Tập luyện thể thao là phương pháp duy trì và nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tập quá sức, không đúng kỹ thuật, tư thế sẽ dẫn đến chấn thương xương khớp, để lại nhiều hậu quả nặng nề.
Rước họa vào thân
Đến Bệnh viện 1A (TP HCM) khám vì lưng đau nhức, cúi, gập xuống khó khăn, ông N.H.M (45 tuổi) cho biết bị đau lưng trước đó 1 tháng và tự mua thuốc uống. Sau gần 1 tháng dùng thuốc giảm đau, tình trạng không cải thiện nên ông đến bệnh viện kiểm tra.
Kỹ thuật viên Bệnh viện 1A hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu điều trị thoát vị đĩa đệm
"Trước đó, tôi có tự tập nâng đẩy tạ tại nhà theo clip trên mạng hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi tập 2 tuần, đột nhiên lưng đau nhức. Sau khi bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chụp MRI thì phát hiện tôi bị trượt đốt sống, cong vẹo cột sống thắt lưng" - ông M. kể.
Sau khi thăm khám, ông M. được chỉnh đường cong sinh lý cột sống, đồng thời giãn cơ vùng chậu nhằm giảm áp lực cho cột sống và dây thần kinh tọa bằng phương pháp hiệu chỉnh cơ xương khớp. Hiện ông không còn cơn đau nhức, tình trạng bệnh đã thuyên giảm.
Tương tự, ông L.Q.H (44 tuổi) cũng phải đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ vì tập theo clip trên mạng gây thoát vị đĩa đệm từ L2 đến L5. "Tôi có xem các clip trên mạng, sau đó đến phòng gym tự tập nhưng tập một thời gian tôi thường hay đau mỏi thắt lưng. Đứng ngồi trên 10 phút là không chịu được, cảm giác mất hết sức lực. Đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ chẩn đoán do tập quá mức làm căng cơ bụng, gây mất cân bằng tương quan lực cơ với các cơ còn lại khiến khung chậu xoay ra sau, tác động lên đường cong sinh lý của cột sống gây thoát vị đĩa đệm" - ông H. cho biết.
Theo bác sĩ Trịnh Quang Anh - Trưởng Khoa Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A - bình thường, cấu trúc tự nhiên cột sống có nhiều đoạn cong sinh lý khác nhau. Chính cấu tạo cong giúp cột sống chịu được trọng lượng của toàn bộ cơ thể, giảm chấn thương khi chạy nhảy. Tuy nhiên, nếu mất đường cong sinh lý cột sống cổ ngực hay thắt lưng, các lực tác động lên cột sống bị thay đổi là tiền đề cho những vấn đề nghiêm trọng hơn về bệnh cột sống như thoái hóa, phình đĩa đệm hay thoát vị đĩa đệm.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm thường gặp nhất là do thói quen sinh hoạt sai tư thế trong thời gian dài hoặc tập thể thao sai cách. Ngoài ra, các tác nhân này cũng gây một số bệnh lý ở các cơ quan lân cận cột sống gây đau cấp tính hoặc đau kéo dài.
Một số triệu chứng thoát vị đĩa đệm điển hình như: Đau đột ngột ở vùng cổ, vai, gáy hoặc thắt lưng sau đó lan ra vùng vai, gáy, chân tay. Tính chất đau có thể âm ỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng hoặc rất dữ dội. Tê bì tay chân, tê bì vùng cổ, thắt lưng sau đó dần dần phát triển xuống mông, đùi, chân. Bị rối loạn cảm giác như kiến bò trong người. Yếu cơ, liệt xuất hiện khi bệnh ở giai đoạn nặng. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, người bệnh khó có thể đi lại, vận động, dần dần dẫn tới teo hai chân, teo cơ, phải ngồi xe lăn.
Không cần phẫu thuật
Bác sĩ Quang Anh khuyến cáo thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị sớm sẽ để lại những biến chứng nặng nề như liệt nửa người hoặc bại liệt cả người; tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát; teo chi, khả năng đi lại, vận động giảm sút.
"Trước kia, nếu bệnh nhân nặng đa phần sẽ được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, ngày nay, với kỹ thuật điều trị mới, thoát vị đĩa đệm nếu chưa gây biến chứng nặng như yếu liệt, nguy cơ liệt hoặc đau không giải quyết được thì chưa cần phẫu thuật" - bác sĩ Quang Anh thông tin.
Theo bác sĩ Quang Anh, kỹ thuật điều chỉnh xoay khung chậu để chỉnh đường cong cột sống thắt lưng là một phương pháp hữu hiệu để điều trị thoát vị đĩa đệm. Bên cạnh đó, dùng nhiệt trị liệu lạnh, nóng, laser hay từ trường siêu dẫn nếu bệnh nhân có cơn đau cấp. Sau đó, tùy vị trí đau, mất đường cong sinh lý cột sống hay lệch vẹo mà bác sĩ chỉ định quy trình hiệu chỉnh cơ xương khớp. "Khi đường cong được tái lập, lực nén giữa các đốt sống giảm, làm cho các thoát vị rút về và hồi phục hoặc không tiến triển nặng thêm, giúp giảm đau, hết đau và các triệu chứng chèn ép" - bác sĩ Quang Anh giải thích.
Bài tập thể thao trên mạng: Chỉ nên tham khảo
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Hội Y học thể thao TP HCM, cho biết trước đây việc tập luyện thể dục thể thao thường diễn ra ở công viên hay các phòng tập. Tuy nhiên, hiện nay, với sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội, có nhiều bài tập được chia sẻ, mang nhiều lợi ích cho mọi người. Tuy nhiên, tập luyện thể thao theo các hướng dẫn trên mạng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm cho người tập như tập quá sức, không đúng kỹ thuật… gây chấn thương cơ, xương, khớp, dây chằng, thậm chí đột quỵ.
Theo bác sĩ Đổng, việc tập luyện cần dựa trên sức khỏe của mỗi cá nhân như độ tuổi, thể trạng, bệnh lý... "Tập luyện theo các bài tập trên mạng chỉ nên tham khảo, đặc biệt với những trường hợp bắt đầu tập, có bệnh lý, tuổi tác. Bởi trên mạng chỉ mang tính hướng dẫn động tác, mô phỏng" - bác sĩ Đổng khuyến cáo.