Mấy ngày qua, câu chuyện cháu bé 7 tuổi rơi xuống giếng khoan thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ý nghĩa hơn là hình ảnh 4 người thợ đào giếng không ngại khó khăn để đào đất cứu bé gái. Cảm động nhất là bức ảnh người thợ đào giếng nhễ nhại mồ hôi, lấm lem bùn đất, chỉ mỗi chiếc quần cộc trên người đang uống nước nghỉ mệt.

daogieng
Bức ảnh và nội dung được chia sẻ trên mạng.

Bức ảnh này được đăng trên Facebook có tên Nguyễn Quỳnh Hương. Cô viết: “Trong điều kiện hết sức khó khăn và hiểm trở, khi em bé có thể bị rơi xuống độ sâu 80m bất cứ lúc nào, những người thợ đào giếng này đã phải hết sức cẩn trọng và khéo léo. Người đàn ông mình trần, lấm lem bùn đất trong bức ảnh vẫn đẹp một cách kỳ lạ”. Đã có hàng ngàn lượt thích, chia sẻ của cộng đồng mạng. Nhiều thành viên mạng gọi người đàn ông ấy là “người hùng”.

“Tôi như muốn xỉu khi vừa cứu được bé”

Nhân vật trong bức ảnh là anh Trần Nguyên Phương (33 tuổi, P.Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, Bình Dương). Anh Phương là người đã trực tiếp đưa bé Tú Anh (bị lọt xuống giếng) lên khỏi mặt đất. Phụ anh đào hố cứu bé còn có 3 người khác, đều trong một tổ chuyên đào đất.

daogieng4

daogieng5
Hàng trăm người cùng 4 thợ đào giếng tham gia cứu cháu bé.

Tại căn nhà nhỏ, chỉ lợp bằng vách tôn, vốn là nhà của bố vợ cho hai vợ chồng anh mưu sinh, anh Phương bắt đầu kể lại câu chuyện. Nhìn bức ảnh của mình, anh cười: “Nhìn hình này thấy tôi bẩn quá, mà lúc nào đi đào giếng chẳng bẩn như vầy nên có gì đâu mà gọi là người hùng chứ. Lúc này là tôi và anh em đào được khoảng 4m, mệt quá nên uống hớp nước, khi ấy khoảng hơn 1 giờ sáng”.

daogieng2
Anh Trần Nguyên Phương kể lại câu chyện.

Anh kể, khoảng 10h tối ngày 4/8, khi  anh chuẩn bị đi ngủ thì được người bạn báo tin có em bé rớt xuống giếng, cần huy động đội đào hầm đi cứu hộ. “Tôi vừa nghe tin là chạy đi liền, với tâm niệm là phải mang được bé ra khỏi giếng. Đây là lần đầu tiên trong suốt 9 năm làm nghề, tôi dùng nghề của mình vào cứu người”.

Khi anh cùng 3 người khác đến nơi, đội cứu hộ đã đào được hố rộng, sâu khoảng 6m. Lúc này, xe xúc đất không thể đào nữa vì có thể va chạm với giếng khiến em bé rơi xuống sâu hơn hoặc bị đất lấp lại. Thấy vậy, nên 4 người thợ đạo giếng lấy đồ nghề bắt đầu cứu cháu bé.

daogieng3
Anh Phương mô tả lại quá trình đào hố cứu cháu bé.

Mọi người thay phiên nhau dùng thuổng đào một hố có đường kính hơn 80 cm, cạnh giếng khoan khoảng 20 cm. “Vì mặc áo rất khó đào nên chúng tôi chỉ mặc mỗi quần cộc. Ban đầu thì vướng đá nên hơi khó khăn nhưng đào được khoảng 3m thì chỉ còn đất nên khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở khu vực này lại không có điện để đưa quạt lò xuống cho khỏi bị nghẹt nên gây trở ngại”, anh Phương kể.

daogieng6
Khu vực cứu hộ đang được san lấp.

Cháu bé mắc kẹt trong giếng ở độ sâu khoảng 13m nên phaỉ đào một hố song song có cùng độ sâu. Bình thường, với anh Phương, việc đào với độ sâu như vậy khá đơn giản. “Tuy nhiên vừa không có quạt lò, rồi đến khi gần tiếp cận em bé thì tôi ráng sức đào tiếp, không dám thay phiên sợ ảnh hưởng đến thời gian cứu hộ. Trong số các thợ thì tôi lại đào nhiều nhất. Chứ bình thường nếu thay phiên thì không có mệt như vậy”, anh chia sẻ.

daogang7
Chiếc giếng khoan nơi bé Tú Anh bị lọt. Khoảng không trống quanh giếng sâu 80m đã được lấp lại.

Khi gần tiếp cận bé Tú Anh, anh ân cần động viên. Rồi bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh khoét một lỗ thông nang với giếng, lấy dây buộc bé lại và đưa lên mặt đất. Anh nhớ lại: “Lúc nghe tiếng kêu cứu của cháu, lòng tôi thắt lại. Cảm xúc khi vừa chạm vào người bé, tôi rất hạnh phúc, quên đi cả mệt mỏi. Nhưng khi bé được đưa lên mặt đất thì tôi mệt qúa, nằm phịch xuống vài phút như muốn xỉu. Chưa bao giờ đi đào đất mà lại mỏi mệt quá như vậy”.

Không màng đến chuyện tiền bạc

Theo anh Phương, khe dọc theo đường ống giếng khoan sâu đến 80 m nhưng Tú Anh rớt xuống khoảng 13 m thì vướng vào một cục đá khá to án ngữ ở đấy. "Sự cố đầy hy hữu nhưng cũng rất may mắn. Chứ bé mà rớt xuống đáy thì khó lòng sống sót", người thợ đào giếng nói.

daogieng8
Theo anh Phương, cháu bé may mắn khi chỉ rơi đến khoảng 13m thì bị vướng lại.

Anh chia sẻ: “Sau khi cứu được nạn nhân, nhiều người cứ hỏi tôi rằng được người ta cho bao nhiêu tiền, khiến tôi thấy khó chịu. Lúc có điện gọi cứu người tôi chỉ nghĩ là phải ráng làm hết sức và bây giờ cũng không vì ơn nghĩ mà nghĩ đến tiền bạc”.

dapgieng9
Anh  không hề nghĩ đến chuyện tiền bạc sau khi cứu người.

Sau khi lập được thành tích, anh và 3 người còn lại được UBND huyện Tân Uyên trao bằng khen và thưởng 5 triệu đồng cho 4 người. Đó là phần thưởng duy nhất anh nhận được đến bây giờ.

daogieng10
Tấm bằng khen và 5 triệu đồng cho 4 người là phần thưởng duy nhất anh nhận được đến hiện tại.

Đêm hôm ấy, khoảng 2h40 anh về đến nhà và sáng hôm sau lại tiếp tục đi làm. Năm 21 tuổi, anh lập gia đình với chị Ngọc Bích và rời quê hương Tây Ninh xuống quê vợ lập nghiệp. Hai vợ chồng cất tạm căn nhà nhỏ khoảng 30 m2, kiếm kế sinh nhai. Được em vợ chỉ dẫn, đến nay anh đã theo nghề đào giếng được 9 năm.

daogieng10
Anh làm nghề đào giếng được 9 năm.

Anh chia sẻ: “Tôi làm nghề này thì công việc không được ổn định, ai có đào giếng, làm nhà… thì họ gọi. Ngày nào nhiều thì vài trăm ngàn tiền công. Còn vợ thì đang đi làm thời vụ và chờ xin làm công nhân, nhưng cũng ngoài 30 tuổi nên hơi khó xin”. Cả hai người có được 2 cậu con trai.

daogieng11
Căn nhà lụp xụp nơi vợ chồng anh Phương sinh sống.

Trước đó, Tú Anh cùng nhóm bạn trong xóm ra bãi đất trống cách nhà 50 m chơi. Bất ngờ bé bị rơi xuống khe đường ống giếng khoan có đường kính khoảng 40 cm. Sau 2 ngày nằm viện, chiều 5/8, bé đã xuất viện. Cô Trần Thị Quyên (37 tuổi, mẹ Tú Anh) chia sẻ: “Con tôi sức khỏe giờ ổn, ăn được một ít nhưng tinh thần đang bị dao động lắm. Cháu hay sợ sệt, có người vào là khóc thét. Nói thật là may nhờ có chú Phương và mọi người cùng dồn hết sức để cứu con bé, chứ không tôi đã mất con rồi! Tôi và gia đình không biết làm sao trả hết ân tình này”.