Nói đến Tứ đại mỹ nữ của Trung Quốc cổ đại, chắc hẳn ai ai cũng biết. Tây Thi yểu điệu thục nữ, Vương Chiêu Quân nghiêng nước nghiêng thành, Điêu Thuyền rung động lòng người, Dương Quý phi đẹp “hoa cười nguyệt thẹn”.
Song Tứ đại mỹ nam lại không được biết nhiều đến thế. Trong đó, Vệ Giới là một mỹ nam đại tài nhưng cuối cùng chết đi cũng bởi vì nhan sắc trời ban.
“Thiên cổ mỹ nam” - Vệ Giới
Vệ Giới (286 - 20/6/312), tự Thúc Bảo, người An Ấp Hà Đông (nay là huyện Hạ, Sơn Tây, Trung Quốc). Ông là nhà huyền học, danh sĩ diễn thuyết nổi tiếng và quan viên nhà Tấn.
Vệ Giới xuất thân trong gia đình có truyền thống làm quan.
Ông nội Vệ Quán, làm chức thái úy thời Tấn Huệ đế. Cha Vệ Hằng giữ chức vị thượng thư trong triều đình, cũng là nhà thư pháp nổi tiếng.
Vệ Giới từ nhỏ đã được yêu thích bởi ngoại hình dễ thương và tính cách ngoan hiền, lúc 5 tuổi đã có sự khác biệt. Ông nội Vệ Quán nói Vệ Giới không giống người thường, chỉ tiếc là ông đã lớn tuổi, không còn cơ hội nhìn thấy cháu trưởng thành.
Phiêu kỵ tướng quân Vương Tế là cậu của Vệ Giới, người được đánh giá anh tuấn hào sảng, phong thái đĩnh đạc. Thế nhưng mỗi lần nhìn thấy Vệ Giới, liền thở dài tự cảm thấy ngoại hình xấu xí, không bằng cả đứa cháu của mình.
Trưởng thành, Vệ Giới bắt đầu tìm hiểu về lý thuyết huyền học. Vì bệnh tật triền miên, mẹ của ông là Vương thị thường không cho phép ông nói nhiều. Song những lời ông nói ra đều chứa đựng sự tinh túy và học thức sâu rộng, nhận được sự tán thưởng không ngớt của người xung quanh.
Vương Trừng, thứ sử Kinh Châu, là người có danh vọng, rất ít khi tôn sùng tiến cử người khác, mỗi khi nghe lời diễn thuyết của Vệ Giới, luôn tấm tắc khen ngợi.
Vương Trừng, Vương Huyền, Vương Tế, ba anh em nhà họ Vương có danh tiếng lúc bấy giờ nhưng đều xếp sau Vệ Giới. Do đó người đời có câu: "Ba con trai nhà họ Vương không bằng một đứa nhà họ Vệ".
Mỹ nam chết trẻ
Trong “Vệ Giới truyện” có nói, Vệ Giới ở thời niên thiếu rất thích cưỡi xe dê ra phố, ai nhìn thấy cũng nghĩ ông là ngọc nhân (ý chỉ người có dung mạo và khí chất phi phàm), đồng loạt ngoảnh đầu dõi theo.
Lớn lên, Vệ Giới rất giỏi giảng giải đạo lý huyền học, ai cũng thích nghe ông nói chuyện.
Nhưng bản thân ông từ nhỏ đã yếu ớt, mẹ không cho ông nói chuyện với người ta, chỉ có thể đàm đạo vài ba câu với bạn bè thân thiết trong vài ngày đặc biệt. Ai nghe cũng thích thú, thỏa mãn.
Về sau, triều đình nhiều lần ra lệnh chiêu mộ Vệ Giới vào triều làm quan nhưng ông nhất quyết từ chối. Thật lâu sau, ông mới miễn cưỡng đảm nhiệm thái phó phò tá Thái tử.
Năm Vĩnh Gia thứ tư (310), chiến loạn ở Trung Nguyên dần nổi lên, Vệ Giới thấy thiên hạ đại loạn nên quyết định Nam tiến. Sau đó, Vệ Giới cùng mẹ chuyển đến Giang Hạ (nay là Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc).
Trong “Vệ Giới truyện” có giới thiệu, vợ của Vệ Giới là Nhạc thị qua đời rất sớm. Chinh Nam tướng quân Sơn Giản rất coi trọng Vệ Giới nên đã gả con gái cho ông.
Sơn Giản nói: “Nhà có con gái chỉ gả cho người tài, bất kể giàu hay nghèo, huống hồ chi Vệ Giới xuất thân danh môn”.
Vệ Giới quả thật là người có tài năng xuất chúng, chỉ tiếc là cả đời bệnh tật, sau vì bệnh càng thêm nặng nên đã chết trẻ. Năm Vĩnh Gia thứ 6 (năm 312), Vệ Giới qua đời, lúc này chỉ mới 27 tuổi. Nhiều người đều nói ông chết vì bị nhìn quá nhiều, âu cũng là do nhan sắc quá mức động lòng người.
Cái chết xoay quanh điển tích “Khan sát Vệ Giới”
Thời kỳ Ngụy Tấn rất sùng bái danh sĩ phong lưu, do đó tiếng tăm của Vệ Giới ngày càng vang xa. Thế là nhiều người lũ lượt đến chào hỏi kết thân và nghe đàm đạo. Người đã đến thì không thể không chào đón. Thế là Vệ Giới phải tiếp chuyện hết người này đến người khác, thân thể hao mòn.
Lúc ấy, nhiều người nói Vệ Giới chết vì bị nhìn quá nhiều. Đây chính là điển tích thành ngữ "Khan sát Vệ Giới" (tạm dịch: Cái nhìn giết chết Vệ Giới; có tư liệu gọi là "Khán sát Vệ Giới").
Tuy nhiên, nguyên nhân cái chết này không có đầy đủ cơ sở.
Được biết, Vệ Giới rất thích đọc sách, mỗi ngày dành rất nhiều thời gian vùi đầu vào câu chữ. Cơ thể yếu ớt đương nhiên không thể chịu đựng được cường độ này, thế là thân thể đã yếu lại càng yếu hơn.
Còn một sự kiện khác xảy ra khi Vệ Giới đi tránh loạn, đến bái kiến Đại tướng quân Vương Đôn.
Vương Đôn dẫn Vệ Giới gặp danh sĩ Tạ Côn. Nghe nói, Tạ Côn và Vệ Giới vừa gặp mà như đã quen từ lâu. Thế là hai danh sĩ nói chuyện thâu đêm suốt sáng về lý luận huyền học, không màng đến cơ thể mỏi mệt bạc nhược. Do đó, bệnh tình của Vệ Giới lại càng nghiêm trọng hơn.
Khi Vệ Giới từ Dự Chương đến kinh đô, mọi người đã sớm biết đến thanh danh của ông, người vây xem để chiêm ngưỡng dung nhan của ông dày đặc đến ngạt thở. Vệ Giới vốn bệnh tật suy yếu, thân thể chịu không nổi mệt nhọc, cuối cùng sinh bệnh nặng mà chết.
Trong “Tấn thư - Vệ Giới truyện” ghi chép: “Người kinh thành biết đến danh tiếng dung mạo của Vệ Giới nên kéo đến xem. Vệ Giới mệt mỏi cực độ, qua đời ở năm Vĩnh Gia thứ 6 khi mới 27 tuổi. Người bấy giờ cho rằng Vệ Giới chết vì bị người ta nhìn”.
“Hồng nhan bạc mệnh, lam nhan cũng không ngoại lệ” (‘hồng nhan’ chỉ nữ giới, ‘lam nhan’ chỉ nam giới).
Vệ Giới tuy rằng từ nhỏ thân thể yếu ớt nhiều bệnh, nhưng sau khi lớn lên vẫn trở thành một vị công tử nhã nhặn xuất chúng. Ông không theo đuổi công danh lợi lộc, chỉ muốn mưu cầu tri thức học thuật, đạt được nhiều thành công trong huyền học.
Vệ Giới là một danh sĩ rất được sùng bái trong thời kỳ Ngụy Tấn, cuộc đời ngắn ngủi nhưng rạng rỡ muôn phần.