Mụn trứng cá bọc còn được gọi là căn bệnh của tuổi dậy thì. Mụn thường xuất hiện trên vùng mặt, đặc biệt là vùng mũi, ở các vùng lân cận như cổ, vai, lưng, thậm chí cả trên da đầu.

Mụn trứng cá thường không để lại dấu vết nhưng mụn trứng cá bọc to, nhiễm khuẩn nặng thường để lại sẹo. Đây là nỗi ám ảnh của rất nhiều người, đặc biệt là chị em phụ nữ.

Lúc đầu mụn là vài cục sần đỏ, sau lớn dần, riêng rẽ hoặc liên kết thành mảng, mềm dần, mọng và vỡ ra chảy mủ máu. Sau khi khỏi, để lại vết thâm, sẹo lõm hoặc sẹo lồi tùy theo cơ địa của từng người.

Nguyên nhân:

- Chức năng giải độc của gan, mật kém.

- Do chế độ ăn uống (dùng nhiều thức ăn cay nóng, khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt…)

- Chế độ sinh hoạt không điều độ (thức đêm nhiều, áp lực công việc, căng thẳng tinh thần…)

- Chức năng nội tiết không điều hòa…

- Nhiễm khuẩn lỗ chân lông và tuyến bã, hoặc do phản ứng của da với các loại hóa chất, hóa mỹ phẩm, kem dưỡng da không thích hợp gây ra.

"Thổi bay" mụn trứng cá bọc

Điều trị:

- Mụn trứng cá bọc cần được điều trị theo nguyên nhân. Do đó, bệnh nhân cần được khám để chẩn đoán xác định nguyên nhân và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

- Bệnh nhân thường được kê thuốc uống kết hợp với thuốc bôi để làm xẹp và tiêu bớt nhân mụn. Các hoạt chất thường được sử dụng trong điều trị chứng bệnh này là tetracycline, minocycline, doxycycline, erythromycin.

- Ngoài ra, các bác sỹ da liễu còn kê cho bệnh nhân một số loại xà phòng hoặc sữa rửa mặt có hoạt chất loại bỏ các tác nhân gây mụn.

- Khi rửa mặt, bệnh nhân dùng 1 lít nước pha với 10 giọt nước chanh, rửa bằng tay và sau đó thấm khô nước bằng khăn sạch, mềm (không lau).

Phòng bệnh:

Để hạn chế sự phát triển của trứng cá bọc bạn cần:

- Phải giữ vệ sinh cho da khô, sạch sẽ.

- Không dùng tay hoặc dụng cụ nặn mụn không đảm bảo vệ sinh để nặn trứng cá.

- Không thức khuya quá, không lao động quá sức kể cả lao động trí óc.

- Hạn chế các chất cay, nóng, chất kích thích thần kinh như rượu bia, cà phê và thức ăn đồ uống quá ngọt như sữa đặc, mít, xoài…

- Uống đủ nước, ăn nhiều rau xanh, trái cây, có thể bổ sung thêm vitamin và khoáng chất.

- Không nên quá lo lắng về mụn trứng cá vì căng thẳng, lo lắng không chỉ làm mụn nặng hơn mà còn ảnh hưởng tới công việc, giao tiếp bạn bè…

Tóm lại, việc điều trị trứng cá bọc đòi hỏi phải kiên trì và có sự hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ chuyên khoa da liễu.

______________________________________________________________________________________________________________

Bạn có biết, tác dụng tuyệt vời của chanh trong việc điều trị mụn trứng cá?

"Thổi bay" mụn trứng cá bọc