Theo các bác sĩ, thủy đậu chủ yếu lây qua đường hô hấp, virus từ người bị có thể lây lan sang người bình thường qua nói chuyện, hắt hơi, ho, sổ mũi, qua tiếp xúc trực tiếp, dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh.
Mụn nước từ người bị bệnh thủy đậu có thể lây lan sang người bình thường thông qua quần áo, khăn mặt, đồ chơi, vật dụng làm việc, nhóm có nguy cơ mắc cao nhất là lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 2 - 3 tuần.
Bệnh thường khởi phát với các dấu hiệu như sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi, trẻ biếng ăn kèm tiêu chảy, mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chân tay và thân, xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ có thể nổi toàn thân.
Đến giai đoạn toàn phát trẻ bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, chán ăn, buồn nôn, mệt mỏi, đau đầu và đau cơ. Các nốt ban đỏ bắt đầu có những nốt phỏng nước hình tròn, đường kính từ 1 - 3 mm. Các mụn nước gây ngứa, rát, rất khó chịu. Nếu bị nhiễm trùng mụn nước sẽ có kích thước lớn hơn, dịch bên trong mụn nước màu đục do chứa mủ.
Để phòng tránh bệnh thủy đậu và tránh lây lan trong cộng động, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% hàng ngày.
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung nhiều loại Vitamin và khoáng chất cần thiết, ăn nhiều loại trái cây giàu vitamin C. Chế độ ăn của bé cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, cân bằng 4 nhóm chất gồm đạm, bột, béo, vitamin và khoáng chất.
Chủ động tiêm phòng vaccine thủy đậu phòng bệnh sớm khi bé được 12 tháng, vaccine được tiêm tại các cơ sở y tế tiêm chủng dịch vụ.
Khi có biểu hiện sốt cao, kém ăn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.