Cuối năm luôn là thời điểm mà người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm cao nhất. Đây cũng là lúc mà các sàn thương mại điện tử tất bật đưa ra rất nhiều chương trình ưu đãi khủng để kích cầu mua sắm.

Tuy nhiên, khác với thị trường thương mại điện tử tại các nước phát triển, xu thế mua hàng online tại Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng. Nhất là đối với hình thức mua hàng từ bên thứ ba.

Đặc biệt, trong quy trình quản lý và xử lý các đơn hàng, các sàn thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít lỗ hổng mà chưa kiểm soát được tất cả rủi ro đến từ những kẻ có ý đồ xấu nên dẫn tới rất nhiều thiệt hại về tài sản và tiền bạc cho khách đặt hàng.

Có thể kể tới một vài chiêu thức quen thuộc như đánh tráo hàng thật bằng hàng giả, nhét gạch đá vào gói hàng mà bên thứ ba thường sử dụng để lừa đảo thông qua việc mua hàng ở các trang thương mại điện tử.

Do vậy, nếu là tín đồ của mua sắm online, đặc biệt chuyên săn các hàng giảm giá lại các sàn thương mại điện tử, bạn nên nắm vững các bí kíp sau đây để tránh việc trở thành "con nai vàng ngơ ngác" của những trò lừa đảo đội lốt bán hàng qua mạng.

1. Mua sản phẩm từ các gian hàng chính hãng

Tại các sàn thương mại điện tử, những gian hàng có đuôi "Mall" là hàng chính hãng do chính sàn thương mại điện tử chọn lựa, phân phối và bán ra.

Nếu là người thường xuyên mua hàng tại các trang thương mại điện tử, chắc hẳn bạn sẽ nắm rõ cách bán hàng của những địa chỉ này. Thường có hai dạng cụ thể: hàng chính hãng do chính sàn thương mại điện tử chọn lựa, phân phối và bán ra. Ví dụ như Tiki có Tiki Trading. Hai là các cửa hàng có đăng ký bán trên sàn thương mại điện tử.

Theo những người thường xuyên mua hàng tại các sàn điện tử mách thì bạn nên chọn các sản phẩm do chính sàn thương mại điện tử đó phân phối. Bởi vì, món hàng đó đã được đội ngũ nhân viên của sàn thương mại điện tử xác thực xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng nên sẽ đảm bảo chất lượng hơn.

Còn đối với các mặt hàng được cung cấp từ bên thứ ba (tức là các cửa hàng, địa chỉ kinh doanh, cá nhân có đăng ký) thì dễ gặp rủi ro hơn. Do số lượng sản phẩm bán ra từ bên thứ ba rất khổng lồ, các sàn chưa thực sự sát sao cho việc kiểm tra món hàng đó dẫn đến việc nhập nhèm giữa hàng thật và hàng nhái khó phát hiện. Đặc biệt, vì vấn đề lợi nhuận nên việc trà trộn hàng kém chất lượng để bán là điều rất dễ xảy ra và nhiều người tiêu dùng còn khẳng định "gặp nhiều như cơm bữa".

2. Kiểm tra thông tin, độ tin cậy của bên thứ ba

Bí quyết để bạn tránh trở thành "con nai vàng ngơ ngác" bởi chiêu lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Nếu các sàn thương mại điện tử không cung cấp gian hàng chính hãng sở hữu sản phẩm bạn đang cần mua mà bắt buộc bạn phải lựa chọn mua hàng từ bên thứ ba, bạn hãy kiểm tra thông tin, độ tin cậy thật kỹ của bên thứ ba này.

Những thông tin cần kiểm tra là thời gian mở cửa hàng (ưu tiên cửa hàng có thời gian hoạt động tính bằng năm), độ uy tín (bằng review đánh giá sản phẩm của người đã từng mua ưu tiên những đánh giá liên quan tới mặt hàng mình dự định mua, nếu độ uy tín thấp hoặc không có đánh giá nào hãy suy nghĩ tới việc dừng mua sản phẩm để đảm bảo an toàn).

3. So sánh giá bán thông qua công cụ

Bí quyết để bạn tránh trở thành "con nai vàng ngơ ngác" bởi chiêu lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 4.

Sử dụng các web so sánh giá làm công cụ đánh giá sản phẩm. Tránh mua hàng giá thấp bởi tính rủi ro, hàng nhái rất cao.

Khi kiếm được món hàng cần mua trên các sàn thương mại điện tử, người mua nên so sánh thêm giá bán của chúng thông qua các trang web so sánh giá, hoặc tham khảo trên web bán hàng trực tuyến của chính hãng đó.

Kinh nghiệm để phân biệt được mức giá của sản phẩm là bạn lấy giá bán thấp nhất cộng với giá bán cao nhất và chia cho 2. Không nên chọn sản phẩm có mức giá quá thấp vì tính rủi ro, hàng nhái rất cao.

4. Theo dõi tình trạng đơn hàng

Bí quyết để bạn tránh trở thành "con nai vàng ngơ ngác" bởi chiêu lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 5.

Đây là quá trình quan trọng trong hệ thống bán hàng của các sàn thương mại điện tử. Bởi nhiều vụ đều đến từ nguyên nhân người tiêu dùng nhận hàng và khi mở ra lại phát hiện đó là hàng giả. Nhưng khi khiếu nại lại phát hiện đơn hàng không do sàn thương mại điện tử giao.

Đây là một lỗ hổng lớn trong vấn đề đảm bảo chất lượng hàng hóa mà các sàn thương mại còn mắc phải. Chính vì thế, bạn nên dành thêm thời gian sau khi đặt hàng để theo dõi tình trạng đơn hàng. Nếu đơn hàng đã ở trạng thái bị hủy mà vẫn có người gọi giao hàng thì nhiều khả năng bên thứ ba đã gian lận để bán được hàng giả, hàng nhái, hàng tồn kho mà không bị sàn thương mại điện tử phát hiện.

5. Lưu giữ tư liệu về gói hàng

Bí quyết để bạn tránh trở thành "con nai vàng ngơ ngác" bởi chiêu lừa đảo trên các sàn thương mại điện tử - Ảnh 6.

Quay video quá trình mở gói hàng là bằng chứng quan trọng để hỗ trợ bạn tối đa nhất trong việc đổi, trả hàng hóa tới các bên thứ ba.

Khi có rủi ro mua hàng xảy ra, hình thức khiếu nại của người tiêu dùng tới các sàn thương mại điện tử thường khá bế tắc vì không có bằng chứng xác minh tính xác thực thông tin. Đặc biệt, trong các đơn hàng có giá trị nhỏ vấn đề thủ tục, thời gian khiếu nại thường khiến khách hàng nản lòng mà chấp nhận chịu phần thiệt.

Để tránh điều này xảy ra, bạn nên lưu ý khi nhận hàng đừng vội mở hàng mà nên dùng điện thoại ghi hình lại quá trình mở món đồ đó. Nếu phát hiện hàng giả, bạn nên sử dụng tư liệu đó để khiếu nại với bộ phận chăm sóc khách hàng của sàn thương mại điện tử.

Thông thường, yếu tố này thường được coi là bằng chứng quan trọng để hỗ trợ bạn tối đa nhất trong việc đổi, trả hàng hóa tới các bên thứ ba.