Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, quan điểm của sở là bảo đảm ổn định kỳ thi tuyển sinh lớp 10 bao gồm cả thời gian, cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức.

Vẫn giữ ổn định 3 môn thi

Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP HCM, về cơ bản kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2021 sẽ giữ ổn định như các năm trước đây. Cụ thể, để dự thi vào lớp 10, học sinh (HS) sẽ dự thi 3 môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Những HS muốn dự thi vào trường chuyên hoặc trường có lớp chuyên sẽ dự thi thêm môn chuyên.

Thông tin mới về tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM - Ảnh 1.

Thí sinh thi lớp 10 tại TP HCM năm 2019 .Ảnh: TẤN THẠNH

Từ nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP HCM giữ vững ổn định về cấu trúc đề thi và nội dung kiến thức. Cụ thể, ở môn ngữ văn, gồm 3 phần là đọc - hiểu, nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Theo các giáo viên (GV) môn ngữ văn, ở thời điểm này, song song với việc học tập kiến thức trên lớp, để ôn tập vào lớp 10, HS cần đọc lại các bài đã học, đọc thêm các sách tham khảo, tham khảo cấu trúc đề tuyển sinh 3 năm gần đây và thử giải các đề này. GV cũng lưu ý HS không học theo kiểu đoán đề hoặc lựa chọn các đề bài quá khó để giải. Hãy rèn luyện các kỹ năng và tích lũy kiến thức trước.

Những lỗi HS thường gặp khi ôn tập và thi môn ngữ văn được các GV chỉ ra thường là ở câu đọc hiểu văn bản: do chưa có kỹ năng đọc nên với các câu hỏi ở mức độ phân tích, suy luận sẽ không tóm tắt được nội dung của văn bản, trả lời còn dài dòng, lan man, thừa ý. Trong khi đó, ở câu nghị luận xã hội, do yếu đọc hiểu nên khi gặp đề bài hơi dài là lúng túng trong việc xác định luận đề (tức là vấn đề cần bàn). 

Ở câu nghị luận văn học thì yếu ở kỹ năng phân tích, thường diễn xuôi lại tác phẩm. Bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Phần nối kết tác phẩm với thực tế cuộc sống chưa sát, còn gượng ép. Các GV cũng chỉ ra những nguyên nhân ảnh hưởng đến bài làm như phân bố thời gian không hợp lý cho các phần, các câu; đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; bài làm không hoàn chỉnh.

Trong khi đó, ở môn toán và tiếng Anh, theo các GV, HS cần chú ý các câu hỏi vận dụng từ thực tế. Ở môn toán, cấu trúc đề thi không thay đổi. Cụ thể, đề có 8 câu, thời gian làm bài 120 phút. Trong đó, câu 1 và 2 là dạng toán cơ bản thuần túy về hàm số, đồ thị, phương trình; 5 câu tiếp theo là dạng toán thực tế; câu 8 là toán chứng minh hình học. 

Trong đó, các bài toán dạng thuần túy là dạng bài rất dễ lấy điểm, HS đã rất quen thuộc. Vì thế, khi ôn tập, HS cần chú ý làm cho thuần thục để tránh mất điểm trong khi thi. Về dạng toán thực tế, mức độ vẫn gắn với kiến thức HS đã học. Còn ở môn tiếng Anh, HS cần chú ý từ vựng, ngữ nghĩa câu, ứng dụng trong các tình huống và thực tiễn cuộc sống; đồng thời phải biết phân tích để hiểu ngữ nghĩa của từ đặt trong các bối cảnh khác nhau.

Nhiều học sinh xin chuyển trường sau khi kết thúc học kỳ I

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, trước mỗi kỳ tuyển sinh lớp 10, sở này đều siết chặt tình hình đăng ký nguyện vọng. Chẳng hạn, những HS có hộ khẩu quận 12, Gò Vấp nhưng đăng ký trường ở huyện Củ Chi, Hóc Môn... sẽ được xem xét kỹ. Sở dĩ phải làm như vậy vì rất nhiều HS sau đó không thể theo học do xa nhà. Mặt khác, có nguyên nhân là những HS này chỉ xem các trường trên là bến đỗ tạm thời, sau đó sẽ tìm cách xin chuyển trường.

Dù siết chặt là vậy nhưng theo lãnh đạo nhiều trường THPT, sau khi kết thúc học kỳ I vẫn có tình trạng nhiều HS làm đơn xin chuyển trường, song không phải trường hợp nào cũng được giải quyết. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 7 cho biết hầu như năm nào cũng có trường hợp HS xin chuyển trường, lý do chính là vì đăng ký sai nguyện vọng. 

Theo vị này, quy định của Sở GD-ĐT TP HCM là tuyệt đối không được thay đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển nên nhiều em chọn cách học xong học kỳ I sẽ xin rút. "Có trường hợp khi xem hồ sơ, gia đình HS ở huyện Hóc Môn, Bình Chánh nhưng học tại quận 7 thì nhà trường xem xét giải quyết. Còn trường hợp dù nhà ở quận 3 nhưng xin chuyển về trường ở cùng quận thì không thể được vì điểm chuẩn đầu vào ở 2 trường khác nhau. Nếu cho chuyển, các em học cũng không theo kịp" - vị này nói thêm.

Theo quy định của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, HS được đăng ký 3 nguyện vọng: HS lựa chọn 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3 vào lớp 10 các trường THPT công lập phù hợp với năng lực học tập của bản thân, gần nơi cư trú để thuận lợi cho việc tiếp tục đi học khi đã trúng tuyển và giảm áp lực giao thông theo chủ trương của TP. 

Thứ tự ưu tiên xét tuyển: Những HS được dự xét tuyển là những HS dự thi đủ 3 bài thi tuyển sinh vào lớp 10 và không có bài thi nào bị điểm 0. Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 bài thi tuyển sinh vào lớp 10 (trong đó bài thi ngữ văn và bài thi toán hệ số 2, bài thi ngoại ngữ hệ số 1) và điểm ưu tiên. Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm. 

Mỗi năm, hơn 15.000 HS rớt lớp 10 công lập

Thống kê của Sở GD-ĐT TP HCM cho thấy mỗi năm có khoảng hơn 100.000 HS lớp 9 tốt nghiệp THCS và mỗi năm sẽ giảm thêm 3% chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập để đáp ứng yêu cầu phân luồng HS sau THCS. Như vậy, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng hơn 15.000 thí sinh bị loại khỏi cuộc đua vào lớp 10 công lập.