Nhiễm liên cầu khuẩn, một người bán thịt lợn suýt chết
Thông tin từ Bệnh viện 115 TP.HCM cho biết, khoa Bệnh Nhiệt đới mới tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Đó là trường hợp của bệnh nhân 74 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long, làm nghề bán thịt lợn và có tiền căn tăng huyết áp. Trước khi nhập viện, bệnh nhân bị đau, tê bì vai trái, kèm sốt, không đau đầu nên đi khám tại Bệnh viện Nhân dân 115.
Qua thực hiện các cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn và được điều trị nội khoa với kháng sinh. Sau thời gian điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, không còn sốt, vùng vai trái giảm đau và có thể xuất viện.
Đây là thông tin đang gây sốt hiện nay, nhất là trước tình hình Tết sắp đến cũng như nhu cầu dùng thịt lợn của người dân đang ở mức cao, nâng mức giá lên đến ngất ngưởng. Nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn luôn cận kề, bắt buộc người dân tuyệt đối không được chủ quan.
Liên cầu khuẩn lợn có thể giết người cực nhanh, người dân muốn ăn thịt lợn cần làm gì để phòng tránh?
Người dân cần đảm bảo ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, đồ tái từ lợn. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), thịt lợn ngon là thịt đang khỏe mạnh thì rất tươi màu sắc miếng thịt hồng tự nhiên, phần mỡ trắng.
Cụ thể:
- Màu sắc: Thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khi ấn tay vào miếng thịt sẽ thấy ấm và không rỉ nước. Thịt lợn đã tiêm thuốc để bơm nước thì thịt không còn màu hồng, màu nhạt hơn, khi ấn tay vào miếng thịt thì cảm thấy lạnh và nước rỉ ra ngoài.
- Độ săn chắc: Thịt lợn tươi ngon khi sờ vào thớ thịt có cảm giác đàn hồi, màng bên ngoài khô và dính. Trong khi đó, lợn đã bị tiêm thuốc, miếng thịt thường nhão, không có sự đàn hồi.
- Khi chế biến: Thịt lợn ngon khi chế biến sẽ săn lại, khi tẩm ướp gia vị thịt khô ráo, không ra nước. Thịt đã bị tiêm thuốc thì khi nấu, miếng thịt quắt lại, ra nhiều nước, ăn không ngon, mất đi hương vị đặc trưng và mau bị ôi thiu.
- Xem lớp mỡ bên dưới da miếng thịt, nếu lớp mỡ mỏng và lỏng lẻo nên tránh: Thông thường lợn siêu nạc được ăn hóa chất nên lớp mỡ mỏng hẳn đi, có khi dày chưa đến 1cm, trong khi lớp mỡ của thịt lợn bình thường khoảng 1,5-2cm.
- Thịt lợn có chứa các độc chất ractopamine và clenbuterol thường có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.
- Thái miếng thịt ra từng đoạn dày bằng 2-3 ngón tay, nếu thấy thịt mềm, không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng.
- Quan sát xem chỗ liên kết giữa phần nạc và mỡ, nếu thấy tách rời rõ rệt, đồng thời có nước dịch màu vàng rỉ ra, chắc chắn đó là thịt siêu nạc.
Ngoài ra, để tránh nguy cơ mua phải thịt lợn bẩn, người tiêu dùng cũng nên mua thịt lợn ở những cơ sở uy tín, có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng của cơ quan chức năng, tránh mua ở những hàng quán vỉa hè, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo an toàn.