Hơn 37 năm ngồi bán nước ở góc đường nhộn nhịp Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo, bà Trần Thị Định (87 tuổi) được nhiều người dân và du khách nước ngoài ở đây gọi thân mật với cái tên bà Ba bán nước.


Kể lại cái duyên gắn bó với quán vỉa hè này, bà cười móm mém cho biết: ngày trước giải phóng, bà đi phụ việc trong tiệm làm đẹp cho các quý bà người nước ngoài. Cũng nhờ công việc đó, bà Ba có cơ hội tiếp xúc và học hỏi được nhiều ngoại ngữ khác nhau. Sau giải phóng, bà chuyển sang nghề bán nước vỉa hè để kiếm sống. Với vốn ngôn ngữ nước ngoài học được, bà tự tin mời khách nước ngoài ghé quán và có thể giao tiếp đơn giản với khách du lịch nước ngoài một cách rất tự nhiên, điều mà ít ai nghĩ một bà cụ U90 có thể làm được.
 
Bà Ba gắn bó với công việc bán nước vỉa hè đã 37 năm.
 
Không chỉ chịu thương chịu khó, cởi mở, bà Ba còn rành ngoại ngữ nên được nhiều du khách nước ngoài yêu mến.
 
Bà Ba cho biết, chồng bà mất cách đây đã 3 năm. Bà có nhà bên đường Tôn Thất Thuyết (quận 4), các con bà đều có công việc ổn định. Tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn muốn đi làm kiếm tiền, không muốn phụ thuộc các con. “Con tui bảo ở nhà nhưng tui muốn đi làm, ở nhà buồn chết mất. Tui nói, con không cho mẹ đi bán, ở nhà mẹ nằm lên nằm xuống rồi mẹ bệnh con có chịu không, vậy là tụi nó mới chịu đó. Tui ra đây bán hàng lời nhiều ăn nhiều, lời ít ăn ít, kiếm được vài chục ngàn là vui rồi. Bán ở đây từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều là con tui ra đón về à”, bà Ba cười nói.

Ngồi ở đây đã ngót nghét 37 năm, bà Ba cũng có nhiều kỉ niệm gắn bó với Sài Gòn. Bà nói, ngày xưa ở đây chưa có cái nhà cao kia đâu (khách sạn New World), ngày xưa đường phố yên tĩnh lắm, người ta đi xe đạp, xích lô chứ không nhiều xe cộ như bây giờ. Đôi khi, vừa ngồi bán nước, bà Ba vừa trầm tư nhớ lại những kỉ niệm với Sài Gòn xưa.
 
Bà tỉ mỉ lau những chiếc ly sạch bóng trước khi đem ra cho khách.
 
Những lúc rảnh rỗi bà thường kể lại những câu chuyện ngày xưa cho khách nghe.
 
Trong kí ức, bà vẫn nhớ như in những ngày đầu đi bán nước. Bà nói, ngày ấy bà chọn góc đường này vì bà thích không gian tĩnh lặng và có nhiều khách nước ngoài. Những ngày đầu đi bán thường xuyên gặp những thanh niên quậy phá, nghiện ngập nhưng bà không sợ. “Thấy mấy đứa ngồi luôn cả hai chân lên ghế, tui gằn giọng nói liền. Tui bảo tụi nó bỏ chân xuống, không bỏ thuốc lên bàn nghen, cháy bàn, gãy ghế là coi chừng tao à nghen, vậy mà tụi nó cũng sợ tui lắm, tụi nó toàn kêu tui bằng má không đó nha”, bà hóm hỉnh nói.

Với những thanh niên hư hỏng đến quán, bà Ba không ghét bỏ họ mà ngược lại bà còn đối xử rất tốt. Những lúc thấy họ buồn chán bà nhẹ nhàng đến trò chuyện, khuyên bảo họ sống tốt hơn. Nhiều thanh niên trong số này, qua thời gian, trở thành khách quen của quán bà.
 
Vừa lo bán nước vừa trò chuyện cùng khách.
 
Lưng đã còng nhưng bước chân bà Ba vẫn rất nhanh nhẹn.
 
Bà dọn dẹp bàn ghế sạch sẽ để đón những vị khách mới.

Thấy có khách Tây đi ngang quán, bà nhanh nhẹn đứng dậy hỏi thăm bằng một câu tiếng Anh: “How are you?” (bạn có khỏe không?), sau đó mời họ vào quán uống nước. Đôi tay nhăn nhúm của bà nhẹ nhàng kéo ghế mời khách rồi bà vào quầy, dùng khăn lau từng chiếc ly sạch bóng, bà nói: “Bán nước phải sạch sẽ, thơm tho mới đông khách được. Ngày xưa tui làm cho mấy bà nước ngoài tui biết mà”.

Khi khách hỏi đi đến đường Trần Hưng Đạo bà nhanh nhẹn trả lời: “Turn left” (rẽ trái), khách hỏi đường qua chợ Bến Thành bà chỉ ngay: “Ben Thanh market over there” (Chợ Bến Thành ở đằng kia). Thấy bà nhiệt tình, cởi mở, nhiều khách Tây không ngần ngại ghé lại mua ủng hộ bà chai nước, cái kẹo.

Thấy chúng tôi tỏ vẻ tò mò, bà nói tiếp: “I love you” (tôi yêu bạn), “Je t'aime” (tôi yêu bạn).

Bà cười lớn: “Tui chỉ biết rành tiếng Pháp, Trung với tiếng Khmer thôi còn tiếng Anh tui biết ít à, cứ chỉ đường, chào hỏi riết cũng quen”. Bà Ba hào hứng: “Để tui nói tiếng Tàu, tiếng Pháp và tiếng Khmer cho nghe, tui nói được hết á”.
 
Tấm lưng còng hàng ngày vẫn miệt mài với công việc nơi vỉa hè Sài Gòn.

Mỗi lượt khách ra về bà đều cởi mở mời lần sau nhớ ghé quán bà. Anh John (quốc tịch Mỹ) chia sẻ: “She's so jovial (bà ấy vui tính), beautiful (xinh đẹp)”. Nghe khách nói bà cười lớn nói: “Ổng khen tui vui tính, đẹp lão đó mà”.

Bà Ba tuy tuổi đã cao nhưng bà vẫn yêu công việc hằng ngày của mình. Dù những ngày nắng hay mưa bà cũng đều đặn đẩy xe ra góc đường thân quen. Bà cười nói: “Chỉ có hôm bữa mổ mắt là tui nghỉ đúng 3 ngày thôi, từ khi bán tới giờ là nghỉ có 3 ngày đó thôi”. Ở góc đường, bà Ba vẫn miệt mài và vui thích với công việc bán nước của mình, và những người có dịp gặp bà, nói chuyện với bà như cũng "vui lây" niềm yêu đời, yêu cuộc sống của bà.