Năm 2023, Bộ GD&ĐT không ban hành quy chế tuyển sinh mới. Theo đó, công tác tuyển sinh vẫn áp dụng quy chế, quy trình như năm 2022, nhằm tạo ổn định để thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất. Theo quy chế tuyển sinh 2022, thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở nhiều trường khác nhau.
Thí sinh đăng ký trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Tất cả nguyện vọng của thí sinh đã xét tuyển vào các trường vẫn phải nhập vào hệ thống của Bộ GD&ĐT để lọc ảo.
Theo quy định, thí sinh được quyền đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng. Năm 2022 ghi nhận có trường hợp đăng ký cả trăm nguyện vọng. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khuyến cáo, thí sinh không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng như vậy.
Tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp - Ngày Mở lần thứ 16 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ Thuật TP Hồ Chí Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy đưa ra phân tích, trước khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh đã có định hướng nghề nghiệp theo sở trường, thế mạnh của mình. Ngoài ra, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển được thực hiện sau khi biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là cơ hội để thí sinh biết khả năng của mình đến đâu. Từ đó, cân nhắc đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên của mình.
Ảnh minh hoạ.
Vì vậy, thí sinh cần sắp xếp thứ tự ưu tiên khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất có thể, không có chuyện trúng tuyển vào nhiều trường hoặc đỗ vào nguyện vọng đứng sau.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng khẳng định, thông tin các trường không được xét tuyển sớm là không chính xác.
Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ có một số điều chỉnh nhỏ, chủ yếu về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như, điều chỉnh giao diện trên hệ thống phần mềm khi thí sinh truy cập sẽ thuận tiện hơn, tránh những nhầm lẫn đáng tiếc.
Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố vào tháng 2 tới, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.