Là phụ nữ, chúng ta thường có chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 4-7 ngày, có người ít hơn và có người thì nhiều hơn. Dù thế nào đi nữa, so với phái mạnh, mỗi tháng, chị em đều tự nhiên mất đi một chút máu. Đó là chưa kể chị em chúng ta phải trải qua mang thai - sinh nở. Quá trình này cũng khiến chị em phải mất đi đáng kể lượng máu. Đây chính là những lý do khiến chúng ta thường xuyên hoa mắt, chóng mặt… vì bị thiếu máu.
Đến ngày là một trong những lý do khiến chị em hoa mắt, chóng mặt.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, chế độ ăn uống bổ sung sắt cho người lớn là 8-27mg sắt mỗi ngày. Với đàn ông lớn tuổi, nhu cầu về sắt có giảm đi một chút, trong khi phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang có con bú lại có nhu cầu về sắt nhiều hơn.
Do đó, việc bổ sung sắt cho cơ thể phụ nữ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu chăm sóc sức khỏe. Để bổ sung sắt an toàn, tránh cơ thể bị thiếu máu, chị em đừng quên ăn những thực phẩm giàu sắt, nhất là vào giai đoạn trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Dưới đây là những thực phẩm giàu sắt cực tốt cho chị em phụ nữ đến ngày "đèn đỏ" không nên bỏ qua:
Nấm hương
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), nấm hương có vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tì, ích khí, dưỡng huyết, hòa huyết và tiêu đờm, giảm cholesterol máu, phòng ngừa sỏi thận và sỏi tiết niệu, trợ giúp tiêu hóa... Đây được coi là siêu thực phẩm dành cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt, người bị cao huyết áp, tiểu đường, trẻ em suy dinh dưỡng.
Do đó, chị em có thể sử dụng nấm hương thường xuyên vào những ngày trước và trong chu kỳ kinh nguyệt để bổ sung ngay lượng máu bị thiếu vào cơ thể. Một lượng nấm hương vừa đủ sẽ giúp hỗ trợ tốt cho việc tái tạo máu, đồng thời có tác dụng điều hòa khí huyết cực tốt.
Chị em có thể sử dụng nấm hương thường xuyên vào những ngày trước và trong chu kỳ kinh nguyệt để bổ sung ngay lượng máu bị thiếu vào cơ thể.
Táo tàu
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền), trong Đông y, táo tàu có tính ôn, vị ngọt, có công dụng bổ ích tỳ vị, dưỡng huyết an thần, đặc biệt có hiệu quả đối với những người tỳ vị suy nhược, ăn ít, phân loãng, mệt mỏi, không đủ khí huyết, tim đập nhanh.
Để chống thiếu máu cho chị em trong chu kỳ kinh nguyệt cũng như ngăn chặn hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu, vị lương y đưa ra bài thuốc sau:
Gạo nếp 50g, xích tiểu đậu 30g, sơn dược sống 30g, đại táo 20 quả, hạt sen 15g, bạch biển đậu 15g. Trước tiên cho xích tiểu đậu, bạch biển đậu vào nấu nhừ rồi cho đại táo, liên tử, gạo nếp vào cùng nấu, cuối cùng cho sơn dược đã bỏ vỏ, thái thành miếng nhỏ rồi cho vào trong nồi cháo, nấu đến khi chín là được, chia ra ăn làm 2 lần sáng tối.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, đây là bài thuốc vô cùng hữu ích với những người bị thiếu máu, có tác dụng bổ khí huyết. Chị em nên nấu ăn vào giai đoạn "đèn đỏ" xuất hiện nhiều sẽ giúp loại trừ suy nhược, mệt mỏi, giúp sắc khí da dẻ hồng hào.
Táo tàu là vị thuốc quý giúp ngăn chặn thiếu máu trong chu kỳ kinh nguyệt.
Thịt bò
Theo ThS.BS Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), thịt bò là thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng với lượng vitamin B6, B12, sắt, magne, kẽm, kali... dồi dào. Trong đó, sắt trong thịt bò rất có lợi cho sức khỏe vì giúp vận chuyển oxy tới cơ bắp thông qua các tế bào máu đỏ, đem lại cho cơ thể nguồn năng lượng tràn đầy. Sắt cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của gan, giúp gan làm việc hiệu quả hơn. Đồng thời, sắt trong thịt bò còn khống chế lượng đường trong máu, ngăn chặn đường trong máu tăng cao.
Theo chuyên gia, đây là thực phẩm không thể thiếu để bổ sung trước và trong chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, bạn cần nhớ không nên ăn nhiều thịt bò vào buổi tối để kiểm soát cân nặng, cũng không nên ăn nhiều và quá thường xuyên. Chưa hết, WHO cũng đưa ra khuyến cáo không nên ăn quá 7 lạng thịt đỏ mỗi tuần. Tốt nhất trước và trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em nên bổ sung 3-4 bữa thịt bò, mỗi lần không quá 100g.
Sắt trong thịt bò rất có lợi cho sức khỏe vì giúp vận chuyển oxy tới cơ bắp thông qua các tế bào máu đỏ, đem lại cho cơ thể nguồn năng lượng tràn đầy.
Các loại rau họ cải, rau lá xanh đậm nói chung
Ngoài thịt, thường đứng đầu danh sách thực phẩm chứa các loại chất sắt được khuyên dùng, có rất nhiều lựa chọn không phải thịt mà lại có hàm lượng sắt tương đương, thậm chí nhiều hơn cả thịt đỏ.
Theo Webmd, những loại rau lá xanh đậm như rau bina chứa cả một kho chất sắt mà bạn không nên bỏ qua. 3 chén rau bina chứa khoảng 18mg sắt. Bông cải xanh rất giàu vitamin K và magiê, protein, canxi, crom, carbohydrate, vitamin C, A, giúp tăng cường sự hấp thụ sắt trong cơ thể. 1 chén rau bông cải xanh chứa đến 1mg sắt. 3 chén rau cải xoăn chứa 3,6 mg sắt. Không chỉ có vậy, loại rau này cũng rất giàu chất xơ, vitamin và canxi. Với cải thìa, dù là món cải thìa xào hay luộc, bạn cũng sẽ nhận được một lượng vitamin A dồi dào, thêm 1,8mg sắt cho mỗi chén rau cải thìa. Và chỉ một chén rau cải cầu vồng có chứa đến 4mg sắt, nhiều hơn lượng sắt của một chiếc hamburger 168mg…
Bạn hoàn toàn có thể bổ sung lượng sắt cho cơ thể từ các loại rau cải này mà không phải giới hạn số lượng.
Do đó, bạn hoàn toàn có thể bổ sung lượng sắt cho cơ thể từ các loại rau cải này mà không phải giới hạn số lượng. Những loại rau này không chỉ cung cấp lượng sắt dồi dào, chống thiếu máu, tránh hoa mắt chóng mặt cho chị em phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt mà còn giúp duy trì làn da mịn màng, căng tràn sức sống.
Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung đậu lăng, khoai tây nướng, hạt điều, sô cô la đen, đậu phụ, đậu thận… cũng sẽ đem lại rất nhiều sắt cho cơ thể mà không cần thiết phải ăn thịt. Các loại hải sản cũng có công dụng tuyệt vời trong điều trị thiếu máu, đặc biệt là sò. Bạn cũng nên ăn mía, nho, chuối, các loại hạt nói chung… cũng sẽ cung cấp rất nhiều sắt, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đây đều là những thực phẩm vàng dành cho chị em trong chu kỳ kinh nguyệt bị mất nhiều máu, chống hoa mắt, chóng mặt cực hiệu quả.