Tập luyện không chỉ giúp bạn có thêm tinh thần để chống chọi với bệnh tật mà còn trực tiếp đẩy lùi nó nữa, theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí JAMA Oncology.
Nghiên cứu được thực hiện trên 3.241 phụ nữ mắc ung thư vú giai đoạn II và III, có hồ sơ lưu trữ tại cơ sở chăm sóc y tế Kaiser Permanente (Bắc California - Mỹ) và Viện Nghiên cứu Ung thư Dana Farber (Massachusetts - Mỹ).
Khối lượng cơ bắp của nữ bệnh nhân càng cao, họ càng dễ sống sót qua cơn bệnh ung thư vú - ảnh: ABC NEWS.
Các nhà khoa học dùng máy CT scanner để đánh giá các mô cơ và phát hiện ra rằng tỉ lệ cơ bắp và nguy cơ tử vong luôn tỉ lệ nghịch với nhau, bất kể tuổi tác và giai đoạn bệnh. Cụ thể, người có khối lượng cơ cao thì nguy cơ tử vong thấp hơn và ngược lại.
Ngoài việc cơ bắp là biểu hiện cho sức khỏe – đồng nghĩa với khả năng chống chọi bệnh, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy việc cơ bắp tiêu biến và chất béo gia tăng là một trong những điều mà ung thư vú gây ra trên cơ thể người bệnh. Ngăn chặn được điều này, bạn phần nào chống lại sự suy sụp tổng thể và từ đó có thêm thời gian và khả năng để chống lại bệnh.
Một trong các tác giả, tiến sĩ Jennifer Ashton, Trưởng Phòng khám y khoa của Kaiser Permanente, khuyên người bệnh nên tranh thủ làm những động tác thể dục với trọng lượng tạ nhẹ (có thể tự chế) khoảng 1-1,4 kg khi đang làm những việc vặt hàng ngày. Và nếu có thể, hãy đi đến phòng tập gym hay chơi một môn thể thao nào đó nặng hơn.
Ngoài ra, giữ chế độ ăn uống khỏe mạnh là điều cần thiết cho cả việc xây dựng cơ bắp lẫn chống lại bệnh ung thư vú. Người đang tập để lên cơ cần bổ sung nhiều protein – vốn có nhiều trong thịt nạc, trứng, sữa, sữa chua, cá, đậu và các loại hạt. Một phụ nữ cỡ người trung bình, nặng 57 kg cần khoảng 45 g protein mỗi ngày, tương đương 85 g thịt gà và 3 ly sữa.
A. Thư (Theo ABC News)