Ai có thể tham gia hiến máu? - Tất cả mọi người từ 18 - 55 tuổi đối với nữ, 18 - 60 tuổi đối với nam, thực sự tình nguyện hiến máu của mình để cứu chữa người bệnh. - Cân nặng >45kg đối với Nữ và > 50kg đối với Nam. Lượng máu hiến mỗi lần không quá 9ml/kg cân nặng. - Không bị nhiễm hoặc không có các hành vi lây nhiễm HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu khác. - Thời gian giữa 2 lần hiến máu là 3 tháng đối với cả Nam và Nữ. Ai là người không nên hiến máu? - Người đã nhiễm hoặc đã thực hiện hành vi có nguy cơ nhiễm HIV. - Người đã nhiễm viêm gan B, viêm gan C, và các vius lây qua đường truyền máu. - Người có các bệnh mãn tính: tim mạch, huyết áp, hô hấp, dạ dày… - Phụ nữ đang mang thai, cho con bú, kinh nguyệt… Những xét nghiệm gì cho bịch máu? - Tất cả những đơn vị máu thu được sẽ được kiểm tra nhóm máu (OAB-Rh), HIV, Virus viêm gan B, Virus viêm gan C, Giang mai, Sốt rét. - Bạn sẽ được thông báo kết quả, được giữ kín và được tư vấn (miễn phí) khi phát hiện ra các bệnh nhiễm trùng nói trên. Tại sao lại có nhiều người cần phải được truyền máu? Mỗi giờ có hàng trăm người bệnh cần phải được truyền máu vì: - Bị mất máu do chấn thương, tai nạn, thảm họa, xuất huyết tiêu hóa ... - Do bị các bệnh gây thiếu máu, chảy máu: ung thư máu, suy tủy xương, máu khó đông… - Các phương pháp điều trị hiện đại cần truyền nhiều máu: phẫu thuật tim mạch, ghép tạng... Hiến máu có hại đến sức khỏe không? - Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khỏe. Điều đó đã được chứng minh bằng các cơ sở khoa học và cơ sở thực tế: + Cơ sở khoa học: - Máu có nhiều thành phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Ví dụ: Hồng cầu sống được 120 ngày, huyết tương thường xuyên được thay thế và đổi mới. Cơ sở khoa học cho thấy, nếu mỗi lần hiến dưới 1/10 lượng máu trong cơ thể thì không có hại đến sức khỏe. - Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường không hề gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của cơ thể. + Cơ sở thực tế: - Thực tế đã có hàng triệu người hiến máu nhiều lần mà sức khỏe vẫn hoàn toàn tốt. Trên thế giới có người hiến máu trên 400 lần. Ở Việt Nam, người hiến máu nhiều lần nhất đã hiến gần 100 lần, sức khỏe hoàn toàn tốt. - Như vậy, mỗi người nếu thấy sức khỏe tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân, vừa đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh. Chuẩn bị như thế nào cho ngày đi hiến máu Tối ngày trước, bạn không nên thức khuya, không uống rượu, bia và chỉ ăn nhẹ tránh thức ăn có nhiều thịt mỡ trước khi hiến máu. Quyền lợi của người hiến máu Quyền lợi và chế độ đối với người hiến máu tình nguyện theo Thông tư số 21/2009/TT - BYT ngày 20 tháng 12 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn nội dung, mức chi cho công tác tiếp nhận, sàng lọc máu toàn phần và điều chế các chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn: -Được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí. -Được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được Bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh tật. -Được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành: + Hỗ trợ chi phí đi lại đối với người hiến máu tình nguyện. Mức chi 30.000 đồng/người. + Phục vụ ăn uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu: Mức chi 20.000 đồng/người. + Nhận quà tặng (bằng hiện vật): mức chi tối đa là 80.000 đồng/ người. - Được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo Tỉnh, Thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy Chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Để tham gia hiến máu, ngay từ ngày hôm nay, các bạn có thể tới các điểm hiến máu gần nhất do Viện huyết học truyền máu trung ương tổ chức theo danh sách TẠI ĐÂY! |
Thiếu máu nghiêm trọng, nhiều bệnh nhi mòn mỏi chờ máu để điều trị
"Máu đối với con chúng tôi như cơm ăn nước uống hằng ngày vậy, nếu không có máu thì bé ốm yếu mong manh, giữ được tính mạng của mình thật khó..."
Bố mẹ bệnh nhi lo ngay ngáy vì nguồn máu sắp cạn
Từ đầu tháng 6 đến nay, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương luôn trong tình trạng báo động thiếu máu điều trị. Đỉnh điểm vào cuối tuần qua, ngày 19 – 21/6/2015, theo báo cáo của Khoa Lưu trữ - Phân phối máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tổng lượng máu dự trữ còn khoảng 5.000 đơn vị máu chỉ còn đủ dùng trong khoảng 1 tuần, trong đó nhóm máu A chỉ còn 230 đơn vị, dưới ngưỡng an toàn hơn 7 lần. Lượng máu nhóm O hiện còn bằng 80% mức an toàn và cũng đang có xu hướng giảm mạnh. Nhóm O là một nhóm máu truyền thay thế cho tất cả các nhóm máu khác. Do vậy khi lượng máu nhóm A không đủ đáp ứng nhu cầu, thì cũng không có đủ nhóm máu O để truyền thay thế cho bệnh nhân.
Trong khoa nhi, bố mẹ của bệnh nhi Phạm Đức Phú, sinh năm 2011, con anh Phạm Văn Hiếu và chị Chu Thị Lựu, ở Cự Phú, Tam Đa, Hưng Yên cũng vô cùng lo lắng. Cách đây 3 năm bé Phú bị phát hiện ung thư máu, từ đó tới nay, thuốc kháng sinh liều cao và máu chính là những thứ thần diệu giúp bé duy trì sự sống.
Bình thường nếu có đủ máu thì chỉ khoảng 1 tuần là Phú có thể được ra viện, tuy nhiên đợt này bé đã nằm viện 12 ngày rồi và mới chỉ được truyền 1 đơn vị máu. Bệnh của bé cần lượng tiểu cầu lớn mà để có tiểu cầu thì cần lượng máu nhiều hơn.
Bố bé chia sẻ: "Máu đối với con chúng tôi như cơm ăn nước uống hằng ngày vậy, nếu không có máu thì bé ốm yếu mong manh, giữ được tính mạng của mình thật khó, chúng tôi cần lắm những tấm lòng thiện nguyện trong xã hội hãy chia sẻ giọt máu của mình vì sự sống của những người mắc bệnh máu như con cái chúng tôi. Tôi lo lắng vô cùng, tôi hi vọng con tôi có thể vượt qua giai đoạn này".
Trong khoa Nhi, biết bao đứa trẻ đáng lý bằng tuổi đó được cắp sách tới trường thế nhưng các cháu bắt buộc phải coi bệnh viện như nhà của mình, hàng tuần hàng tháng lại vào để truyền máu, truyền kháng sinh. Nhìn cô bé lí lắc có 2 tuổi đầu Như Thảo (Quảng Ninh), ai ai cũng thương cảm, bé vào viện từ khi mới sinh, thời gian bé ở viện nhiều hơn ở nhà. Nhìn gương mặt xinh tươi của em có ai nghĩ em mang trong mình căn bệnh quái ác. Bé phải thường xuyên đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương để điều trị và truyền máu liên tục mỗi tháng. Căn bệnh mà bé đang mắc phải là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia), cách để duy trì sự sống đối với những bệnh nhân như bé là phải truyền máu suốt đời.
Nhưng hiện nay khi ngân hàng máu có nguy cơ cạn kiệt, bố mẹ cháu lo lắng khôn nguôi và chỉ biết chờ đợi những tấm lòng, những người hiến máu ra tay giúp đỡ.
Cần lắm một tấm lòng
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương – "Ngân hàng máu” lớn nhất khu vực miền Bắc, hiện đang tiếp nhận máu tại 12 tỉnh, thành phố và 29 quận, huyện tại Hà Nội, bao gồm hơn 120 bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong dịp này, việc thiếu người hiến máu nên đáp ứng máu điều trị vô cùng khó khăn. Với lượng máu nhóm A chỉ trên 2%, việc cấp phát hay cung cấp máu đang ở "mức cầm chừng”, chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu. Điều đó gây khó khăn lớn trong công tác điều trị cấp cứu, bệnh nhân sẽ phải chờ máu dài ngày. Đó cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng "thiếu chồng thiếu”.
Ths. BSCKII Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Truyền máu Hà Nội cho biết: "Hiện nay tình trạng khan hiếm máu đang diễn ra tương đối phổ biến, mặc dù nhu cầu máu của bệnh nhân không tăng nhiều so với trung bình các tháng trước đó. Tình trạng thiếu máu do một số nguyên nhân chính đó là: thiếu nguồn người hiến máu trong dịp hè (sinh viên nghỉ hè về quê, thi cử trong khi sinh viên là lực lượng chính tham gia công tác hiến máu nhân đạo); một số bệnh viện có tham gia tổ chức tiếp nhận máu cũng rơi vào tình trạng thiếu người hiến máu và trở lại lấy máu từ nguồn của Viện… Bên cạnh đó, các lịch tiếp nhận máu tại cộng đồng trong thời điểm nắng nóng cũng bị giảm hụt mạnh về số lượng”. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm máu diễn ra vào thời điểm này là do thời tiết nắng nóng kéo dài nên người dân cũng ngại ra khỏi nhà để đến các điểm hiến máu hay khu vực tiếp nhận máu lưu động.
Để đảm bảo nhu cầu, mỗi ngày Viện cần cung cấp khoảng 150 đơn vị nhóm máu A và từ 230 – 250 đơn vị máu nhóm O, trung bình mỗi tuần cần tiếp nhận được trên 5.000 đơn vị máu các nhóm.
Bác sĩ Phạm Tuấn Dương cho biết: Tình trạng khan hiếm máu kéo dài như thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cho bệnh nhân, trong đó nguy hiểm nhất là các bệnh nhân đang có kế hoạch phẫu thuật, những bệnh nhân thiếu máu cấp, mãn tính mà phải truyền máu trong một thời gian dài như bệnh Tan máu bẩm sinh (Thalassemia), hay bệnh nhân bị Rối loạn đông máu di truyền (Hemophilia)… và cả các bệnh nhân mắc các bệnh về máu khác nữa…
Được biết, 3/7 tới, Năm 2015, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương quyết tâm làm nên thành công Hành trình Đỏ 2015 - ngày hội hiến máu. Hành trình Đỏ sẽ dừng chân và tổ chức hiến máu tại 22 tỉnh/ thành trong cả nước, tiếp tục thực hiện sứ mệnh "Kết nối dòng máu Việt”. Trong đó đoàn phía Nam sẽ dừng chân tại 13 tỉnh/thành phố; đoàn phía Bắc sẽ dừng chân tại 9 tỉnh/thành phố. Hành trình Đỏ 2015 phấn đấu đạt tối thiểu 17.000 đơn vị máu nhằm cấp cứu và điều trị cho người bệnh trong dịp hè này.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ 2015 cho biết: "Chúng tôi hi vọng qua chiến dịch hiến máu xuyên Việt này sẽ có thêm nhiều người dân biết về phong trào hiến máu tình nguyện và đặc biệt là Ban tổ chức sẽ tiếp nhận được một lượng máu cần thiết nhằm bù đắp tình trạng thiếu máu diễn ra trong dịp hè này”.