Chùm nho treo lủng lẳng trên ngực các chị, anh nào ăn đến trái cuối cùng nhanh nhất thì thắng.
Cho bia vào bình sữa trẻ con, các chị kẹp vào nách, các anh lao tới mút chồm chộp, ai mút nhanh, cạn bình trước thì thắng. Gọi là trò "bú bia".
Ngậm cây bút vào miệng, nam nữ đứng xen kẽ rồi chuyền nhau bằng đường miệng, đội nào đưa bút đến đích trước thì thắng.
Rồi bịt mắt người nữ, nam bóc chuối cho nữ ăn. Ai nhồm nhoàm nhai nhanh, không e ngại, ăn hết được chuối thì thắng.
Kinh nhất là trò dùng sức ép làm nổ bóng bay. Chị đứng trước, anh đặt quả bóng vào bụng chị, 2 người cùng ép cho bóng nổ. Cặp nào ép giỏi, nổ được nhiều bong bóng thì thắng. Hay trò anh nam hì hục thúc vào cái bơm để giữa người nam và nữ để bơm bóng bay. Hai bên nhồi nhau như phim kinh dị.
Nhễ nhại mồ hôi mồ kê, tóc tai xơ xác áo quần xộc xệch. Cái máu thắng thua nổi lên, trộn với tiếng reo hò, khích bác ầm ĩ xung quanh, chẳng ai còn quan tâm đến sắc vóc, tư thế hay quần áo của mình. Chơi là chơi. Hết mình.
Team - building, hoạt động thể hiện văn hóa, màu cờ sắc áo và độ "dám chơi dám chịu" của các công ty. Vứt bỏ hết công việc, các dự án, các deadline, chỉ còn các đồng nghiệp cùng vui chơi, thi thố, thể hiện tinh thần đồng đội, kích thích sự tin tin của mọi người, lôi cả những bạn điềm đạm, ít nói vào cuộc chơi tập thể.
Ý nghĩa của các hoạt động tập thể hay thế cơ mà!
Chỉ có điều, ý nghĩa hay ho ấy không nhất thiết phải thể hiện trong những trò chơi nhạy cảm giữa nam và nữ như trên. Hài hước, chịu chơi, lôi kéo mọi người vào cuộc, bất kể đôi người xấu hổ ngại ngùng, và khi trò chơi lên cao trào, cái người ta nhìn thấy lại không phải là tinh thần đồng đội mà trở thành một màn "biểu diễn tập thể" vô duyên và xấu xí kinh khủng.
Chuyện nghe kể lại, có chị kia theo chồng đi tham gia team - building ở 1 công ty truyền thông công nghệ lớn. Đến lúc chơi trò chơi, chị đứng chết trân vì xấu hổ khi phải thưởng lãm hình ảnh chồng mình tham gia một trò chơi cọ xát nhạy cảm với một đồng nghiệp nữ khác. Xung quanh thì bao nhiêu người hô hào cổ vũ, chỉ có anh chồng, chị vợ và cô đồng nghiệp ai nấy mặt đỏ tía tai, vì đã vào cuộc chơi nên không có đường lùi. Chơi xong, anh chồng thắng cuộc, chị vợ bực tức bỏ về phòng, bảo luôn với mọi người là "không thể chấp nhận kiểu vui chơi bệnh hoạn đấy".
Lại có vụ, ở 1 công ty nọ chơi trò "đếm là ôm". Cứ đếm 2 thì 2 người chạy đến ôm nhau, 3 thì 3 người phải ôm nhau, ai đứng dư ra ngoài không tìm được đồng đội thì bị phạt. Luật chơi lại bắt trong nhóm 2 hay 3 hay 4 người phải có ít nhất 1 nữ. Khổ nỗi đây lại là công ty xây dựng, nam nhiều, nữ ít. Các anh lại rất dạn dĩ, ỷ đông nên hay 'hiếp đáp" và "lợi dụng" các cô. Quản trò cứ đếm số là a lô xô các anh đồng loạt chạy đến giành giật các em gái. Không nương tay và thể hiện đúng tinh thần "không để đội bạn cướp mất", anh nào đã ôm thì ôm như thể ôm vàng. Đến hết cuộc chơi thì các đồng nghiệp nữ cô nào cũng tơi tả xác cơ đầu tóc. Thậm chí có cô còn đứt cả dây áo.
Vui thì hẳn là vui rồi, nhưng vui kiểu này chắc chị em trốn biệt, không dám tham gia lần 2.
Mỗi người có một góc nhìn và quan điểm khác nhau. Có người dễ tính xuề xòa thì "uh thôi, chỉ là chơi đùa tý thôi mà". Nhưng cũng sẽ có người bực bội thực sự: "Đừng lấy lý do nghe có vẻ to tát kia để che giấu một mục đích bẩn bẩn nào khác của các anh giai!".
Trò chơi tập thể, kích thích tinh thần đồng đội thì nhiều vô kể. Cơ mà để gây cười, thu hút mọi người, các trò nhạy cảm, động chạm đến các vị trí "hiểm yếu" trên cơ thể, hoặc tạo tình huống bắt nam nữ phải cọ xát, sờ soạng lại có vẻ được ưa chuộng bởi nó gây tò mò, gây cười và thể hiện được tính chịu chơi. Trò chơi càng khó càng thể hiện độ chịu chơi cao ngất. Cũng bởi lý giải đó, không ít người đã nêu ý kiến đồng thuận với các loại trò chơi kiểu này: Vui vẻ thôi mà, chỉ là giây phút ngoài công việc, giúp anh em hiểu nhau thêm, người trầm lặng thì tự tin hơn, kết nối tinh thần đồng đội.
Vâng, nói thế không hẳn là không có lý. Nhưng có cách nào để thể hiện tinh thần đồng đội 1 cách văn minh và lành mạnh hơn không, hay chỉ có cách bú bia, ăn nho trên ngực đồng nghiệp nữ mới đủ chất, đủ tầm.
Thôi thì cứ team building, cứ vui chơi nhảy múa, hả hê với chiến thắng. Hãy cứ tiếp tục nếu thực sự những trò chơi nhạy cảm thể hiện được đúng trí tuệ, thói quen, tinh thần, sở thích của nhân sự 1 công ty. Ai cười ai phê phán mặc kệ người ta. Chắc người ta chưa "thẩm thấu" được trí tuệ và tinh thần đồng đội đỉnh cao của các bạn mà thôi.