Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm liệu có thể thay thế 'thịt thật' trong tương lai?

Hạ Khương ,
Chia sẻ

Thịt nhân tạo có chất lượng không kém gì thịt bò thật, nhưng vì sao vẫn khó để loại thịt này được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường?

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 27 (COP27), chính phủ Singapore đã thiết đãi khách VIP bằng thịt nhân tạo, đây là loại gà nuôi trong phòng thí nghiệm được phê duyệt bởi Cục Quản lý Thực phẩm. Sự ra đời của loại thịt nhân tạo này là bước ngoặt lớn mang tính toàn cầu nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, buộc chúng ta phải suy nghĩ lại về các phương pháp sản xuất thịt bò, thịt lợn, thịt gà và hải sản.

Những người ủng hộ cho rằng thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm góp phần làm giảm khí thải nông nghiệp, bảo vệ đa dạng sinh học. Ngược lại, những người ở phe đối lập lại đang lo ngại về giá thịt cao, cùng với những rào cản pháp lý và khả năng mở rộng của ngành kinh doanh loại thịt này.

Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ thay thế "thịt thật" trong tương lai? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dưới đây là những điều chúng ta cần biết về thực trạng và tiềm năng phát triển của loại thịt nuôi trong phòng thí nghiệm.

Thịt nhân tạo là gì?

Thịt nhân tạo là những loại thịt được nuôi cấy từ tế bào gốc của động vật ở trong phòng thí nghiệm. Những tế bào gốc này được "nuôi" từ các chất dinh dưỡng trong lò phản ứng sinh học vô trùng, tạo thành những miếng thịt nhân tạo mà người tiêu dùng có thể tiêu thụ.

Lấy bao tử cá là một ví dụ. Ở nhiều nước châu Á, bong bóng cá là một món ăn ngon. Để tạo ra dạ dày cá trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học từ Avant Meats có trụ sở tại Hồng Kông đã nuôi cấy tế bào cá trong một môi trường có chứa hàng chục chất dinh dưỡng khác nhau và lưu trữ trong lò phản ứng sinh học có bình oxy. Trong vòng vài tuần, những tế bào này sinh sôi nảy nở thành các mô có kích thước bằng hạt gạo, và tiếp tục phát triển lớn hơn.

Khoa học nghiên cứu về thịt nhân tạo không hề mới - nuôi cấy tế bào lần đầu tiên được sử dụng trong nghiên cứu y khoa vào năm 1907. Tuy nhiên, việc áp dụng điều tương tự vào thịt bắt đầu thu hút sự chú ý sau khi một nhà dược học người Hà Lan thực hiện món bánh hamburger kẹp thịt được nuôi cấy trên truyền hình năm 2013. 

Ngày nay, hơn 100 công ty trên khắp thế giới đang cố gắng tạo ra protein dựa trên tế bào, từ thịt cừu nuôi đến hàu nuôi trong phòng thí nghiệm và thậm chí cả gan ngỗng trong phòng thí nghiệm.

Sự khác nhau giữa thịt nhân tạo và thịt "thực vật"

Thịt "thực vật" dùng để chỉ những loại "thịt" được làm từ đậu nành hoặc chứa thành phần không có nguồn gốc động vật. Trong số những công ty nổi tiếng trong ngành sản xuất các sản phẩm thịt từ thực vật, Impossible Foods và Beyond Meat là hai cái tên được biết đến nhiều nhất.

Ngược lại, thịt nhân tạo được sản xuất bằng cách nuôi cấy tế bào động vật trực tiếp. Loại thịt này cũng có chất dinh dưỡng tương tự như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm và hải sản thông thường. Nhìn chung, cả thịt thực vật và thịt nhân tạo (hay thịt nuôi cấy từ tế bào) đều hoàn thiện hương vị và kết cấu.

Theo ước tính của tổ chức phi lợi nhuận Good Food Institute Asia Pacific (GFI APAC), thịt thực vật (thịt chay) vẫn đang phải cạnh tranh rất nhiều để đạt được mức giá ngang bằng với thịt thông thường – và chiếm chưa đến 1% thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, loại thịt này vẫn được bán trong nhiều nhà hàng và cửa hàng tạp hóa trên khắp thế giới.

Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ thay thế "thịt thật" trong tương lai? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Hiện tại, mới chỉ có Singapore cho phép mua bán thịt nhân tạo hợp pháp. Quốc gia có 5,5 triệu dân này đang tập trung hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm.

Các nhà giám sát trong ngành cho biết, việc mở rộng quy mô sản xuất protein nhân tạo từ giai đoạn thử nghiệm sang cấp độ thương mại đòi hỏi nhiều tiến bộ công nghệ. Trong khi đó, các lò phản ứng sinh học khổng lồ cần thiết cho việc sản xuất hàng loạt vẫn chưa được xây dựng.

Ngoài ra, những rào cản pháp lý xung quanh thịt nhân tạo vẫn còn tồn tại. Tại Hoa Kỳ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm gần đây đã trao đổi với Upside Foods rằng họ không còn nghi ngờ về sự an toàn của thịt gà được nuôi cấy từ tế bào đối với con người. Tuy nhiên, công ty công nghệ thực phẩm có trụ sở tại California này vẫn cần thêm sự chấp thuận, bao gồm cả từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, cơ quan cùng giám sát quá trình đưa thịt nhân tạo ra thị trường.

Ở những nơi khác, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc, Israel và Hà Lan đã phát tín hiệu ủng hộ thịt nhân tạo được nuôi cấy từ tế bào gốc, nhưng không có cơ quan nào phê duyệt việc buôn bán thương mại loại thịt này.

Liệu thịt nhân tạo có phù hợp với những người ăn chay?

Về mặt kỹ thuật, thịt nhân tạo không phải là thịt chay bởi vì loại thịt này được tạo ra từ các tế bào đang phát triển lấy từ động vật thật.

Nhiều người ăn chay vì những lý do khác nhau. Có thể họ lo ngại về quyền động vật hoặc việc sử dụng kháng sinh và hormone trong chăn nuôi. Cũng có nhiều người chọn không ăn thịt để tránh làm cạn kiệt tài nguyên môi trường. Với những lý do này, thịt làm từ tế bào có thể là một giải pháp thay thế khả thi.

Tác động của thịt nhân tạo đối với môi trường

Thịt nuôi cấy từ tế bào đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục đa dạng sinh học, vốn đã bị đe dọa từ lâu bởi nền nông nghiệp truyền thống. Một ví dụ điển hình là khoảng 80% nạn phá rừng ở Amazon bắt nguồn từ việc mở rộng các vùng đất để chăn thả gia súc.

So với canh tác truyền thống, nuôi cấy thịt từ tế bào trong lò phản ứng sinh học sử dụng ít đất hơn và giảm bớt lượng khí thải ra môi trường. Nếu sản xuất thịt bằng phương pháp này, các công ty có thể xây dựng nhà máy gần với người tiêu dùng hơn, giúp giảm lượng nhiên liệu cần thiết để vận chuyển thực phẩm.

Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ thay thế "thịt thật" trong tương lai? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, việc nuôi thịt trong các lò phản ứng sinh học lại tiêu tốn một khối lượng điện đáng kể. Theo một nghiên cứu năm 2021 của công ty tư vấn môi trường Hà Lan CE Delft, nếu quá trình sản xuất thịt lợn và thịt gà nhân tạo trong các lò phản ứng sinh học dùng nguồn năng lượng từ gió, mặt trời và các nguồn năng lượng tái tạo khác thì đây sẽ là lựa chọn khả thi góp phần giảm bớt lượng khí thải.

Một nghiên cứu tương tự chỉ ra rằng thịt bò nuôi cấy từ tế bào sẽ có lợi cho môi trường hơn so với thịt bò thông thường bởi vì chăn nuôi gia súc tiêu tốn nhiều nguồn tài nguyên.

Vấn đề liên quan tới thịt nhân tạo

Hầu hết nghi vấn về thịt nhân tạo đều liên quan đến hạn chế của nó: cho đến nay, sản xuất protein nhân tạo vẫn còn đắt đỏ, khiến việc phân phối rộng rãi ra thị trường - ngay cả khi có sự chấp thuận của cơ quan quản lý - là điều khó tưởng tượng trong thời gian tới.

Gần một thập kỷ sau khi món burger kẹp thịt nhân tạo đầu tiên trên thế giới được tạo ra với chi phí lên tới 325.000 đô la Mỹ, loại thịt nhân tạo duy nhất được bán với số lượng nhỏ ở Singapore và do Eat Just sản xuất. Đây là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm thay thế thịt và trứng, có trụ sở tại San Francisco. Công ty này cho biết sẽ mất 8 năm để các sản phẩm của họ có thể cạnh tranh giá cả với thịt thông thường.

Tính minh bạch cũng là một khía cạnh gây tranh cãi. Jaydee Hanson, giám đốc chính sách tại Trung tâm phi lợi nhuận về An toàn Thực phẩm có trụ sở tại Washington, cho biết các nhà sản xuất protein nhân tạo hiếm khi tiết lộ cách họ giữ gìn các tế bào phát triển. Điều này đôi khi làm dấy lên sự quan tâm về tính "đạo đức" trong quá trình sản xuất, chẳng hạn như việc sử dụng máu của bê chưa sinh làm môi trường nuôi cấy tế bào.

Ngoài ra, những yếu tố quan trọng như hình thức, kết cấu, và hương vị cũng đang là thách thức để thịt nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn các loại thịt thông thường.

Chia sẻ