Chuyển hướng dùng trái cây Canada, Nam Phi...

Khảo sát nhiều cửa hàng, điểm bán sỉ và và lẻ trái cây tại TP HCM , các loại trái cây nhập khẩu từ Úc đều trong tình trạng cháy hàng. Ngay cả những đầu mối vốn có thế mạnh về trái cây từ Úc như Fruitstore (quận Tân Bình), Quà tặng trái cây… cũng thông báo hết hàng trái cây Úc. Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu trái cây có trụ sở tại đường Phạm Viết Chánh ( quận Bình Thạnh) cho biết: “Từ trước đến nay trái cây Úc rất được ưa chuộng, đặc biệt là cherry, nên sau khi có thông tin ngưng nhập (ngày 1/1 - PV), hầu hết lượng trái cây Úc nhập về trước đó đều được tiêu thụ hết trong dịp Tết vừa rồi, giờ đến hàng tồn cũng khó kiếm”.

Trong khi đó, thị trường hiện xuất hiện nhiều loại trái cây nhập từ Mỹ, Nam Phi, Canada, Chile, Peru… với giá bán rẻ hơn nhiều so với trái cây Úc trước đây. Chẳng hạn cherry New Zealand có giá khoảng 550.000 đồng/kg , thấp hơn sản phẩm nhập từ Úc khoảng 100.000 đồng/kg ; nho đỏ không hạt Peru từ 70.000-75.000 đồng/kg, trong khi nho đỏ không hạt Úc trước đây có thời điểm lên đến trên 300.000 đồng/kg . Nho xanh không hạt Nam Phi được xem có giá cao nhất trong số các loại nho tại các cửa hàng thì cũng chỉ có giá xấp xỉ 200.000 đồng/kg , cam Ai Cập màu vàng giá chỉ hơn 40.000 đồng/kg …

Chuyển hướng dùng trái cây Canada, Nam phi...
Chuyển hướng dùng trái cây Canada, Nam phi...

Chị Nhài, ngụ đường Tô Hiến Thành (quận 10) cho biết, trái cây Nam Phi có nhãn mác riêng, nhưng chị rất khó phân biệt được sự khác biệt giữa trái nho Nam Phi với trái nho của Mỹ, Úc hay thậm chí là Trung Quốc. Chỉ số ít trái cây nhập khẩu từ quốc gia này có khác biệt rõ rệt, đó là trái lê. Lê Trung Quốc hay Hàn Quốc có vỏ trắng vị xốp, nhiều nước, trái lê Nam Phi khác biệt cả về màu sắc (thường có ba màu trắng vàng, xanh và hơi đỏ), hình dáng gần giống trái hồ lô hay trái đu đủ bị thắt ở giữa; hương vị ngọt dịu chứ không ngọt sắc… “Do từng được ăn ở nước ngoài nên khi thấy lê Nam Phi tại siêu thị BigC, tôi chọn mua ngay mà không sợ “đụng” nhầm hàng Trung Quốc”, chị Nhài cho hay.

Chủ một sạp trái cây tại đường An Dương Vương (quận 5) cũng cho biết: “Không sợ lo ngại 'đội lốt' lê Trung Quốc, lại lạ mắt, lạ miệng… nên nhiều người chọn mua lê Nam Phi”. Tại một số siêu thị như Metro, BigC… các loại trái cây như táo (gồm táo gala, empire, fuji, đỏ) của Mỹ, táo ambrosia của Canada… xuất hiện nhiều trên các kệ hàng với giá khá rẻ, trung bình từ 45.000-100.000đồng/kg.


Trái cây nội chưa thể “lấp chỗ trống”

Năm 2014, Việt Nam nhập khoảng 38 loại trái cây các loại (nho, cam, xoài, cherry, mận, bưởi, táo, chanh…) từ Úc, trị giá hơn 40 triệu USD. Rất nhiều đầu mối trong nước đã kỳ vọng trái cây trong nước có thể “lấp chỗ trống”, khi nhiều loại trái cây Úc bị tạm ngưng nhập khẩu. Nhưng thực tế cho thấy, trái cây nội không ổn định sản lượng lẫn chất lượng, mẫu mã. Vì thế các nhà nhập khẩu đã nhanh chóng tìm kiếm nguồn hàng thay thế.

Theo tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, trái cây trong nước thu hoạch theo mùa vụ nên số lượng ra thị trường thường ồ ạt trong một thời gian, khó bán giá cao. “Điệp khúc” trúng mùa, rớt giá cứ luôn tái diễn. Trong khi đó, lượng trái cây được đánh giá có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở phân khúc giá trị tốt như xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh không hạt… lại chưa nhiều.

Theo ghi nhận, nhiều loại trái cây trong nước thời điểm trước Tết tăng giá như dưa hấu từ 10.000 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg, hồng xiêm từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/kg … ngay sau Tết đã trở lại mức giá thường nhật. Chị Liên, chủ sạp trái cây tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) nhận định, có sự khác biệt rõ rệt trong tiêu thụ trái cây nội và ngoại. Trong khi phần lớn trái cây trong nước được người mua sử dụng thì những loại trái cây ngoại nhập được mua làm quà biếu. Đáp ứng được nhu cầu quà biếu, chỉ có một số ít trái cây nội như xoài chất lượng cao, thanh long, vú sữa… với giá có mức ngang bằng hoặc cao hơn trái cây nhập.