Là huyện đảo ở Hải Phòng nhưng chưa có đường ống dẫn nước máy sinh hoạt nên hàng nghìn hộ dân ở Cát Hải đang sống trong tình cảnh "khát" nước sạch, phải dùng nước giếng khoan hoặc nước mưa. Có những gia đình bỏ ra 70 - 80 nghìn đồng để mua một khối nước (cao gấp 7-8 lần mức thông thường). Những năm qua, câu chuyện nước sạch ở đây không còn của riêng ai mà là khát khao chung của cả huyện đảo.
Nhà ở mặt đường lớn, thuận tiện xe chở nước tới tận nhà nhưng số tiền mà gia đình ông Nguyễn Công Mai (61 tuổi, tổ dân phố Tiến Lộc, thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng) mua một khối nước vẫn lên tới 46 nghìn đồng.
Theo ông Mai, xung quanh khu vực ông sinh sống, nhà máy, xí nghiệp mọc lên nhiều khiến nguồn nước giếng khoan, nước mưa cũng trở nên ô nhiễm.
"Nhà tôi hứng nước mưa sử dụng phải qua hệ thống lọc nhưng cứ 3-6 tháng thay lõi lọc một lần, lần nào lõi cũng đen kịt. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri từ cấp xã tới cấp huyện, người dân đều có ý kiến về vấn đề thiếu nước máy sinh hoạt nhưng tới nay thực trạng này vẫn diễn ra", ông Mai nói.
Mùa mưa người dân nơi đây còn có nước thiên nhiên sử dụng cho việc ăn uống, nhưng ngày khô, để có nước sạch họ buộc phải mua với giá rất "chát".
Gia đình bà T.T.S (tổ dân phố Hải Lộc, thị trấn Cát Hải) có 12 người, mỗi tháng trung bình dùng hết 25m3. Trước đây, bà phải mua 80 nghìn đồng/m3, nhưng những tháng gần đây, mức giá này giảm nhẹ còn 70 nghìn đồng/m3. Bà S. ước tính, mỗi tháng gia đình bà phải chi tiền triệu để mua nước, trong khi lương hưu của người phụ nữ này chỉ hơn 1 triệu đồng.
"Thời gian qua mưa ít, nhà tôi ròng rã 8-9 tháng mua nước với giá cao. Vừa qua có đợt mưa dài ngày mới hứng được nước mưa để dùng nhưng trong tiết trời mùa hè nắng nóng, bể nước cũng chỉ chừng 1 tuần là hết.
Tiền mua nước đắt hơn tiền gạo. Nhưng may vẫn còn người bán nước không chúng tôi cũng không biết xoay xở ra sao vì nước sạch ảnh hưởng rất lớn tới đời sống và sức khoẻ", bà S. chia sẻ.
Để tiết kiệm nước, bà S. giặt quần áo bằng nước giếng khoan, ngâm xả vải bằng nước máy vì không có nguồn nước dồi dào để sử dụng máy giặt. Nước vo gạo, nước rửa rau cũng được bà tận dụng tưới cây. Có những gia đình, máy giặt mua về nhưng nhiều năm không sử dụng, để han gỉ, hỏng hóc.
Cũng theo bà S., nhiều hộ gia đình ở cùng tổ dân phố không thể mua được nước sạch vì nhà ở sâu trong ngõ, xe không vào được, dây cũng không nối tới. Có thời điểm, họ phải xếp hàng để mua nước hoặc phải đi xin tạm nước hàng xóm dùng vì không mua được nước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh – Tổ trưởng tổ dân phố Hải Lộc cũng phải mua với giá 70-80 nghìn đồng/m3 nước.
Ông Mạnh, ông Mai hay bà S. cùng rất nhiều người dân khác ở đây mong muốn đường ống dẫn nước máy sinh hoạt sớm được lắp đặt để họ không phải sống cảnh "khát" nước sạch và mua nước với giá cao.
Theo văn bản trả lời kiến nghị cử tri huyện Cát Hải của HĐND TP Hải Phòng, các xã Văn Phong, Nghĩa Lộ, Hoàng Châu, Đồng Bài và thị trấn Cát Hải (huyện đảo Cát Hải) có khoảng hơn 4.000 hộ thuộc phạm vi thực hiện 3 dự án.
Giai đoạn trước năm 2020, do tình hình nước sạch chủ yếu được các đơn vị tư nhân mua nước từ trạm tăng áp Đông Hải thuộc Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng về bán cho người dân trên đảo nên giá nước (theo số liệu khảo sát) trung bình từ 70-150 nghìn đồng đồng/m3.
UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng lắp đặt đường ống qua biển và một họng nước cấp tại Ngã tư phà Gót - đường đi thị trấn Cát Hải. Đồng thời, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước hỗ trợ lắp đặt thêm 2 họng cấp nước tại xã Văn Phong.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay, sau khi các họng cấp nước hoàn thành, UBND huyện Cát Hải tổ chức lấy ý kiến người dân trên đảo và nhận được sự đồng thuận của nhân dân về việc nước sạch sẽ được ông Đoàn Tiến Thụy dùng xe chuyên dụng mua nước của Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng tại 3 họng nước trên và chở đến cung cấp cho các hộ dân với giá 35-50 nghìn đồng/m3.
Nếu thực hiện lắp đặt đường ống đến các hộ dân bằng nguồn vốn ngân sách hoặc nguồn vốn của Công ty Cổ phần Cấp nước thì không khả thi do không phù hợp với quy hoạch huyện Cát Hải.
Thời gian tới, UBND TP Hải Phòng chỉ đạo UBND huyện Cát Hải phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt trời, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh Vinfast nghiên cứu phương án lắp đặt đường ống nước vào các hộ dân theo hình thức xã hội hóa trong thời gian thực hiện các dự án.
Đồng thời, lãnh đạo TP Hải Phòng cũng đôn đốc các đơn vị trên tập trung thực hiện các dự án do đơn vị, công ty làm chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân.