Khi bé Tess Duke tỉnh dậy giữa đêm và ho sặc sụa đến mức không thở nổi thì mẹ cô bé - chị Jane cũng không hoảng loạn. Là một y tá được đào tạo bài bản, chị nhận ra những tiếng ho khù khụ của bệnh viêm thanh khí phế quản và liền mở cửa cho thoáng giúp con dễ thở rồi tắm nước ấm. Tuy nhiên khi cô bé 4 tuổi bắt đầu thở hổn hển và tím tái thì chị Jane biết cần phải đưa con đến viện cấp cứu ngay.

May mắn là đa số trường hợp trẻ ho không nặng đến mức phải đi cấp cứu. "Trong đa số trường hợp, nguyên nhân gây ho là do nhiễm trùng đường hô hấp phần trên còn được biết đến với tên cảm lạnh", Norman Saunders - phó giáo sư chuyên khoa nhi tại đại học Toronto (Canada) cho biết.

Vậy làm thế nào để biết khi nào cơn ho là nghiêm trọng, khi nào chỉ là ho thông thường và sẽ tự khỏi? Câu trả lời là hãy lắng nghe, bé ho ra sao và ho vào lúc nào - đây chính là những dấu hiệu giúp bạn biết nguyên nhân gây ra cơn ho.

Thời tiết lạnh giá trẻ thường bị ho và đây là cách giúp cha mẹ nhận biết liệu con mình có bị ho nặng không? - Ảnh 1.

Nghe tiếng ho của con và theo dõi thời điểm ho có thể giúp ba mẹ biết con mắc bệnh gì (Ảnh minh họa).

1. Hen phế quản

Khi trẻ bị hen phế quản, tiếng ho khò khè kéo dài và tình trạng khó thở sẽ trở nặng vào ban đêm, sau khi vận động, tiếp xúc với không khí lạnh, khói thuốc hoặc bụi nhà.

Sheldon Spier - trưởng khoa dược hô hấp nhi khoa tại Đại học Calgary (Canada) cho biết: "Cách điều trị là uống thuốc được kê đơn, tránh các tác nhân kích thích cơn hen. Những trẻ đã được chẩn đoán có thể sinh hoạt bình thường nếu các con học cách kiểm soát các cơn hen một cách hiệu quả".

Hãy uống thuốc ngay khi xuất hiện cơn ho khò khè đầu tiên, dùng thuốc càng muộn thì càng lâu khỏi. Thêm nữa, hãy để con luyện tập cách dùng thuốc xịt trị hen suyễn đúng cách với bác sĩ hoặc dược sĩ. Ví dụ, khẩu trang và ống xịt sẽ giúp thuốc xịt hiệu quả hơn với trẻ nhỏ.

Nếu những cơn ho trở nặng, trẻ khó thở hoặc nếu khoảng cách giữa các lần dùng thuốc xịt ngắn hơn 4 giờ thì cần đưa trẻ đi viện.

2. Viêm tiểu phế quản

Đặc điểm của cơn ho kiểu này là hơi thở gấp gáp, khò khè. Dạng ho này là do vi khuẩn gây nhiễm trùng, tiếng ho có vẻ giống như hen phế quản và thường xảy ra vào cuối thu đến đầu xuân ở trẻ dưới một tuổi.

Để điều trị hãy cho trẻ uống nhiều nước, nghỉ ngơi và dùng máy tạo ẩm phun sương để long đờm, những trường hợp nhẹ sẽ khỏi trong vòng một tuần.

Hãy cho trẻ đi viện nếu trẻ thấy khó thở, nhiều trẻ thậm chí cần thở bình oxi mà ở viện mới có hoặc dùng thuốc epinephrine để mở đường thở.

3. Bệnh viêm xoang

Dấu hiệu của bệnh này là trẻ ho bất cứ khi nào nằm xuống, cơn ho là do đờm chảy từ mũi và xoang xuống cổ họng, đôi khi kèm theo nước mũi màu xanh.

Cho trẻ uống nhiều nước và đặt bình xịt trong phòng trẻ giúp mũi thông hơn, dùng nước ấm hoặc nước muối sinh lí để nhỏ làm sạch gỉ mũi. Không nên dùng thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ mũi.

Hãy đưa trẻ đi viện nếu trẻ bị sốt, ớn lạnh, ho có đờm xanh kéo dài từ 10 ngày trở lên. Viêm xoang do vi khuẩn gây ra và do đó cần điều trị bằng kháng sinh.

4. Cảm lạnh thông thường

Thời tiết lạnh giá trẻ thường bị ho và đây là cách giúp cha mẹ nhận biết liệu con mình có bị ho nặng không? - Ảnh 2.

Mỗi một căn bệnh đều có những dấu hiệu ho khác nhau (Ảnh minh họa).

Cơn ho kiểu này thường có đờm và đi kèm với sốt. Đa số trẻ sẽ bị cảm lạnh từ 6 đến 10 lần một năm.

Điều trị cho trẻ bằng cách vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lí cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bởi vì thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ. Trẻ lớn có thể dùng ibuprofen hoặc acetaminophen để giảm sốt và các cơn đau kèm theo, nước hầm xương sẽ giúp trẻ dễ chịu và máy tạo ẩm phun sương giúp làm long đờm.

Đưa trẻ đến viện nếu ho hoặc sốt không đỡ sau 5 ngày hoặc xuất hiện triệu chứng mới như viêm tai giữa (dấu hiệu viêm tai giữa có thể là đau tai, sốt, nôn trớ). Đưa trẻ khám ngay lập tức nếu thấy con dưới 3 tháng tuổi khó thở hoặc sốt cao trên 39 độ, bỏ bú hoặc nôn trớ, mệt mỏi. Trẻ từ 3 đến 12 tháng với những triệu chứng tương tự nên đi khám bác sĩ trong vòng 24 giờ.

5. Viêm thanh khí phế quản

Trẻ bị viêm thanh khí phế quản thường giọng khàn, tiếng ho đục. Thở hổn hển, thở rít vì đường thở bị sưng to, viêm thanh khí phế quản phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi.

Điều trị cho trẻ với không khí ấm và ẩm giúp đường thở thoáng, dễ chịu. Hãy ngồi cùng con trong bồn tắm hơi, đóng cửa trong vòng 5-10 phút, đôi khi gió mát cũng có tác dụng hiệu quả.

Đưa trẻ đi viện nếu những cơn ho ngày càng nặng và đưa đi cấp cứu nếu những triệu chứng sau xuất hiện: môi hoặc lưỡi chuyển màu xanh, thở rít kéo dài hơn 10 phút. Thuốc steroid có thể giảm viêm an toàn và nhanh chóng.

6. Ho do tâm lý

Tiếng ho to và khô, thường xuất hiện sau khi bị bệnh đường hô hấp ở trẻ độ tuổi đi học. Mặc dù nguyên nhân thường là do tâm lý, thói quen và nặng dần lên do áp lực, cơn ho thường gây rát cổ và lặp lại theo chu kì.

Điều trị bằng viên ngậm cho trẻ trên 7 tuổi (loại không có vị, nếu không trẻ sẽ nhai như kẹo) giúp giảm cơn ho. Xác định nguyên nhân kích thích cơn ho và thử các biện pháp giúp trẻ giảm áp lực.

Đưa trẻ đi khám nếu ho kéo dài. Bác sĩ có thể giới thiệu con bạn đến gặp bác sĩ tâm lý để được đánh giá chính xác hơn.

7. Ho gà

Khi mắc ho gà trẻ sẽ ho từng tràng dài dữ dội, sau đó hít một hơi và tiếp tục ho. Một số trẻ ho đỏ mặt hoặc tím tái và có thể nôn ọe sau khi ho. Trẻ sơ sinh và người lớn có thể không ho nhưng có thể ngừng thở đến 30 giây. Trẻ chưa được tiêm phòng là đối tượng rất dễ mắc ho gà vì miễn dịch giảm dần theo tuổi, có thể người lớn đang phát tán bệnh mà không nhận ra.

Hãy sử dụng máy tạo ẩm phun sương nếu không khí trong nhà quá khô. Máy giúp trẻ làm dịu cơn ho vì những cơn ho có thể kéo dài ngắt quãng hàng tháng trời. Ho là cơ chế để cơ thể làm sạch đường thở nên hãy tránh dùng thuốc ho.

Đưa trẻ đi viện nếu con bạn dưới 2 tuổi vì ho gà có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù viêm nhiễm không nghiêm trọng như vậy ở trẻ lớn, trẻ vẫn cần được bác sĩ thăm khám. Kháng sinh có thể làm giai đoạn viêm nhiễm giảm xuống còn 5 ngày nhưng không làm dịu các triệu chứng một khi cơn ho đã bắt đầu. Những thành viên khác trong gia đình cần dùng kháng sinh phòng ngừa hoặc tiêm lại vaccine.

Những điều cha mẹ cần nhớ để phòng tránh bệnh ho cho con:

- Nên rửa tay thường xuyên để tránh vi rút lây lan sang các thành viên khác của gia đình và giảm đáng kể các cơn cảm lạnh trong tương lai.

- Không nên cho trẻ uống thuốc ho mua tại hiệu thuốc mà không có đơn của bác sĩ, Norman Saunders - phó giáo sư nhi khoa tại Đại học Toronto cho biết: "Rất nhiều trẻ em phải điều trị khẩn cấp sau khi dùng thuốc ho và không có những bằng chứng nào cho thấy những loại thuốc này có hiệu quả".

Nghiên cứu của Mĩ cho thấy trong vòng 2 năm, hơn 1.500 trẻ nhỏ phải nhập viện do phản ứng khi uống thuốc ho. Kết hợp siro ho và thuốc giảm đau có thể gây ra quá liều một thành phần chung có ở cả 3 loại thuốc, ví dụ như acetaminophen.

- Nên thường xuyên khử trùng máy tạo ẩm và nên đổ nước sau mỗi lần sử dụng để tránh các vi khuẩn có hại.

- Không nên ngạc nhiên nếu bác sĩ gợi ý cho con bạn sử dụng xịt mũi để điều trị cơn ho dai dẳng. "Các bác sĩ đang cố gắng tích cực hơn trong việc điều trị cho những đứa trẻ bị hen suyễn nhưng chưa được chẩn đoán chính thức", Ari Brown - bác sĩ nhi khoa tại Austin, Texas (Mỹ) cho hay.

- Không sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc xịt. Hiệp hội Nhi khoa Canada không khuyến khích điều này cho trẻ dưới 6 tuổi, thuốc này chỉ giúp dễ chịu nhất thời và thậm chí còn làm tình trạng ngạt mũi nặng hơn nếu được sử dụng nhiều hơn 2-3 ngày.

Nguồn: Parent