Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến tâm linh “nóng” nhất thủ đô. Với quan niệm đến viếng bia đá và thắp hương, thậm chí… sờ đầu rùa trước khi “vượt vũ môn”, các thánh sẽ phù hộ cho kỳ thi sẽ diễn ra suôn sẻ, có khả năng đỗ đạt cao hơn, các thí sinh và phụ huynh ồ ạt kéo đến di tích này. Tiết trời oi bức, cộng thêm hơi nóng của hàng nghìn người khiến không khí cực kỳ ngột ngạt nhưng khí thế cầu may của các sĩ tử không vì thế mà thuyên giảm.
Hàng nghìn thí sinh và phụ huynh ồ ạt kéo đến Văn Miếu cầu may.
Đoạn đường trước cổng vào Văn Miếu (phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám) cũng như các tuyến phố lân cận dẫn về khu di tích như Tôn Đức Thắng, Cát Linh, Nguyễn Thái Học mấy ngày nay kẹt cứng, không phải giờ cao điểm mà cũng nườm nượp người xe qua lại, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài do người chờ xếp hàng mua vé vào cổng hoặc người đợi gửi xe đông nghịt. Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự đã rất vất vả
mới có thể phân làn xe, giải quyết tình trạng lộn xộn trước khu
vực cổng di tích.
Không phải giờ cao điểm, nhưng phố Quốc Tử Giám vẫn như “ngộp thở”. Trong khuôn viên Văn Miếu, tình trạng tắc nghẽn và quá tải cục bộ do lượng người đổ về quá đông cũng diễn ra trong suốt thời gian mở cửa (từ 7h30 đến 17h30). Người người chen chúc nhau từ khu vực cổng vào, quầy bán vé cho đến sân Thái Học, khu đền thờ.
Không dễ để mua được vé vào di tích, nhưng nhiều thí sinh vẫn kiên nhẫn chờ đợi.
Theo Ban quản lý khu di tích, uớc tính, vào những đợt tuyển sinh đại học, lượng khách đến Văn Miếu có ngày lên đến khoảng 30.000 - 40.000 người, trong đó đa phần là học sinh và phụ huynh từ các tỉnh về Hà Nội dự thi.
Hàng trăm sinh viên tình nguyện của các trường đại học cũng được huy động để đảm bảo trật tự và hướng dẫn du khách. Đội ngũ này được bố trí tại nhiều điểm khác nhau trong Văn Miếu như: khu bia tiến sĩ, sân Thái Học, khu điện thờ Đại Thành Môn… luôn miệng giải thích cho thí sinh và phụ huynh về nội quy khu di tích.
Màu áo xanh tình nguyện như bị “nuốt” trong dòng người.
Hai khu vực “căng” nhất của Văn Miếu là khu bia đá tiến sĩ và điện thờ Đại Thành Môn. Dù đã được khoanh vùng bảo vệ và được sinh viên tình nguyện túc trực canh phòng bên cạnh những tấm bia, không ít thí sinh vẫn tìm mọi cách để được sờ vào đầu rùa đá.
Các tình nguyện viên phải rất vất vả ngăn những thí sinh quá khích.
Người này cố nhoài mình vào trong, người kia thừa lúc các sinh viên tình nguyện không để ý, cũng “phi thân” vào, người bị nhắc nhở thì ra chiêu… nài nỉ hoặc quệt giấy báo thi vào đầu rùa.
Không sờ được thì ta… chụp ảnh.Ở khu điện thờ, người người chen nhau khấn vái để cầu cho kỳ thi sắp tới diễn ra suôn sẻ.
Khu Đại Thành Môn cũng rất đông thí sinh đến lễ.
Không ít phụ huynh và thí sinh đốt cả bó hương, mặc dù đã được nhắc nhở mỗi người chỉ thắp một nén.
Thành tâm…
Không khó nhận ra các thí sinh, bởi ai cũng cầm trên tay những lá sớ…
… cầu công danh, đỗ đạt.
Đồ lễ được thành kính dâng lên…
… ai nấy hướng về bệ thờ Khổng Tử, lầm rầm khấn xin.
Những ông bố và cả các nam sinh cũng rất nghiêm cẩn làm lễ.
Mấy “sĩ tử” nhí sắp vào lớp 1 cũng theo mẹ đi cầu học giỏi.
Hai tấm bảng vàng trong khu thờ tự cũng bị bâu kín, lúc nào cũng đông nghịt người chen lấn. Các thí sinh cố “viết” tên và số báo danh của mình lên đó với hy vọng sẽ thi tốt, đỗ cao và được lưu danh trong bảng vàng của trường đại học mình sắp thi.
Thi nhau “viết” tên lên bảng vàng.
Không sờ được rùa đá, ta sờ… tạm rùa đồng vậy!
Chẳng riêng gì rùa, những bức tượng trong Văn Miếu các sĩ tử cũng không bỏ qua.
Hết xoa đầu, vuốt má…
… rồi tạo dáng chụp ảnh. Nhiều tượng, phù điêu trong khu di tích đã mòn vẹt bởi tay người tham quan.
Gần đến giờ đóng cửa Văn Miếu, vẫn còn nhiều người tranh thủ mua vé vào tham quan. Với những thí sinh và phụ huynh vừa thoát ra khỏi “biển” người ở khu di tích, họ trở về trong một tâm trạng phấn chấn, mong đợi điều may mắn sẽ đến trong kỳ thi quan trọng đang tới sát nút.