Một trong những thói quen ăn uống của người Hàn Quốc phổ biến nhất là tiêu thụ nhiều muối. Trong khi một số các món ăn Hàn Quốc, chẳng hạn như bibimbap (cơm trộn), được coi là một bữa ăn lành mạnh thì một số món ăn khác như súp, các món hầm... lại bị coi là không tốt vì chứa quá nhiều muối.

Hàn Quốc được biết đến là một trong những nước tiêu thụ nhiều natri nhất thế giới. Theo tổ chức thế giới World Action on Salt and Health (Muối và Sức khỏe), người Hàn Quốc tiêu thụ trung bình 4,878 milligram muối/ngày trong năm 2010, cao hơn mức khuyến nghị tiêu thụ hàng ngày của WHO 2,4 lần.

Bác sĩ Cho Young-yun tại khoa Tiểu đường tại Trung tâm y tế Samsung (Hàn Quốc) cho biết tiêu thụ quá nhiều muối làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch, thận và huyết áp cao. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày và bị đột quỵ, theo World Action on Salt and Health.

"Các món ăn Hàn Quốc chứa nhiều chất natri bao gồm kimchi, hải sản ướp muối, mì, súp và các món hầm", Cho nói.

"Khi bạn ăn súp hoặc món hầm, cố gắng thêm hành tây hoặc ớt thay vì muối. Nếu bạn bị cao huyết áp, bệnh thận hoặc có vấn đề về tim, hãy cố gắng tránh ăn nhiều muối, nhất là ở món kimchi. Khi bạn đặt hàng món hầm tại các nhà hàng, hãy yêu cầu chủ cửa hàng không bỏ muối trong món ăn của bạn. Ngoài kimchi Hàn Quốc và các món hầm như Tteokguk (súp với bánh gạo xắt lát mỏng) và doenjang jjigae (món hầm đậu tương), các loại thức ăn nhanh như bánh pizza và mì cũng có thể chứa rất nhiều muối", Cho nói thêm.

Tiêu thụ quá nhiều natri có thể đặc biệt nguy hiểm đối với người cao tuổi, vì nó có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn, bệnh Alzheimer và bệnh tiểu đường. Nó cũng đã được tìm thấy là yếu tố tác động, làm tăng hoạt động của Helicobacter pylori - một loại vi khuẩn gây ung thư dạ dày.

thói quen ăn uống của người Hàn Quốc
Tiêu thụ nhiều muối và ăn quá nhanh trong thói quen ăn uống của người Hàn Quốc có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày và các bệnh khác. Ảnh minh họa

Để tránh tiêu thụ quá nhiều muối, bác sĩ Cho đề nghị sử dụng các gia vị khác thay thế cho muối khi nấu ăn, bao gồm: đường, giấm, nước cốt chanh, mù tạt, ớt, hành, gừng, hành tím, hạt mè, bột cà ri và tỏi...

Người Hàn Quốc cũng có thói quen ăn nhanh. Theo một nghiên cứu của Tiến sĩ Kim Do-hoon được tổ chức tại Bệnh viện Ansan, Đại học Hàn Quốc 2007-2009, gần 90% bệnh nhân của ông đã hoàn thành bữa ăn của họ trong vòng 15 phút. Nghiên cứu được tiến hành với sự tham gia của 8770 bệnh nhân.

Ăn nhanh không phải là điều có lợi cho sức khỏe vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng lipid máu (mỡ trong máu), trong đó bao gồm mức độ cao bất thường của các phân tử chất béo hòa tan trong máu. Bệnh này có thể được phòng ngừa thông qua ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Ăn quá nhanh cũng làm tăng nguy cơ trào ngược, khó tiêu và béo phì.

Bình thường, bộ não của chúng ta phải mất 15-20 phút để nhận ra rằng dạ dày đã nhận được đủ thức ăn và không cần an thêm nữa. Ăn nhanh thường dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều bởi vì não không kịp nhận được tín hiệu no từ dạ dày, khi nhận được thì quá muộn. Điều này dễ dẫn đến tăng cân và các vấn đề khác về tim mạch.

Cách tốt nhất để tránh ăn quá nhanh là bạn nên khiến cho thời gian ăn uống của bạn thú vị hơn, tránh căng thẳng khi ăn, không xem tivi khi ăn... 

Tiến sĩ Choi Bong-joon của Trung tâm y tế Samsung cho biết ăn quá nhanh có thể dẫn đến các bệnh liên quan đến lối sống, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và huyết áp cao.

"Hãy cố gắng dành ít nhất 30 phút để kết thúc bữa ăn của bạn và cố gắng để nhai thức ăn của bạn ít nhất 20 lần trước khi nuốt", Choi nói.