Sau những ngày hanh khô, thời tiết đã có sự chuyển biến lớn, nhiệt độ giảm sâu vào sáng sớm và đêm muộn. Lúc này, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng cho sức khoẻ của trẻ nhỏ, đặc biệt là các bé mới chào đời. Sức đề kháng của các con còn non nớt, hệ miễn dịch yếu kém là nguyên nhân dẫn tới việc bị mắc các bệnh về đường hô hấp trên. Bên cạnh đó, việc lây nhiễm chéo các bệnh trong mùa dịch cũng là điều khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Trẻ sơ sinh có 4 vị trí tối quan trọng cần giữ ấm
Theo Đông ý, có 4 vị trí tối quan trọng trên cơ thể đặc biệt cần được giữ ấm trong thời tiết lạnh của mùa đông, đó là: rốn và vùng lưng bụng; đầu; bàn chân; các khớp tay, chân. Riêng đối với trẻ nhỏ thì việc giữ ấm cho trẻ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết bởi khả năng chịu rét của trẻ còn kém và hệ thống miễn dịch còn non yếu, chưa đủ sức chống lại giá rét như cơ thể người trưởng thành.
Giữ ấm 4 vị trí trên thế nào cho đúng cách?
1. Đầu
Theo Đông y, đầu là nơi tụ khí dương của toàn bộ cơ thể, trăm mạch tương thông. Vì vậy, nếu đầu của trẻ bị lạnh sẽ rất dễ bị hao tổn dương khí, dẫn đến trẻ mệt mỏi, đau đầu, cảm lạnh. Để đảm bảo đầu bé được ấm áp, tránh gió, cha mẹ có thể đội mũ len cho bé vừa tránh gió lại vừa giữ ấm cho vùng đầu, quàng thêm khăn để đồng thời giữ ấm cổ, đặc biệt là khi đi ra ngoài.
Tuy nhiên, lưu ý đầu bé lại là vị trí rất dễ đổ mồ hôi. Mẹ buộc phải thường xuyên quan sát, sờ xem con có bị nóng quá không, có khó chịu không. Hoặc khi mẹ thấy con liên tục sờ lên đầu, quấy khóc khi đội mũ thì rất có thể bé đang không thoải mái. Việc đổ mồ hôi nhiều ở vùng đầu trong thời tiết giá rét cũng dễ gây nguy hiểm.
Ngoài ra, chất liệu các loại mũ đội cho trẻ cũng nên lưu ý. Trời lạnh thế này thì mẹ chọn các loại mũ dạng nỉ, mũ len nhưng phải đảm bảo xuất xứ, tránh gây ngứa cho con.
2. Rốn và vùng lưng, bụng
Rốn có huyệt thần khuyết liên kết với các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể của bé cũng giống như người lớn. Đây cũng được xem là vị trí giúp cơ thể chống lại mầm bệnh từ bên ngoài. Đông y coi rốn là điểm cung cấp sinh khí và máu cho toàn bộ cơ thể. Giữ ấm rốn và vùng lưng, bụng sẽ giúp bé giảm nguy cơ bị cảm lạnh, đau bụng, tiêu chảy, viêm ruột và đảm bảo sinh khí ổn định.
Riêng với vùng lưng, có một vấn đề cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đó là lưng trẻ rất dễ ra mồ hôi khi được ủ ấm quá mức hay vận động, và khi đó, mồ hôi sẽ thấm ngược trở lại khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh. Vì vậy, cần lưu ý đảm bảo lưng trẻ luôn giữ ấm và khô ráo.
Để giúp vùng bụng của bé sơ sinh không bị hở, cha mẹ nên cho bé mặc bộ body dài vì con rất hiếu động, chỉ cần vươn tay cũng có thể khiến quần áo bị xô lệch. Tuy nhiên, khi mặc những bộ như vậy, việc kiểm soát xem con có đổ mồ hôi không lại khó khăn hơn, thế nên phụ huynh phải cực kỳ chú ý điều này nhé.
3. Bàn chân
Bàn chân của trẻ là nơi chịu nhiều áp lực khi toàn bộ sức nặng của cơ thể chủ yếu đè lên đôi chân. Bàn chân cũng là nơi có nhiều mạch máu và huyệt đạo chịu trách nhiệm điều hòa âm dương cho cơ thể. Nếu chân của trẻ bị lạnh, các cơ quan nội tạng trong cơ thể bé cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cha mẹ hãy nhớ đeo tất chân cho bé, rửa chân với nước ấm và lau khô cho trẻ. Việc mát-xa chân cho bé cũng giúp lưu thông các mạch máu, chân bé sẽ ấm áp hơn để chống chọi với thời tiết lạnh giá như hiện nay.
Đặc biệt, bố mẹ có thể bôi cho con một ít dầu giữ ấm riêng cho trẻ sơ sinh vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ để con không bị cảm lạnh.
4. Các khớp tay, chân
Khi trời lạnh, hiện tượng căng cơ càng trở nên nghiêm trọng hơn. Các khớp gối, khớp cổ tay, khớp ngón tay có thể bị lạnh, làm cho tuần hoàn máu kém và dẫn đến viêm khớp. Trẻ nhỏ và người già là những đối tượng mà khả năng điều chỉnh của các khớp không tốt và rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm nhiễm.
Nếu cha mẹ thấy các khớp tay, chân bé có dấu hiệu đỏ ửng hoặc trắng nhợt, khớp yếu thì ngay lập tức ủ ấm cho trẻ. Thường xuyên cho trẻ vận động phù hợp để các mạch máu lưu thông, tránh bị căng cơ, mỏi khớp.
Với trẻ sơ sinh, bố mẹ nên cho bé tập những bài nhẹ nhàng, massage các bộ phận cơ thể để giúp con khoẻ mạnh hơn.
Một số dấu hiệu cho thấy trẻ sơ sinh đang bị lạnh
- Sờ thấy bàn tay và bàn chân lạnh hoặc vùng da gáy lạnh cũng là dấu hiệu gợi ý nhiệt độ của trẻ thấp.
- Da tái nhợt: dấu hiệu này xuất hiện kèm với tình trạng giảm hoạt động là dấu hiệu gợi ý rõ tình trạng hạ thân nhiệt.
- Trẻ quấy khóc không rõ lý do: Khi mới cảm thấy lạnh, trẻ sơ sinh có thể quấy khóc mà không rõ lý do như một dấu hiệu gợi ý và cảnh báo với bố mẹ. Khi điều này xảy ra, nên mặc thêm đồ ấm để khiến trẻ thoải mái hơn.
- Trẻ hắt xì hơi: đây là một phản xạ liên quan đến vùng dưới đồi, nơi kiểm soát nhiệt độ trung tâm của cơ thể. Điều này giải thích tại sao trẻ thường hắt xì khi cảm lạnh.
- Trẻ ít hoạt động: đây là dấu hiệu nguy hiểm nhất khi trẻ bị lạnh. Những dấu hiệu gợi ý tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ kể trên không nên được bỏ qua vì có thể bỏ lỡ giai đoạn phục hồi cho trẻ. Khi trẻ trở nên lừ đừ ít hoạt động, tình trạng hạ thân nhiệt đã đến mức nặng nề.