Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết, từ ngày 11/07/2020 đến ngày 15/8/2020, Bệnh viện sẽ tổ chức chương trình tầm soát miễn phí chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em.
Nhiều trẻ chậm tăng trưởng chiều cao
Đây là chương trình hỗ trợ cộng đồng thường niên của BV nhằm giúp phát hiện sớm và theo dõi các bất thường về tăng trưởng chiều cao ở trẻ em trước dậy thì, đặc biệt do thiếu hormone tăng trưởng (GH).
Từ đó giúp các bậc phụ huynh có hướng điều trị sớm cho con em mình, đồng thời giúp trẻ tự tin hơn trong cuộc sống sau này.
Tính đến nay, BV đã chẩn đoán và điều trị thành công cho hàng trăm trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH.
Điển hình là trường hợp của bé Dũng (15 tuổi, tên đã thay đổi).
Từ năm 4 tuổi, chiều cao bé tăng rất chậm (3-4 cm năm), luôn thấp nhất lớp. Bé có chỉ định điều trị GH và điều trị liên tục trong 6 năm. Thời điểm bắt đầu điều trị bé cao 113 cm, nặng 26 kg.
Khi bé 13 tuổi, bé xuất hiện dấu hiệu dậy thì và gia đình quyết định ngưng điều trị khi chiều cao đạt 155 cm, nằm trong mức trung bình so với tuổi (trung bình bé tăng 7-8 cm/ năm). Hiện tại sau dậy thì 1 năm, bé đã cao165 cm.
Hay như bé C.T. (12 tuổi) chỉ cao 126,5 cm, nặng 30 kg lúc 10 tuổi. Sau 2 năm điều trị, bé cao 148 cm, nặng 41 kg (cao thêm 21,5 cm/24 tháng), đã không còn bị bạn bè cười chê vì chiều cao quá thấp. Hiện tại, bé vẫn đang được bổ sung hormone tăng trưởng.
Theo bác sĩ Chiến, quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ được chia thành nhiều giai đoạn. Thông thường từ 4 tuổi trở đi, phụ huynh cần chú ý nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Nếu chiều cao của bé tăng chậm hơn 4-6 cm/năm hoặc chiều cao của bé luôn nằm gần đường cong thấp nhất so với độ tuổi (theo biểu đồ theo dõi chiều cao) nên cho bé thăm khám sớm để tìm nguyên nhân.
Cần điều trị trước tuổi dậy thì
Có nhiều yếu tố chi phối sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm: di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, GH…
Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng tỷ lệ thiếu GH chỉ chiếm khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
Khi thiếu GH, đặc biệt ở lứa tuổi thiếu nhi sẽ làm ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ. Trẻ thiếu GH sẽ có chiều cao thấp hơn so với tuổi (dưới 2-3 độ lệch chuẩn dựa trên biểu đồ tăng trưởng), tốc độ tăng trưởng chậm (dưới 1,5 SD trong 1 năm hoặc dưới 5 cm/năm).
Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế có thể khiến trẻ mặc cảm, tự ti.
Chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu GH thì cần được điều trị kịp thời vì qua tuổi dậy thì, không thể điều trị bổ sung hormone được nữa.
Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm săn vùng mặt giữa (tạo nên bộ mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam...
Ở người trưởng thành, nhu cầu GH không nhiều như ở trẻ em nhưng nếu thiếu GH do các bệnh lý liên quan đến tuyến yên có thể làm ảnh hưởng đến sức cơ, thể lực chung, rối loạn mỡ máu, đường máu…
Để việc điều trị bằng GH có hiệu quả, bệnh nhân cần lưu ý tuân thủ đúng và đầy đủ các hướng dẫn điều trị (thao tác tiêm thuốc, thời gian tiêm, liều lượng thuốc), tái khám định kỳ theo hướng dẫn để điều chỉnh thuốc theo đáp ứng tăng trưởng, đánh giá các tác dụng phụ phát sinh.
Ngoài ra, phụ huynh cần phối hợp cho trẻ có các vận động thể chất phù hợp, chế độ dinh dưỡng hợp lí, ngủ sớm và đủ giấc.
"Khám và điều trị cho bệnh nhân nhi chậm tăng trưởng do thiếu hormone tăng trưởng là một trong những thế mạnh tại khoa Nội tiết của BV.
Việc triển khai chương trình tầm soát miễn phí hằng năm cho trẻ cũng góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về căn bệnh tương đối khó nhận biết này trong cộng đồng" - bác sĩ Chiến nói.