Thời gian gần đây, liên tục các ca nhiễm bệnh bạch hầu ở xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) được ghi nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Đắk G'long đã có 4 trường hợp, 1 trường hợp đã tử vong. 3 ca dương tính còn lại và 5 ca nghi ngờ đang điều trị, theo dõi tại BV đa khoa vùng Tây Nguyên. Đã có hàng trăm người tại địa phương này được cách ly và tiến hành làm xét nghiệm.
Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp qua hô hấp và có thể gây tử vong, mỗi người đều nên cảnh giác cao trong thời điểm này để phòng tránh bệnh.
1. Bệnh bạch hầu là gì?
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên (Corynebacterium diphtheria). Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Trước đây bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước nhưng từ khi vắc xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
2. Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào?
Cũng theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bệnh cũng có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng.
Bệnh bạch hầu có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày. Tỷ lệ tử vong trung bình là 5% – 10%. Tỷ lệ tử này tăng đột biến – lên tới 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Độc tố bạch hầu có thể gây các tổn thương sau: Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim. Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận. Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
3. Các dấu hiệu của bệnh bạch hầu là gì?
Khi nhiễm bệnh, có thể dễ dàng nhận thấy triệu chứng điển hình của bệnh bạch hầu, tuy nhiên nhiều người chủ quan bởi triệu chứng của chúng thường giống bệnh vặt:
- Cơ thể bị sốt nhẹ, đau họng nhiều, ho, khàn tiếng và chán ăn.
- Sau 2-3 ngày, amidan có thể sưng to, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen.
- Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh bạch hầu. Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt.
- Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6-10 ngày.
- Trường hợp bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu sưng to cổ, khàn tiếng, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt.
Để phòng bệnh bạch hầu cho con, cha mẹ cần nắm rõ những vấn đề liên quan đến bệnh TẠI ĐÂY.