Bài báo cho biết, đàn ông ở thị trấn Linqi rất thích phụ nữ Việt Nam. Trong 6 năm qua, đã có 23 người phụ nữ Việt Nam lấy chồng là nông dân Trung Quốc ở thị trấn Linqi. Theo báo Henan Business News, các nàng dâu này ngoan, dễ hoà nhập với cuộc sống và tìm được nhiều bạn.
Năm 2007, Wu Zhenghai là người đàn ông đầu tiên của thị trấn này rước một cô vợ Việt về nhà, sau khi cùng nhiều người đàn ông khác qua Việt Nam làm việc và kiếm vợ. Liu Weihua, 35 tuổi, cho biết, ông ta quen chị bạn tại một công trình xây dựng tại Việt Nam hồi 2010, và người chị này đã giới thiệu em gái cho ông ta hồi năm 2011.
Ông nói lương công nhân xây dựng ở Việt Nam một năm khoảng 50.000 tệ (hơn 170 triệu đồng), nên đàn ông Linqi dễ tìm phụ nữ để cưới làm vợ và rước về Trung Quốc vì chỉ tốn khoảng 30.000 tệ ( trên 100 triệu đồng) trong khi cưới một phụ nữ Trung Quốc tốn ít nhất 100.000 tệ (khoảng 330 triệu đồng) cho khoản mở tiệc cưới và quà cáp.
Trong những năm gần đây có phong trào đàn ông Trung Quốc muốn tìm vợ Việt Nam, vì họ cho rằng lấy vợ Việt ít tốn tiền hơn lấy vợ Trung Quốc, và phụ nữ Việt Nam chăm lao động, có khả năng duy trì quan hệ gia đình tốt. Vì thế, chuyện lấy vợ theo đơn đặt hàng đang bùng rộ ở Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu này. Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (một phụ san của báo Nhân dân Trung Quốc) đàn ông Trung Quốc đang “bám vào viễn cảnh tìm được một cô vợ giá rẻ từ những cuộc mua vợ tập thể”.
Ở các vụ mua vợ tập thể này, một đàn ông Trung Quốc chỉ cần 30.000 - 40.000 tệ là có được một cô vợ người Việt xinh đẹp trong độ tuổi từ 18 đến 25, thông qua một trang mạng yn...4.com, một công ty môi giới hôn nhân ở Côn Minh, vốn thường rao quảng cáo trên mạng internet. Họ tổ chức các tour du lịch Việt Nam cho nam giới độc thân Trung Quốc và thu xếp các cuộc gặp mặt các cô gái Việt cho các ông này chọn lựa theo một danh mục người bạn đời lý tưởng.
Chi phí cho tour này gồm tiền du lịch, dịch vụ phiên dịch, quà tặng gia đình cô gái và tiền làm đám cưới. Nếu cuộc hẹn hò thất bại hoặc ông khách chưa hài lòng về người phụ nữ họ chọn, khách chỉ trả số tiền 2000 tệ cho chuyến tour. Công ty này cũng phải chịu trách nhiệm tìm cô dâu mới cho khách nếu cô dâu đầu bỏ trốn ngay sau đám cưới, theo báo Tin tức buổi tối thành phố mùa xuân.
Trang mạng yn...4.com ngày 19.5 ra tuyên bố khẳng định tính hợp pháp của công ty, và khẳng định họ không hề tổ chức mua vợ tập thể vì đó là hoạt động không chính đáng. Một nhân viên có tên họ là Hu nói với Thời báo Hoàn cầu: "Chúng tôi giới thiệu khách Trung Quốc đi tour tập thể ở Việt Nam để tổ chức các cuộc tìm bạn chứ không mua vợ tập thể".
Hu còn khoe 80% khách của công ty này đa số là nông dân nhưng giàu trí tưởng tượng rằng phụ nữ Việt dịu dàng và gợi cảm, và các công ty môi giới hôn nhân Trung Quốc đều chú trọng phần quảng cáo: các cô dâu tương lai đều trẻ đẹp, giỏi nội trợ và nhất là còn còn trinh.
Theo tờ bướm quảng cáo của mạng lưới vợ Việt ASEAN thì "hàng bán" trong độ tuổi 18 đến 25, dáng người thon thả và đẹp, da trắng như nàng Bạch Tuyết, đều còn trinh. Họ còn rao "hàng" hội đủ các phẩm hạnh phụ nữ, sẽ là vợ hiền dâu thảo, chung thủy mà sự trinh tiết là biểu tượng mạnh mẽ của giá trị truyền thống xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử, trong khi khả năng nội trợ cũng là yếu tố bán được hàng: sự nhiệt tâm hầu hạ chồng và gia đình chồng được xem là nền tảng cho một cuộc hôn nhân Việt - Trung.
Theo một chuyên viên từng đến thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các cô dâu Việt đến Trung Quốc tổ chức di trú quốc tế (IOM), một người quen của ông cho xem ảnh người ấy chụp ở quận 5, thành phố Hồ Chí Minh: một bức áp phích của một công ty môi giới hôn nhân có dòng chữ: “Em này còn trinh, sẽ là của bạn trong chỉ 3 tháng, miễn trả giá. Nếu em trốn trong năm đầu tiên, bảo đảm sẽ có nguồn thay thế”.
Chuyên viên này ghi nhận từ giữa thập niên 1990 đã tăng nhanh số phụ nữ Việt Nam lấy chồng là người vùng Đông Á và Đông Nam Á. Họ tập trung hàng trăm người ở các khách sạn quanh thành phố Hồ Chí Minh chịu sự chăn dắt của bọn cò và hằng ngày cho một anh trai nào đó đến chọn họ làm vợ và đem họ qua Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, và Trung Quốc. Bọn cò chỉ chăm chăm tìm lợi nhuận chứ chẳng hề lo cho hạnh phúc của các cô gái Việt. Giá thị trường của một cô gái vào khoảng 5.000 USD.
Trai nghèo hóa phú ông
Theo chuyên gia Shen Yifel của trung tâm nghiên cứu phát triển và giới tính thuộc đại học Fudan (Thượng Hải), thực chất đó là những cuộc mua vợ để đàn ông thỏa mãn tình dục và có con. Vì thế, “giá trị của một phụ nữ chỉ là một món đồ chơi tình dục và là mẹ của những đứa con của các ông ấy”.
Các công ty môi giới hôn nhân thường có khóa học tiếng Trưng Quốc trong 3 tháng cho các nàng dâu Việt tương lai, và quảng cáo chồng của họ là dân tỉnh, dân thành thị đang ăn nên làm ra. Nhưng theo Shen, việc mua vợ Việt Nam chẳng khác việc đàn ông ở các thành phố phát triển ở miền đông Trung Quốc mua vợ ở vùng nông thôn miền tây nước này: "Đàn ông luôn mua vợ ở các vùng nghèo. Hoạt động này chỉ nâng tầm từ mua bán trong nước lên tầm mua bán quốc tế".
Theo Shen, việc mua vợ Việt thường diễn ra ở vùng biên giới Việt Trung, người mua trong độ tuổi 30 đến 40, nghèo và không có địa vị cao trong xã hội Trung Quốc. Họ chẳng thể cưới vợ Trung Quốc và còn vì ngày càng có nhiều phụ nữ bỏ quê ra tỉnh làm việc và hy vọng đổi đời ở thành phố. Họ sẵn sàng chấp nhận sự bất đồng ngôn ngữ của người vợ Việt, vì đã hoàn toàn hết cửa lấy vợ Trung Quốc: “Mục đích chính của họ khi lấy vợ là chỉ để thỏa mãn tình dục và có con”.
Chính sách mỗi gia đình chỉ nên có một con của chính quyền Trung Quốc cũng làm mất cân bằng giới tính, khiến hàng triệu nam giới bị lâm cảnh không lấy được vợ. Shen nói đó không chỉ là vấn đề giới tính mà còn vì cái nghèo: “Sự cách biệt giàu nghèo khiến trai tráng vùng nông thôn khó có vợ”.
Shen nói nếp nghĩ truyền thống đã đẩy trai nghèo ở các vùng hẻo lánh vào cảnh phải tìm vợ để có gia đình: “Lấy vợ không chỉ là vấn nạn của riêng họ, chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương nên tạo cơ hội cho họ tìm vợ, lập gia đình”. Các cô dâu Việt cũng là nạn nhân, bị phụ nữ Trung Quốc gọi là con điếm hoặc con đào mỏ. Trong nhiều trường hợp, quà tặng (tiền) thuộc về gia đình cô dâu và công ty môi giới, cô dâu chẳng được hưởng gì nhiều, bất kể chồng cô giàu hay nghèo.
Các công ty môi giới cũng thường vạch trần yếu điểm của các món hàng: gia đình nghèo khó nhưng bao dung, biết làm vui lòng người khác, để các khách cảm thấy thương cảm và muốn bảo vệ các cô bé lọ lem này. Các cô đều hy vọng cuộc hôn nhân sẽ giúp họ đổi đời, nhưng thực tế gần như là ngược lại.
Khe hở pháp lý
Tính pháp lý của cô dâu theo đơn đặt hàng đã được đặt ra tại Trung Quốc từ khi dịch vụ mua vợ Việt bùng nổ. Về lý thuyết, luật cấm các công ty môi giới hôn nhân quốc tế ở Trung Quốc không được phép tìm nguồn vợ từ nước khác, các cá nhân không thể nhảy vào lĩnh vực mai mối quốc tế để kiếm lời. Các công ty vi phạm cá quy định này có thể bị công an, chính quyền dân sự và các đơn vị thương mại đóng cửa, nhưng thực tế thì luật không có mức phạt cụ thể.
Các công ty môi giới mua vợ này nở rộ ở Trung Quốc để đắp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đều khai thác kẽ hở này. Từ đó, các chuyên gia kêu gọi phải điều chỉnh để có thể giám sát kỹ hoạt động mua vợ này. Yang Xiaolin, luật sư về mảng hôn nhân quốc tế của công ty luật Yuecheng ở Bắc Kinh, nói: “Luật tạo ra cơ hội cho các công ty ấy làm ăn phi pháp để thu lợi nhuận, dưới vỏ bọc là công ty tư vấn có đăng ký hoạt động hợp pháp”.
Qi Huan, nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Viện khoa học xã hội Côn Minh, nói các công ty tìm vợ theo đơn đặt hàng đã hoạt động ở Trung Quốc từ hàng chục năm nay cho biết nhiều cô dâu Việt lấy chồng người Quảng Tây, Côn Minh, Tây Giang và Phúc Kiến. Nhưng không hẳn tất cả cuộc hôn nhân vợ Việt chồng Trung Quốc đều hạnh phúc, và một số cô dâu bỏ trốn trước khi về nhà chồng.
Một nhân viên sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh đề nghị giấu tên nói rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam và Trung Quốc đã cùng truy quét các cuộc buôn người và môi giới hôn nhân trái phép. Nhân viên này nói: “Chúng tôi biết các công ty môi giới là phi pháp ở Trung Quốc và họ không có mối quan hệ nào với chính quyền Việt Nam”.
Theo Hao Pengfel, chủ nhiệm uỷ ban Hôn nhân và gia đình thuộc Bộ dân sự Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc lẳng lặng công nhận các công ty môi giới hôn nhân quốc tế phi pháp, vì có quá nhiều công ty nên không thể kiểm soát. Hao nói: “các công ty này rất láu cá, lừa được các cán bộ đăng kí hôn thú khiến họ tin rằng đó là các cặp tự nguyện trở thành vợ chồng, dù thực sự không phải thế”.
Theo Liu Guofu, chuyên gia về luật nhập cư thuộc viện công nghệ Bắc Kinh, nói chính phủ Trung Quốc nên thoáng hơn, cho phép các cặp quốc tế làm đám cưới hợp pháp, không xét chuyện cuộc hôn nhân của họ là do một công ty môi giới: “Sẽ tốt hơn nếu các công ty môi giới quốc tế được chính phủ chấp thuận và được quản lý theo luật. Điều này sẽ dễ hơn cho chính phủ quản lý thay vì sử dụng biện pháp trấn an”.