Theo đó, vào ngày hôm qua (10/5), các chuyên gia đầu ngành cấp cứu, điều trị tích cực, ghép tim phổi và lồng ngực tại nhiều bệnh viện như Việt Đức, Chợ Rẫy, Bạch Mai, Trung ương Huế, Bệnh nhiệt đới TP HCM... đã có buổi hội chẩn trực tuyến để bàn các phương án cứu chữa bệnh nhân này.

Cuộc hội chẩn diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực của Việt Nam như GS.TS Nguyễn Gia Bình - chuyên gia về điều trị tích cực; GS.TS Trần Bình Giang - giám đốc Bệnh viện Việt Đức; PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - chuyên gia về ghép tim, phổi, giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức...

Bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt TP Hồ Chí Minh vẫn đang trong tình trạng rất nguy kịch. Hiện tại bệnh nhân nằm yên/an thần, không sốt. Siêu âm tim phổi co bóp đồng bộ, phổi phải hết tràn khí, xẹp thùy sau dưới, ít dịch màng phổi phải…

Thông tin mới nhất về việc ghép phổi cho phi công người Anh - Ảnh 1.

Nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 - có yếu tố béo phì). Bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này.

Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Bệnh nhân xác định dương tính ngày 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện, suy hô hấp tăng dần, diễn tiến ngày càng xấu dù còn trẻ (43 tuổi)

Trước đó, bệnh nhân chỉ bị đông đặc một bên phổi, xong hiện giờ tình trạng này đã xuất hiện ở cả hai bên phổi. Sau 53 ngày điều trị, 34 ngày được can thiệp ECMO, thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 15. Hiện bệnh nhân đang tiếp tục phải thở máy, lọc máu, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc hội chẩn là để đánh giá các yếu tố lâm sàng, cận lâm sàng để cứu chữa bệnh nhân. Trong đó bàn bạc đến phương án ghép phổi, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn nguy kịch nên vẫn phải tính toán rất kỹ.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết nếu có chỉ định ghép phổi thì việc cố gắng tìm được người cho cũng là một thách thức rất khó, thời điểm chỉ định của người nhận cũng rất quan trọng. Do đó, hội đồng chuyên môn đã có những bàn bạc, xem xét, đánh giá rất kỹ lưỡng để có phương án tính toán tiếp theo.

"Các biện pháp dù vất vả, tốn kém, thầy thuốc Việt Nam hết lòng cứu chữa, phục vụ người bệnh", PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định.