ hội học trường chuyên", chị Hằng khẳng định.
Gạt bỏ tư tưởng 'sính' chuyên
PGS.TS Trần Thành Nam (trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: "Hiện rất nhiều học sinh, phụ huynh đang lầm tưởng trường tốt là điều kiện để con mình thành công. Nhiều cha mẹ còn đặt ra áp lực cho con cái phải đỗ với niềm tin rằng ngôi trường danh tiếng đó sẽ đảm bảo con họ có tương lai tươi sáng".
Theo PGS, việc cha mẹ định hướng rèn luyện con ngay từ lớp 6, thậm chí lớp 1 để vào trường chuyên không còn phù hợp với tư tưởng giáo dục hiện đại. Họ đang gây nhiều áp lực không cần thiết, làm trẻ mất cân bằng cuộc sống, không để tâm hoặc có không gian để vui chơi giải trí, phát triển các kỹ năng mềm
Một học sinh có năng khiếu khi học lớp thường sẽ dễ dàng nhìn nhận và phát huy điểm mạnh của mình. Nhưng khi học trong môi trường chuyên giữa muôn vàn người giỏi, học sinh này có thể cảm thấy năng khiếu của bản thân không có gì nổi trội, thậm chí không đạt chuẩn và trở nên chán nản.
Phụ huynh cũng không nên thần thánh hoá trường chuyên hoặc gạt bỏ tư tưởng "sính" chuyên để tránh gây ra những hệ quả khôn lường.
Học sinh cũng nên xác định rõ mục tiêu khi vào trường chuyên, nên tự hỏi bản thân có thực sự muốn học tập, phát triển tại môi trường như vậy hay không trước khi lao vào ôn luyện và đăng ký dự thi 2-3 hay thậm chí 4 trường chuyên cùng lúc.
Với kinh nghiệm tư vấn tâm lý, ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhìn nhận, áp lực thi cử của học sinh chủ yếu là do phương pháp dạy và học hiện nay. Người dạy theo một phương pháp nhưng mỗi học trò lại có phương pháp học và ghi nhớ khác nhau.
Ở thời điểm nước rút, ông Sơn lưu ý, với các môn tự nhiên, thí sinh chỉ nên dành thời gian để xem lại công thức, các dạng đề còn chưa vững, không nên học ngày, học đêm đến kiệt sức. Với các môn xã hội, các em nên ôn, nắm chắc kiến thức nền tảng, cách ôn và học thuộc lòng, hay theo văn mẫu như mô hình của các trung tâm luyện thi.
“Học sinh cần có kỹ thuật học theo cách tiếp thu ưu điểm để nâng cao sức khỏe trí tuệ của mình. Bên cạnh đó các em cần chú ý đến sức khỏe cảm xúc để có tâm lý ổn định trong kỳ thi. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lựa chọn giúp con trường vừa sức, không nên chạy đua thi cùng lúc 3 - 4 trường để tránh tự tạo áp lực cho con”, ông Sơn đưa lời khuyên.