Thị trường tết: Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường 1

Năm nay, nhiều nhà sản xuất trong nước còn cam kết hạn chế việc tăng giá bán song song với việc tung ra nhiều mẫu mã, sản phẩm mới để khẳng định ưu thế trước hàng ngoại nhập và chiếm lĩnh thị trường trong nước. 

Giữ giá, tăng lượng, nâng chất 

Đó là thông điệp từ các DN sản xuất hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán khi nói về kế hoạch chiếm lĩnh thị trường nội địa trong dịp tết. Mặc dù đều chung tâm trạng e ngại sức mua dịp tết năm nay sẽ giảm, nhưng các DN đều kỳ vọng mùa cao điểm mua sắm tết năm nay sẽ là cơ hội tiêu thụ sản phẩm. Để thu hút sự quan tâm của NTD, hầu hết các DN đều lên kế hoạch sản xuất và tung hàng tết từ khá sớm. Từ tháng 12, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, CLB DN dẫn đầu và Sở Công Thương TPHCM đã tổ chức Ngày hội tung hàng tết để giới thiệu, quảng bá và làm đòn bẩy kích cầu các mặt hàng đặc sắc của các DN Việt tung ra thị trường mùa tết. 

Chỉ riêng ngành bánh kẹo, năm nay các DN bánh kẹo trong nước đều tăng sản lượng từ 10-20%. Dự kiến, dịp tết này, Kinh Đô đưa ra thị trường hơn 3.800 tấn bánh kẹo các loại, tăng 20% sản lượng, còn dự kiến sản lượng của Bibica tết 2013 là 1.200 tấn bánh kẹo và socola các loại, tăng 15% so với năm ngoái. Song song với việc tăng sản lượng, các DN còn hướng đến việc đầu tư mẫu mã sản phẩm, đa dạng sản phẩm và tung ra thị trường những sản phẩm mới trong mùa tết năm nay. 

Ông Nguyễn Xuân Luân - Phó TGĐ Tập đoàn Kinh Đô - cho biết: “Chúng tôi đã có sự chuẩn bị chu đáo và đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cho mùa vụ tết qua việc đầu tư toàn diện cho chất lượng, mẫu mã các dòng sản phẩm; đẩy mạnh hoạt động trưng bày; mở rộng kênh phân phối, đưa sản phẩm phục vụ nhu cầu thưởng thức, biếu tặng của NTD trên khắp cả nước. Với sự chuẩn bị nghiêm túc và đầu tư toàn diện cho mùa tết 2013, chúng tôi tin tưởng sức mua trong dịp tết năm nay sẽ khả quan”. 

Tại siêu thị Minh Hoa - một trong những hệ thống siêu thị vẫn cung cấp nhiều sản phẩm bánh kẹo ngoại nhập của Hà Nội, các kệ hàng cho Tết Nguyên đán tới nhường chỗ nhiều hơn cho nhiều nhãn hiệu nội địa như Kinh Đô, Hải Châu, Hải Hà... Theo một nhân viên bán hàng tại đây, giá bánh nhập khẩu cao hơn năm ngoái 3-5% nên càng kén người mua, trung bình các loại bánh hộp dao động từ 100.000-500.000đ tùy loại. Trong khi đó, các loại bánh kẹo nội địa có giá thấp hơn một nửa, nhiều mẫu bánh có hình dáng khá bắt mắt, phù hợp để tặng quà biếu dịp tết. 

Lĩnh vực chế biến thực phẩm cũng được các DN ráo riết đầu tư, để có sản phẩm mới tung ra thị trường. Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc kinh doanh nội địa Cty Saigon Food - cho biết: “Năm nay, ngoài việc đầu tư nâng chất lượng các sản phẩm đã có như các loại lẩu tết, cá khô, mực tẩm các loại, tôm lăn bột... Cty đưa ra thị trường thêm sản phẩm cháo bổ dưỡng hạt sen, cá hồi, tôm và rong biển”. Song song đó, ông Phan Văn Dũng - Trưởng phòng kinh doanh Cty kỹ nghệ súc sản Vissan - cũng cho biết, hiện Vissan đã chuẩn bị nguồn hàng phong phú để tung ra thị trường dịp tết với một số sản phẩm đặc sắc cho ngày tết như lạp xưởng tôm, giò lụa đặc biệt, xúc xích Đức, xúc xích phômai...

Các hợp tác xã, nhà vườn năm nay cũng tích cực làm công tác quảng bá, xúc tiến thương mại bên cạnh việc nghiên cứu sản phẩm. Chủ cơ sở bưởi Thanh Huy (Hậu Giang) chia sẻ: “Mùa tết này, chúng tôi sản xuất và cung cấp các loại bưởi hồ lô, dưa hấu hồ lô, bưởi năm roi chất lượng cao. Để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, năm nay chúng tôi đã tham gia các chương trình kết nối với nhà phân phối”. 

Hàng nội chiếm lĩnh thị trường

Theo ông Nguyễn Chí Nguyện - Tổng Thư ký Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM - hiện DN nội có nhiều ưu thế trên thị trường: Hiểu biết về khẩu vị, nhu cầu tiêu thụ, văn hóa tiêu dùng trong từng thời điểm khác nhau của người Việt. Đây là một thuận lợi để khai thác tiềm năng của thị trường. Có lẽ cũng chính vì thế mà gần đây, tỉ lệ bánh kẹo, thực phẩm chế biến, trái cây sản xuất trong nước bày bán ngày càng tăng lên trên thị trường. Một số thương hiệu trong nước đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường, được nhiều NTD lựa chọn làm quà tết. 

Không những vậy, năm nay các siêu thị trên địa bàn TPHCM còn đánh giá rất cao và dành nhiều ưu ái cho hàng nội. Theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó TGĐ Saigon Co.op - năm nay các DN trong nước đầu tư kỹ lưỡng hơn về chủng loại phong phú, bao bì, mẫu mã thiết kế đẹp. Thế nên, các giỏ quà tết của siêu thị đã ưu tiên sử dụng sản phẩm của các DN nội. Đặc biệt là năm nay có chương trình “Giỏ quà tết thuần Việt”. 

Để đáp ứng nhu cầu tết của người dân Hà Nội, bên cạnh việc triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa nhằm không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng tết, giá cả bị đẩy lên cao... Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung bán hàng thiết yếu tại hơn 700 điểm bán hàng bình ổn giá cùng hơn 1.500 đại lý, cửa hàng, bếp ăn công nghiệp và hơn 200 chuyến bán hàng lưu động phục vụ vùng ngoại thành, các khu công nghiệp... 

Tại thời điểm này, một số siêu thị như Fivimart, Big C, Metro... đã rục rịch tung bán các hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thủy hải sản, rau củ tươi... TCty Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội dự kiến khoảng 50 triệu lít bia và 10 triệu chai rượu cho tết. Theo Sở Công Thương Hà Nội, tổng lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố phục vụ thị trường trong nước trong những tháng tết trị giá khoảng 6.000 tỉ đồng, đáp ứng khoảng 20-25% lượng nhu cầu tiêu dùng tăng thêm dịp Tết. Trong đó, nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa nội địa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỉ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). 

Bình Dương: Đưa 100 mặt hàng bình ổn tết bán cho công nhân

Ngày 3.1, ông Võ Văn Cư - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết, năm nay sở đã triển khai niêm yết trên 100 mặt hàng tham gia bình ổn thị trường tết 2013 gồm 5 nhóm hàng chính: Lương thực; thực phẩm tươi sống; các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm công nghệ và một số mặt hàng khác. Giá bán bình ổn được xác định trên cơ sở giá đăng ký của các doanh nghiệp giảm 10% so với thị trường tại thời điểm hiện hành. 

Các điểm bán hàng bình ổn tập trung ở các siêu thị trung tâm thành phố Thủ Dầu Một và các huyện, thị. Bên cạnh đó, chương trình còn tổ chức 82 điểm bán hàng lưu động phục vụ cho các vùng nông thôn và các khu, cụm công nghiệp, nhất là công nhân, nhân dân lao động.

Đến nay, Bình Dương đã thực hiện dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Quý Tỵ năm 2013 với tổng giá trị lên đến trên 504 tỉ đồng.