Trung học Hành Thuỷ là ngôi trường nổi tiếng ở Hà Bắc, Trung Quốc với chất lượng đầu vào và đầu ra của học sinh cực cao. Hàng năm, số lượng học sinh của trường trúng tuyển vào các trường đại học top đầu như Thanh Hoa, Bắc Đại đều cao ngất ngưởng. 

Tuy nhiên, để đạt được thành tích như vậy, học sinh Trung học Hành Thuỷ phải trải qua khoảng thời gian học tập cực kỳ khắc nghiệt. Thậm chí, ngôi trường này từng nhiều lần bị cư dân mạng lên án là "cướp mất tuổi thơ" của học sinh.

Được biết, trường Trung học Hành Thuỷ tổ chức theo mô hình bán quân sự, tất cả phải tuân thủ giờ giấc và quy định nghiêm ngặt. Mới đây, thời khoá biểu của học sinh trường này được chia sẻ lên mạng xã hội khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng:

"Đáng sợ thật! Cả một ngày chỉ quay cuồng với việc học!"; "Nhìn lịch học của ngôi trường này khiến tôi bàng hoàng, thế hệ trẻ em ngày nay thật sự khổ hơn chúng ta ngày xưa rất nhiều! Một thế hệ không dám ốm đau, không dám nghỉ ngơi, nếu không sẽ thụt lùi so với bạn bè"; "Thảo nào tỷ lệ thi đỗ Thanh Hoa, Bắc Đại của trường này lại cao đến thế! Tôi cảm giác như đi lính vậy";... - Đây là một số bình luận của cư dân mạng xứ Trung.

Góc nhìn từ một nhà giáo dục

Chuyên gia tâm lý giáo dục nổi tiếng của Trung Quốc - Bà Lý Mai Cẩn từng kể lại cuộc trò chuyện với con gái: Bà nói: "Các con bây giờ hạnh phúc hơn thời của mẹ nhiều, ngày nào cũng được học tập, thật tuyệt vời!". 

Nhưng con gái bà đáp: "Mẹ à, thế hệ của chúng con chỉ ước được như mẹ, thời của mẹ mới là hạnh phúc". 

Khi bà không hiểu, con gái giải thích: "Mẹ không cảm nhận được nỗi đau của chúng con: Sáng 7 giờ 10 phải ngồi vào lớp, ngồi đến 5 giờ rưỡi chiều, rồi về nhà làm bài tập đến 11 giờ 30 đêm. Mẹ ơi, đây không phải là một ngày, mà là 12 năm". 

Đến lúc đó, bà mới thực sự nhận ra áp lực khủng khiếp mà trẻ em ngày nay đang phải đối mặt.

Áp lực đến từ trường học và gia đình

Không chỉ trong trường học, ngay cả khi trở về nhà, các em cũng không thể trốn thoát khỏi áp lực. Một bộ phim tài liệu từng ghi lại một ngày cuối tuần của một bé gái 7 tuổi ở Bắc Kinh:

7 giờ sáng, bé bị mẹ kéo khỏi giường để tham gia một chuỗi lớp học dày đặc. 9 giờ - 10 giờ, học đàn ukulele. 11 giờ - 12 giờ, học thanh nhạc tại nhà giáo viên. 13 giờ - 15 giờ, học múa ba lê. 15 giờ - 18 giờ, học tiếng Tây Ban Nha.

Cả ngày dài như đánh trận, bé gần như không có chút thời gian nghỉ ngơi hay vui chơi.

Đây không chỉ là câu chuyện của một em nhỏ, mà là bức tranh của rất nhiều trẻ em hiện nay: Ngày qua ngày chỉ biết di chuyển giữa nhà, trường học và các lớp học thêm, không có tự do, không có giải trí, và không có cả thời gian để thở.

Hậu quả nặng nề

Áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ, sự cạnh tranh với bạn bè cùng trang lứa… tất cả khiến nhiều trẻ em rơi vào trầm cảm, lo âu và chán ghét học hành.

Theo Viện Tâm lý học Trung Quốc, tỷ lệ trẻ bị trầm cảm tăng dần theo cấp học:

Tiểu học: 10 - 13%. Trung học cơ sở: 25 - 30%. Trung học phổ thông: Gần 38%.

Bệnh viện An Định tại Bắc Kinh cũng cho biết, khoa tâm thần trẻ em với 80 giường bệnh luôn kín chỗ. Bệnh nhân nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi.

Câu chuyện của một cô bé được bác sĩ tâm lý kể lại càng khiến người nghe xót xa. Cô bé khóc nức nở khi nhắc đến việc cha mẹ đã tốn bao nhiêu tiền bạc, thời gian để chăm sóc và kỳ vọng vào mình. Em liên tục nói: "Con không xứng đáng". 

Dù gia đình em rất khá giả, nhưng chính sự kỳ vọng vô hình ấy đã khiến cô bé rơi vào hố sâu của cảm giác tội lỗi và tự trách bản thân.

Học cách đồng hành cùng con

Những áp lực vô hình từ xã hội và gia đình là không thể tránh khỏi, nhưng mỗi bậc cha mẹ đều có thể làm một điều: Trở thành nơi nương tựa và động viên con.

Như câu chuyện về một người mẹ sau đây: Bà nhận thấy con gái mình – một học sinh lớp 12 – ngày càng mệt mỏi vì áp lực học tập. Một hôm, bà mua một chiếc máy làm kẹo bông gòn để tạo bất ngờ cho con.

Ngày hôm đó, bà xin phép giáo viên cho con nghỉ học buổi tối, và hai mẹ con cùng nhau làm kẹo, chơi đùa. Lần đầu tiên sau bao ngày, bà thấy con gái cười thật tươi.

Bà chia sẻ: "Tôi không biết nhiều về việc học, nhưng tôi biết làm thế nào để con bớt căng thẳng. Động viên con không chỉ là nói suông, mà phải hành động". 

Lời kết

Không phải cha mẹ nào cũng là chuyên gia giáo dục, nhưng mỗi người đều có thể chọn cách "nhìn thấy" những nỗi đau và áp lực mà con mình đang chịu đựng.

Hãy nhớ rằng, điều quan trọng nhất không phải là thành tích hay danh hiệu, mà là sức khỏe và niềm vui sống của con. Hãy yêu thương, đồng hành, và tạo cho con một nơi an toàn để nghỉ ngơi, để con có thể vững bước trên con đường phía trước.