Quan niệm của người Ai Cập cổ đại về sự sống
Sau những lần khai quật hầm mộ của người Ai Cập cổ đại, các nhà khảo đã tìm ra sự thật rằng, họ dành rất nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho cuộc sống ở kiếp sau. Sự tỉ mỉ trong việc chôn cất thi thể người chết khiến ta có cảm giác như người Ai Cập coi cuộc sống sau khi chết còn quan trọng hơn nhiều so với sự sống hiện tại.
Bức họa người phụ nữ nông dân Ai Cập và đứa con của họa sĩ Elisabeth Jerichau-Baumann, năm 1872
Tuy điều này nghe có vẻ khó hiểu trong thời đại hiện nay nhưng dù sao quan niệm trân trọng mọi mặt của đời sống mà người Ai Cập luôn theo đuổi là điều không thể phủ nhận. Dưới đây là những dòng thơ đúc kết lại triết lý sống của người dân thời đó:
Đừng để trái tim phải phiền lòng
Khi còn lưu lại nơi trần thế
Hãy trân trọng mỗi ngày trôi qua
Điều răn của thánh Ma’at, hay còn được gọi là 42 lời thú tội tiêu cực, cũng thể hiện quan điểm coi trọng lẽ sống của nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Cuộn giấy cói minh họa hình ảnh thánh Ma’at trong văn hoá Ai Cập
Tuy xã hội Ai Cập cổ đề cao giá trị cuộc sống đối với đàn ông và phụ nữ nhưng những quy định liên quan đến bào thai trẻ em chưa sinh vẫn còn khá lỏng lẻo. Khác với những nền văn minh khác theo chủ nghĩa độc thần thường có quan điểm bài trừ việc tránh thai, việc ngăn không để phụ nữ trải qua giai đoạn thai nghén lại rất được khuyến khích ở Ai Cập, thậm chí người ta còn phát minh ra những loại thuốc tránh thai sơ khai đầu tiên.
Phụ nữ Ai Cập cổ có quyền tự quyết định cơ thể mình sẽ phải chịu những tổn thương gì. Họ hoàn toàn được tự do lựa chọn và quyết định việc có mang thai hay không mà không phải chịu bất cứ áp lực nào.
Chuyện sinh nở đối với phụ nữ Ai Cập cổ đại
Sông Nile chính là nguồn sống của hoạt động canh tác và sinh hoạt của con người thời kỳ cổ đại, khi mà người Ai Cập hoàn toàn phụ thuộc vào lượng phù sa bồi đắp từ nó để làm màu mỡ thêm mảnh đất vốn khô cằn của mình. Đây cũng là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giao thương cũng như là môi trường lý tưởng cho động thực vật trù phú phát triển.
Nguồn thức ăn chính của người dân Ai Cập là những con cá đánh bắt được ngoài bờ sông Nile. Quan trọng hơn cả, việc canh tác nông nghiệp cũng trở nên thuận lợi khi có lượng phù sa sông Nile bồi đắp, nhờ đó sản lượng lúa mì, gai và giấy cói luôn duy trì ở mức ổn định.
Tuy có vai trò quan trọng như vậy nhưng mỗi mùa lũ về thì dòng sông Nile lại trở nên vô cùng bất ổn. Người Ai Cập cổ có cách để giảm thiểu tác hại của sự bồi đắp thiếu nhất quán giữa hai bên bờ con sông này. Bằng chứng là họ đã ứng dụng khoa học vào thủy lợi và phát minh ra thang đo Nilometer, được dùng để đo mực nước sông Nile. Dựa vào đó, người ta sẽ tính toán thời điểm gieo trồng vụ mùa cũng như mức thuế suất sẽ phải đóng cho chính quyền sao cho phù hợp.
Nghi lễ mai táng dành cho một chú mèo Ai Cập, bức họa của John Reinhard Weguelin năm 1886. Ảnh: Public Domain
Với khối kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn để đối mặt với dòng sông Nile kì vĩ, việc người Ai Cập cổ có thể tính toán được chính xác thời điểm người phụ nữ bước vào giai đoạn thai kì chỉ bằng những bài thử nghiệm nhỏ là điều không có gì phải bất ngờ. Những phương phát xét nghiệm này khá giản đơn khi so sánh với tiêu chuẩn khoa học và y tế hiện đại ngày nay, nhưng ít ra nó vẫn tỏ ra vô cùng hiệu quả trong việc chuẩn đoán xem liệu một cô gái có đang mang thai hay không.
Các nhà khảo cổ học tin rằng, cách phụ nữ Ai Cập cổ thường làm là đặt một chút lúa mạch và lúa mì vào cùng 1 lọ đựng, sau đó họ sẽ tiểu tiện vào đó trước khi đậy kín nắp lại và để nguyên trong vòng 3 ngày tiếp theo. Nếu sau 3 ngày đó mà hạt giống bên trong không nảy mầm thì điều này chứng tỏ người phụ nữ không có thai. Ngược lại, nếu hạt giống bên trong nảy mầm thì đó là dấu hiệu chứng tỏ cô gái ấy đang bước vào giai đoạn thai nghén. Kết luận này có được là bởi khi nồng độ estrogen trong nước tiểu tăng cao sẽ khiến hạt giống có xu hướng nảy mầm sớm.
So với nền y học hiện đại, chỉ cần mất 3-5 phút là biết được liệu một phụ nữ có thai hay không thì thời gian cho ra kết quả của phương pháp cổ xưa này có vẻ quá lâu. Nhưng người ta không thể phủ nhận tính chính xác của phương pháp này.
Các biện pháp tránh thai thuở sơ khai
Biện pháp xuất tinh ngoài âm đạo có lẽ là một trong những phương pháp tránh thai lâu đời nhất dưới thời Ai Cập cổ đại và thậm chí còn được sử dụng trước khi người Ai Cập biết đến nó. Tuy vậy, cách thức tránh thai có phần nguyên thuỷ này thực chất chưa phải là cách duy nhất để ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn đối với người dân ở đất nước này.
Đàn ông Ai Cập được cho là đã sử dụng bao cao su với chất liệu thô sơ làm từ da động vật như một cách để tránh thai. Phụ nữ thời đó cũng chủ động lựa chọn cho mình phương pháp đặt vòng hoặc các loại vòng tránh thai có tác dụng tương tự trước khi giao hợp để bảo vệ bản thân khỏi việc có thai ngoài ý muốn.
Chiếc vòng này được làm từ hỗn hợp phân cá sấu, mật ong và cuối cùng là muối natri cacbonat. Tất cả được hoà trộn vào nhau tạo thành một dạng bột dính tựa như chất màng mỏng. Do có nồng độ axit cao nên nó giúp triệt tiêu tất cả tinh trùng có mặt ở gần đó, nhờ vậy ngăn không để chúng xâm nhập và kết hợp với trứng của người phụ nữ để tạo thành hợp tử.
Một phương pháp khác để đưa hỗn hợp này vào bên trong cơ thể phụ nữ chính là bằng cách đun nóng một chậu nước chứa đầy các nguyên liệu kể trên. Sau đó, cô gái sẽ ngồi ngay lên phía trên miệng chậu. Khi đó, hơi nóng kết hợp với các chất hoá học có trong chậu sẽ tiêu diệt sự có mặt của tinh trùng, nhờ đó ngăn ngừa và phòng tránh được việc mang thai.
Kế hoạch hóa gia đình thời Ai Cập cổ đại
Các phương thức kế hoạch hóa gia đình khác được sử dụng có thể kể đến như trộn lẫn lá cây keo, mật ong và một loại thảo dược khác chưa được xác định, không chỉ có chức năng phòng tránh thai mà thậm chí còn được dùng để phá thai nữa. Theo cuộn giấy Ebers, một tài liệu y khoa cổ có niên đại từ những năm 1550 - 1500 trước Công Nguyên, phương pháp này được biết đến với khả năng ngăn chặn thụ thai ở người phụ nữ trong những kỳ tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ), thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ) và cả thứ ba (3 tháng cuối thai kỳ) nữa.
Câu hỏi được đặt ra là người Ai Cập cổ có thường xuyên sử dụng các biện pháp tránh thai nói trên hay không? Rất khó để dự đoán được câu trả lời. Nhưng có một điều chắc chắn là tuy họ là những người yêu sự sống nhưng có những thời điểm những quyết định thực tiễn mang tính lý trí cao sẽ được lựa chọn và điều này hoàn toàn được xã hội Ai Cập chấp nhận. Mỗi cặp vợ chồng đều có quyền được tự quyết định khi nào nên sinh con để duy trì nòi giống.
Cuộn giấy Ebers còn sót lại từ thời Ai Cập cổ đại (niên đại khoảng năm 1550 trước Công Nguyên).
Mặc dù đối với nền văn minh Ai Cập cổ đại, sự sống là một thứ gì đó hết sức thiêng liêng, nhưng có thể nói đối với họ thì sự sống chỉ thực sự bắt đầu sau khi một đứa trẻ chính thức chào đời. Chính suy nghĩ này làm nên giá trí cốt lõi của quan niệm rằng, cơ thể con người chính là vỏ bọc bên ngoài linh hồn của các thánh thần, cần phải được bảo tồn và gìn giữ cho đến khi họ chính thức về với kiếp sau.
Những khám phá khảo cổ đã củng cố thêm sự thật rằng, phụ nữ Ai Cập được quyền lựa chọn có nên sinh ra đứa con của mình hay không, ngay từ khi mới có dấu hiệu của sự mang thai. Điều này khiến Ai Cập trở thành nền văn minh đầu tiên của loài người biết đến kế hoạch hóa gia đình cũng như thực sự thành công trong việc kiểm soát dân số một cách hiệu quả.
Nguồn: Ancient Origins